Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nâng Cao Chất Lượng Bình Tuyển Giống Cây Ăn Quả Đặc Sản

Nâng Cao Chất Lượng Bình Tuyển Giống Cây Ăn Quả Đặc Sản
Ngày đăng: 25/12/2013

Hà Nội có nhiều loại trái cây đặc sản như cam Canh, bưởi Diễn, nhãn muộn Đại Thành, thanh long ruột đỏ... Hiện có nhiều tổ chức, cá nhân từ các tỉnh, thành phố tìm đến Thủ đô mua các loại giống cây ăn quả để phát triển ở địa phương. Thành phố đang đẩy mạnh công tác bình tuyển cây đầu dòng, đáp ứng nhu cầu phát triển vùng cây ăn quả của Thủ đô và cung cấp cho thị trường các tỉnh.

Mặc dù chưa được tham dự khóa đào tạo bài bản trong trường lớp, nhưng từ mười năm nay, ông Triệu Tiến Ích ở thôn Lại Dụ, xã An Thượng, huyện Hoài Đức đã chọn lọc và lưu giữ được bảy giống nhãn chín muộn, trong đó có giống HTM-1 đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận. Ông Ích cho biết, năm nay, trong số sáu cây nhãn đề nghị được bình tuyển, gia đình ông có năm cây được chọn.

Cũng trong buổi bình tuyển, Hội đồng khoa học của Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội đã chọn được 14 cây nữa của các gia đình ông Trần Văn Bảy, Nguyễn Văn Đông, Đỗ Văn Thịnh (xã Song Phương); Nguyễn Văn Tú, Nguyễn Hữu Tích, Nguyễn Đình Thuyết (xã Đông La), nâng tổng số cây được bình tuyển lên 19. Sau khi được chọn, các chủ trang trại đều vui mừng phấn khởi.

Ông Nguyễn Hữu Tích, Phó chủ tịch Hội Sản xuất và Kinh doanh nhãn chín muộn Hoài Đức cho biết, việc bình tuyển giống cây đầu dòng đã tạo điều kiện để người dân giữ gìn, phát triển các nguồn gen quý cung cấp cho thị trường, góp phần tạo nguồn cây giống chất lượng cao cho Hà Nội.

TS. Đoàn Văn Lư, giảng viên Trường Đại học Nông nghiệp đánh giá, Hà Nội là một trong những địa bàn đi đầu về phát triển giống cây ăn quả. Chủ trương này phù hợp với chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và PTNT về công tác quản lý, sản xuất và kinh doanh giống cây ăn quả lâu năm. Trung bình mỗi năm, Hà Nội bình tuyển được 60 cây đầu dòng, nhưng vẫn cần có thêm nhiều cây ăn quả đầu dòng hơn nữa để đáp ứng nhu cầu thị trường các tỉnh. Bởi đây là những nguồn gen quý, rất cần được nhân rộng.

Cũng theo TS. Lư, miền Bắc hiện có hai vùng nhãn chính là Hưng Yên và Hà Nội. Riêng đối với Hà Nội, đã có hai giống nhãn chín muộn được công nhận là HTM-1 và HTM-2; đây là hai giống nhãn muộn hơn giống nhãn Phố Hiến ở Hưng Yên và có nhiều ưu điểm hơn, như: thời gian thu hoạch dài, mẫu mã sáng hơn, chất lượng ngon hơn... Bên cạnh đó, về cơ cấu giống cây ăn quả, hiện giống nhãn chín muộn đang được quan tâm, vì từ tháng 7 đến tháng 9 là thời điểm thị trường đang khan hiếm các loại quả trong nước.

Theo ThS. Nguyễn Thị Thoa, Trưởng phòng Trồng trọt (Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội), công tác bình tuyển cây ăn quả đầu dòng là công việc thường niên của Sở. Để được đưa vào diện bình tuyển, các cây đầu dòng phải được theo dõi, đánh giá trong thời gian 3 năm trước khi bình tuyển với các chỉ tiêu về sinh trưởng, năng suất (cao hơn 10% so với cây cùng loại), khả năng chống chịu sâu bệnh, chất lượng quả...

