Nấm Xanh Phát Huy Hiệu Quả Trên Đồng Ruộng

Nuôi nấm xanh để trừ rầy nâu hại lúa đang được rất nhiều nông dân sử dụng trên đồng ruộng, vì tiết kiệm chi phí, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đảm bảo sức khỏe cho người sử dụng.
Hiện nay, nấm xanh đang được nhân rộng tại các địa phương và hầu hết bà con nông dân đều quan tâm đến mô hình này. Cán bộ bảo vệ thực vật thị trấn Bảy Ngàn, huyện Châu Thành A Nguyễn Thanh Phong cho biết: Được sự hỗ trợ của Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh, địa phương đã gieo cấy nấm xanh khoảng 15ha lúa Đông xuân tại ấp 3B. Từ thực tế cho thấy, mô hình nấm xanh đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho bà con nông dân trong công tác phòng trừ sâu hại, đặc biệt là không gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Chi phí phòng trừ rầy nâu bằng nấm xanh chỉ khoảng 90.000 đồng/ha/lần, còn sử dụng thuốc hóa học khoảng 400.000-600.000 đồng/ha/lần. Như vậy, việc đưa mô hình nấm xanh vào đồng ruộng sẽ giúp nhà nông tiết kiệm rất lớn chi phí sản xuất.
Ông Nguyễn Văn Thân, ở ấp 3B, thị trấn Bảy Ngàn cho biết: “Vụ Đông xuân và Hè thu vừa qua, gia đình và nhiều bà con nông dân trong khu vực đã gieo cấy nấm xanh để phòng trừ rầy nâu và nhận thấy mô hình mang lại hiệu quả thiết thực cho nhà nông. Do đó, vụ Đông xuân năm nay, tôi tiếp tục thực hiện mô hình vì phòng trừ rầy nâu và sâu cuốn lá bằng nấm xanh giảm chi phí sản xuất so với thuốc hóa học, đồng thời tạo ra sản phẩm an toàn, từng bước giúp bà con nông dân thay đổi tư duy sản xuất truyền thống”.
Mặc dù đang bận tay chuẩn bị cho việc gieo cấy nấm nhưng ông Nguyễn Văn Tám, ở cùng ấp 3B cho biết: “Tôi cùng nhiều hộ dân trong khu vực đang xử lý nấm xanh để phun nấm ra đồng ruộng nhằm tiêu diệt sâu rầy tấn công trên lúa”. Có thể nói, nấm xanh là sản phẩm sinh học mới, có tính năng ưu việt trong việc phòng trừ rầy nâu và sâu cuốn lá, hạn chế ô nhiễm môi trường, góp phần làm đa dạng hệ sinh thái trên ruộng lúa. Nhờ áp dụng mô hình nấm xanh vào sản xuất nông nghiệp mà gia đình ông Tám tiết kiệm được chi phí đầu tư khoảng 5 triệu đồng/ha so với trước khi chưa sử dụng.
Nhận thấy hiệu quả thiết thực trong việc phòng trừ rầy nâu và sâu cuốn lá từ mô hình nấm xanh mang lại, vụ lúa Đông xuân năm nay mặc dù không được tỉnh hỗ trợ nguyên liệu để gieo cấy nấm xanh, nhưng bà con nông dân ở ấp 2, xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy đã cùng nhau tập hợp lại hùn vốn gieo cấy nấm. Ông Lâm Thành Răng là một trong những người tiên phong tham gia mô hình gieo cấy nấm xanh chia sẻ: “Vụ Đông xuân vừa qua, được sự hỗ trợ của Chi cục BVTV tỉnh thực hiện mô hình nấm xanh, kết quả mang lại rất khả quan. Vụ Đông xuân năm nay dù không được hỗ trợ nguyên liệu, chi phí nhưng tôi cùng nhiều bà con trong khu vực tiếp tục làm và sẽ nhân rộng trong các vụ lúa kế tiếp”.
Còn ông Lâm Thành Rê ở cùng ấp 2, xã Vĩnh Thuận Tây, sau khi thực hiện mô hình nhận thấy, sử dụng nấm xanh trong sản xuất nông nghiệp vừa giảm chi phí sản xuất, đồng thời đảm bảo sức khỏe cho nhà nông, không gây ảnh hưởng tới thiên địch, hệ sinh thái, con người và môi trường xung quanh. Bà Lê Thị Như Thùy, Chi cục phó Chi cục BVTV tỉnh Hậu Giang, cho biết: Vụ Đông xuân năm nay, chi cục thực hiện 16 điểm gieo cấy nấm xanh ở huyện Châu Thành A, Phụng Hiệp, Long Mỹ, Vị Thủy, TP.Vị Thanh và TX.Ngã Bảy. Thực hiện mô hình lần này, chi cục hỗ trợ nấm gốc, bọc nylon, ống cao su,… người dân chỉ đóng góp tấm, gạo để gieo cấy nấm. Sau thời gian hướng dẫn, chuyển giao khoa học kỹ thuật vào vụ Đông xuân 2010-2011, nông dân áp dụng vào thực tế đã thu được hiệu quả cao. Quy trình nhân nuôi nấm xanh dễ thực hiện, có thể áp dụng rộng rãi trong bà con nông dân. Do đó, vụ Đông xuân năm nay, một số nông dân đã tự liên kết lại tiến hành gieo cấy nấm không qua sự hỗ trợ của chi cục. Qua thực tế sử dụng, nấm xanh có khả năng ký sinh để tiêu diệt rầy nâu từ 50-70%, sâu cuốn lá từ 40-50%. Trong thời gian tới, ngành sẽ tiếp tục hỗ trợ, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho bà con và tìm kiếm kinh phí để nhân rộng mô hình hơn nữa
Có thể bạn quan tâm

Để khai thác thêm giá trị trên một héc-ta nuôi trồng thủy sản, thực hiện chỉ đạo của UBND huyện Hoằng Hóa và xã Hoằng Yến, các vụ nuôi tôm vừa qua, nhiều chủ đồng đã phá thế độc canh tôm sú bằng cách nuôi xen canh hoặc luân canh đa thời vụ các đối tượng như tôm rảo, cua, cá và đưa một số đối tượng mới vào thả nuôi.

Hiện cây mía vào cuối giai đoạn đẻ nhánh, chuyển sang thời kỳ vươn lóng, quyết định đến năng suất từng ruộng mía, huyện đang chỉ đạo các HTX dịch vụ nông nghiệp cân đối nhu cầu phân bón, đấu mối với các doanh nghiệp để cung ứng kịp thời cho việc chăm sóc mía của bà con nông dân.

Những năm qua, mô hình kinh tế trang trại ở các địa phương trong tỉnh có bước phát triển khá, góp phần tạo sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong sản xuất nông nghiệp, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn, hỗ trợ đắc lực cho các địa phương thực hiện các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới.

13g ngày 26-8, tàu Hoàng Anh 01 - tàu cá vