Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nạn Khai Thác Tôm Hùm Giống Trong Vịnh Nha Trang Lại Tái Diễn

Nạn Khai Thác Tôm Hùm Giống Trong Vịnh Nha Trang Lại Tái Diễn
Ngày đăng: 05/03/2014

Sau thời gian khá dài bị cơ quan chức năng truy quét, xử lý nghiêm theo Chỉ thị số 11 của UBND tỉnh Khánh Hòa, tình trạng đặt bẫy nhử tôm hùm con ở khu vực biển ven bờ thuộc vịnh Nha Trang có dấu hiệu chìm lắng. Tuy nhiên, đầu năm 2014, do nguồn tôm hùm giống khan hiếm, giá cả tăng cao nên không ít người đã quay lại làm nghề này trong khu vực cấm…

Biết cấm vẫn làm

Sau 3 năm, kể từ ngày Chỉ thị số 11 (ngày 25-3-2011) của UBND tỉnh có hiệu lực, chúng tôi quay lại những khu vực biển nằm trong phạm vi cấm đánh bắt hải sản. Ở những nơi này, việc bẫy nhử tôm hùm con của ngư dân tuy không tràn lan như những năm trước, nhưng bắt đầu rộ lên so với thời gian đầu bị cấm.

Tại khu vực Hòn Rớ (xã Phước Đồng TP. Nha Trang), trên bờ kè nhiều bẫy nhử để la liệt; dưới bến, nhiều tàu cá vẫn chở theo từng đống bẫy nhử để đi đánh tôm hùm con; xa xa ngoài phía biển thấp thoáng vô số phao xốp trắng xóa (dùng treo bẫy nhử tôm hùm con).

Đang chuẩn bị chèo thúng chai ra kiểm tra bẫy, anh Nguyễn Xuân Vinh (trú Hòn Rớ, xã Phước Đồng) tặc lưỡi, phân bua với chúng tôi: “Lúc mới bị cấm, tôi vẫn nán làm, nhưng sau khi bị tịch thu dụng cụ và nộp phạt gần chục triệu đồng, tôi đã bỏ nghề này hơn năm nay. Hiện nay, thấy nguồn tôm giống đang khan hiếm, giá tăng cao hơn nhiều so với trước đây, hơn nữa vì không biết làm gì để kiếm sống nên tôi làm liều quay lại nghề cũ…”.

Tại bãi cát bồi bên chân cầu Xóm Bóng, vô số bẫy nhử tôm hùm của ngư dân cũng chất thành từng đống. Trên bãi, từng tốp người hì hục xúc cát vào bao tải, rồi chuyển xuống thuyền để chở ra biển làm “neo” cho bẫy nhử tôm hùm giống.

Không khí khẩn trương tấp nập trên bãi dưới thuyền nơi đây cho thấy, nghề bẫy nhử tôm hùm con thật sự đang quay trở lại. Ông Ngô Quốc Bảo (tổ Sơn Hải, phường Vĩnh Thọ, Nha Trang) cho biết: Trước khi bị cấm, ông làm nghề bẫy nhử tôm hùm con được 4 - 5 năm ở khu vực biển Hòn Chồng. Sau khi bị cấm, ông không bỏ nghề, nhưng cũng không thể làm ở chỗ cũ mà đi vào khu vực biển thuộc xã Phước Đồng để đặt bẫy.

Cũng theo ông Bảo, toàn bộ ngư dân đang lấy cát tại đây đều là người dân phường Vĩnh Thọ, nhưng chỉ một số ít giăng bẫy tôm hùm ở khu vực biển dọc đường Phạm Văn Đồng, còn lại đều hành nghề ở khu vực biển thuộc xã Phước Đồng.

Theo lời ông Bảo, chúng tôi đi dọc đường Phạm Văn Đồng để “khảo sát” tình trạng giăng bẫy tôm hùm ở khu vực biển này. Quả thật, ở khu vực biển ven bờ đoạn cuối đường Phạm Văn Đồng, chúng tôi thấy xuất hiện rất nhiều “bãi” phao xốp nổi trên mặt nước, dày nhất là khu vực biển đối diện khách sạn Mường Thanh. Bên cạnh đó, ở khu vực biển ven bờ giữa Hòn Đỏ và Hòn Chồng cũng xuất hiện những “bãi” phao tương tự.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện giá mỗi con tôm hùm sao giống từ 370.000 - 400.000 đồng (tùy kích cỡ), tăng khoảng 100.000 đồng/con so với năm ngoái. Điều này chính là nguyên nhân chính khiến không ít ngư dân bất chấp lệnh cấm để mưu sinh bằng nghề bẫy nhử tôm hùm con ở một số khu vực biển ven bờ nói trên.

Cần có sự điều chỉnh

Theo ông Trần Xuân Minh Thế - Phó Chủ tịch UBND phường Vĩnh Thọ, từ trước đến nay, trên địa bàn phường có khoảng 50 hộ dân làm nghề bẫy nhử tôm hùm giống.

Sau khi có chủ trương cấm đánh bắt bằng hình thức này trong vịnh Nha Trang, một mặt các cơ quan chức năng xử lý gắt gao, mặt khác nhờ được tuyên truyền vận động nên ý thức của người dân đã được nâng cao. Tuy nhiên, thực tế không có ai từ bỏ nghề này, phần lớn chuyển đi giăng bẫy ở những nơi khác, chỉ một số ít lén lút bám trụ lại địa bàn cũ.

