Nâng Cao Giá Trị Gia Tăng Hàng Nông Lâm Thủy Sản

Bộ NNPTNT vừa phê duyệt Đề án Nâng cao giá trị gia tăng (GTGT) hàng nông lâm thủy sản trong chế biến và giảm tổn thất sau thu hoạch.
Mục tiêu là phấn đấu đến năm 2020, GTGT các ngành hàng nông lâm thủy sản tăng bình quân 20% so với hiện nay. Cụ thể, đối với một số ngành hàng chủ lực như gạo tăng 20%, cà phê tăng 13%, chè tăng 30%, thủy sản tăng 20%... Tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản giảm 50% so với hiện nay.
Cụ thể, theo đề án, đối với lúa gạo, phấn đấu giảm tổn thất sau thu hoạch từ 11-13% hiện nay xuống còn 5-6% bằng các biện pháp cơ giới hóa thu hoạch, đầu tư máy sấy, kho chứa thóc… Đến năm 2020, thực hiện thu hoạch lúa bằng máy đạt 60%, năng lực sấy lúa cả nước đạt trên 80%...
Đối với thủy sản, giảm tổn thất sau thu hoạch đối với khai thác hải sản từ 20% hiện nay xuống 10%, thông qua tổ chức tốt dịch vụ hậu cần nghề cá trên biển và tại cảng cá.
Một giải pháp khác được đề án đặt ra là đầu tư công nghệ, thiết bị nhằm xử lý và tận dụng triệt để các phế phụ phẩm nông nghiệp tạo sản phẩm có GTGT cao. Đối với lúa gạo, toàn bộ phế phụ phẩm (trấu, cám) trong xay xát lúa gạo được chế biến thành các sản phẩm có giá trị như củi trấu, trấu viên, ván ép, dầu cám, thức ăn chăn nuôi. Đối với rơm, sử dụng trong sản xuất nấm, đóng bánh làm thức ăn chăn nuôi, làm chất đốt, làm phân hữu cơ…
Đối với thủy sản, sử dụng phế phụ phẩm trong các loại hình chế biến, đầu tư công nghệ hiện đại để sản xuất các chế phẩm có GTGT sử dụng trong các ngành thực phẩm và phi thực phẩm như: Colagen, glucosamin, canxi hoạt tính, bột cá, dầu cá…
Về thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản, tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh, chế biến xây dựng phát triển thương hiệu lớn, có uy tín, gắn với chỉ dẫn địa lý. Phấn đấu đến năm 2020, có 40-50% đơn vị sản xuất kinh doanh xuất khẩu xây dựng và phát triển các thương hiệu lớn, có uy tín tại thị trường EU, Mỹ và Nhật Bản.
Có thể bạn quan tâm

Sau 3 năm triển khai diệt bệnh chổi rồng trên nhãn, huyện Chợ Lách (Bến Tre) đạt được kết quả khả quan. Ngành Nông nghiệp đã chuyển giao thành công cho nông dân cách xử lý phù hợp bằng các giải pháp giống, kỹ thuật canh tác và hóa học. Đồng thời, ngành chức năng tìm lối ra cho diện tích nhãn bị nhiễm bệnh nặng bằng hình thức chuyển đổi giống cây trồng hợp lý theo lộ trình tái cơ cấu nông nghiệp của địa phương.

Nhiều doanh nghiệp cho hay họ không thể xuất khẩu được thịt gà VN dù đạt mọi tiêu chuẩn khắt khe từ các thị trường khó tính và đối tác đặt hàng bởi vướng ở khâu thú y.

Hiện nay, dù Anh chỉ là thị trường nhập khẩu (NK) cá tra và cá da trơn của Việt Nam lớn thứ 4 tại EU, nhưng 3 năm trở lại đây, đặc biệt là từ năm 2014, tăng trưởng NK của nước này luôn đạt mức cao và ổn định nhất khu vực.

Từ 10 ngày nay giá hành tây và khoai tây tại Đà Lạt tăng mạnh do nguồn hàng dự trữ đã hết.

Phòng NN&PTNT huyện Thăng Bình cho biết, toàn huyện có trên 120 ha diện tích nuôi tôm đang chiếm dụng lòng sông Trường Giang.