Hội đồng bình tuyển do Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội thành lập, gồm các chuyên gia chuyên sâu về lĩnh vực cây ăn quả của Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội, Viện Nghiên cứu rau quả cùng các nhà quản lý của Bộ và Sở. Để có được 20 cây nhãn muộn đưa ra bình tuyển giống cây đầu dòng năm nay tại Hoài Đức, Hội đồng bình tuyển đã thực hiện hai đợt chấm sơ khảo, từ 60 cây được chọn lọc trong sản xuất đại trà, qua hai lần sơ khảo mới chọn được 20 cây và cuối cùng, bình tuyển được 19 cây đáp ứng đủ tiêu chuẩn cây đầu dòng.

Chỉ tính từ năm 2008 đến nay, Sở đã xây dựng kế hoạch bình tuyển mỗi năm 60 -80 cây ăn quả đầu dòng các loại, tập trung vào ba loại cây ăn quả chính (cam Canh, bưởi Diễn, nhãn chín muộn). Đến nay, tổng số cây ăn quả đạt tiêu chuẩn đầu dòng của Hà Nội là 248 cây, trong đó nhãn chín muộn chiếm khoảng 40%.

Những cây được công nhận đầu dòng này, mỗi năm được khai thác 300 mắt ghép/cây, hoặc 30 cành chiết/cây; sau 3 - 5 năm sẽ được đưa ra bình tuyển lại.

TS.Lê Văn Đức, Trưởng phòng Cây công nghiệp (Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho rằng, những năm gần đây, Hà Nội đã phát huy thế mạnh, khai thác tiềm năng, bình tuyển được những cây ăn quả đầu dòng tốt nhất. Bên cạnh đó, thành phố còn chú trọng công tác quản lý giống, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và có chính sách hỗ trợ cho người dân.

Một trong những điểm nổi bật của Hà Nội là biết điều tiết, rải vụ bằng các loại giống và kỹ thuật, làm tăng hiệu quả kinh tế... Tuy nhiên, ông Đức cũng khuyến cáo, việc khai thác giống cây ăn quả đầu dòng vẫn cần nâng cao chất lượng hơn nữa, đồng thời gắn với quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm (GAP), có thương hiệu và đầu ra ổn định.


Có thể bạn quan tâm

Người liều lĩnh bảo lãnh mua 1.000 tấn phân bón Người liều lĩnh bảo lãnh mua 1.000 tấn phân bón

Đảm đương cương vị Phó Chủ tịch Hội Nông dân (ND) xã Phước Ninh, huyện Dương Minh Châu (Tây Ninh), bà Lâm Thị Có “lăn xả” vào thực hiện nhiều việc cụ thể, thiết thực nhằm hỗ trợ, giúp đỡ hội viên, ND có việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống.

18/11/2015
Cử tri đề nghị có Luật Bảo vệ nông dân Cử tri đề nghị có Luật Bảo vệ nông dân

Trong bản báo cáo nêu kiến nghị, ý kiến cử tri từ các địa phương gửi đến các kỳ họp Quốc hội khóa XIII do Ban Dân nguyện của Quốc hội tổng hợp, cử tri dành nhiều quan tâm đến lĩnh vực nông nghiệp.

18/11/2015
Kêu gọi nông dân mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật Kêu gọi nông dân mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật

Lời kêu gọi này được tiến sĩ Nguyễn Duy Lượng - Phó Chủ tịch BCH T.Ư Hội Nông dân Việt Nam (NDVN) đưa ra tại Hội nghị sơ kết 5 năm “Chương trình phối hợp hoạt động giữa Hội NDVN và Bộ Khoa học - Công nghệ (KHCN) giai đoạn 2011 – 2015 tổ chức ngày 16.11 tại Hưng Yên.

18/11/2015
Hàng trăm tấn chuối ở Vĩnh Phúc bị thương lái chạy làng Hàng trăm tấn chuối ở Vĩnh Phúc bị thương lái chạy làng

Những ngày qua, hàng chục hộ dân trồng chuối trên địa bàn xã Liên Châu, huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc đứng ngồi không yên bởi hàng trăm tấn chuối đã đến lúc tiêu thụ mà không có thương lái hỏi mua hoặc nếu có thì giá thu mua cũng ở mức “bèo”.

18/11/2015
Độc đáo nuôi heo bằng máy lạnh Độc đáo nuôi heo bằng máy lạnh

Sau nhiều năm thất bại nặng nề vì nuôi heo thịt với phương pháp thủ công, anh Nguyễn Duy Tuấn (SN 1982, quê thôn 5, xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) cùng vợ quyết chí thực hiện một quyết định táo bạo là nuôi heo... bằng hệ thống lạnh khép kín nhập giống về từ Mỹ. Mô hình độc đáo này đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.

07/09/2015