Hiện nay, do giá tôm hùm giống tăng cao nên đã có một số trường hợp quay lại khu vực cũ để làm nghề, nhất là đoạn đối diện khách sạn Mường Thanh, dù đây là khu vực cấm theo Chỉ thị số 11 của UBND tỉnh. “Từ khi có chủ trương cấm, chúng tôi nhận được nhiều ý kiến của người dân xin được giăng bẫy tôm hùm ở khu vực biển ven bờ giữa Hòn Chồng và Hòn Đỏ, bởi đây là khu vực bãi rạn, nước nông, tàu lớn không vào được nên việc giăng bẫy tôm hùm ở khu vực này thực tế không cản trở đến giao thông trên biển.

Hơn nữa, khu vực trên nằm trong Dự án Nha Trang Sao, nhưng do dự án chưa thực hiện nên người dân mong muốn được giăng bẫy nhử tôm hùm giống ở đây, khi nào dự án triển khai, họ sẽ tự nguyện giải tỏa. Chúng tôi thấy kiến nghị của họ cũng có phần hợp tình, hợp lý nên đã kiến nghị lên thành phố…”, ông Thế cho biết thêm.

Xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Văn Danh - Chủ tịch UBND TP. Nha Trang cho biết: “Lâu nay UBND thành phố vẫn liên tục thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về việc cấm đặt bẫy nhử tôm hùm trong vịnh Nha Trang.

Chúng tôi cũng nhận được một số kiến nghị của người dân về việc giới hạn lại khu vực cấm đánh bắt hải sản. Bởi theo người dân, khu vực cấm như hiện nay là rất rộng. Tuy nhiên, đây là chỉ đạo của UBND tỉnh nên UBND thành phố vẫn phải nghiêm túc thực hiện.

Còn đối với những kiến nghị điều chỉnh lại khu vực cấm đánh bắt để người dân có thể mưu sinh, chúng tôi sẽ nghiên cứu trong thời gian tới. Nếu thấy hợp lý, UBND thành phố sẽ kiến nghị, còn không thì vẫn phải thực hiện theo đúng sự chỉ đạo của UBND tỉnh”.


Có thể bạn quan tâm

Mùa Sắn Nước... Đìu Hiu Mùa Sắn Nước... Đìu Hiu

Đứng trước ruộng sắn nước xanh um lá, anh Nguyễn Minh Tuấn (thôn Trung Hiệp 2, xã Cam Hiệp Bắc) cho biết, ruộng sắn nước nhà anh trông khá đẹp, nhưng khi nhổ thử thì củ quá nhỏ, năng suất ước 2,5 tấn/sào nên người mua chỉ trả giá 3 triệu đồng/sào. Với chi phí 5 triệu đồng/sào, anh lỗ khoảng chục triệu đồng.

28/10/2014
Phìn Ngan (Lào Cai ) Thu Trên 1 Tỷ Đồng Từ Bán Quả Sa Nhân Tím Phìn Ngan (Lào Cai ) Thu Trên 1 Tỷ Đồng Từ Bán Quả Sa Nhân Tím

Ngoài bán quả sa nhân, thời gian qua, nông dân xã Phìn Ngan còn có thêm thu nhập từ bán cây sa nhân giống cho nhân dân các xã trên địa bàn huyện Bát Xát và một số huyện khác của tỉnh. Thậm chí, nông dân tỉnh khác cũng đến Phìn Ngan tìm mua cây sa nhân tím về trồng. Giá mỗi cây giống từ 3.000 - 5000 đồng. Tuy chưa có thống kê đầy đủ, nhưng ước tính, tiền bán cây sa nhân giống của nông dân xã Phìn Ngan năm nay đạt trên 400 triệu đồng.

28/10/2014
Huyện Phước Long (Bạc Liêu) Thử Nghiệm Giống Lúa Chịu Mặn Trên Vùng Sản Xuất Luân Canh Tôm - Lúa Huyện Phước Long (Bạc Liêu) Thử Nghiệm Giống Lúa Chịu Mặn Trên Vùng Sản Xuất Luân Canh Tôm - Lúa

Mục tiêu của việc thử nghiệm để xác định khả năng chịu mặn của từng giống lúa, từ đó đánh giá mức độ chịu mặn và khả năng thích nghi với từng vùng đất chuyển đổi lúa - tôm, nhằm khuyến cáo nông dân thực hiện trong các vụ mùa tới, góp phần đa dạng hóa cơ cấu giống lúa chịu mặn, thích nghi, có năng suất, thời gian sinh trưởng ngắn ngày, khắc phục tình trạng thiếu hụt giống, giá thành cao.

28/10/2014
An Phú (An Giang) Nhân Rộng Mô Hình Sản Xuất Rau Màu Trong Nhà Lưới An Phú (An Giang) Nhân Rộng Mô Hình Sản Xuất Rau Màu Trong Nhà Lưới

Việc ứng dụng mô hình nhà lưới vào sản xuất rau màu không chỉ cải thiện dân sinh, mà còn mở ra hướng đi mới cho nền nông nghiệp ở huyện đầu nguồn An Phú (An Giang). Thông qua việc tạo nên những sản phẩm nông nghiệp an toàn, chất lượng, năng suất cao sẽ đóng góp quan trọng vào chuỗi cung ứng và quá trình xây dựng nông thôn mới.

28/10/2014
Người Dân Bình Phước Lại Đua Nhau Trồng Tiêu Người Dân Bình Phước Lại Đua Nhau Trồng Tiêu

Ở thời điểm này, hồ tiêu có giá hơn 190 nghìn đồng/kg. Cây tiêu đang mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn các loại cây trồng khác như cao su, cà phê, điều. Do lợi nhuận cao, nhiều hộ nông dân ở Bình Phước chặt bỏ điều, thậm chí cao su và đua nhau trồng tiêu, vừa tạo ra cơn sốt nọc tiêu, vừa có nguy cơ phá vỡ quy hoạch của ngành nông nghiệp.

28/10/2014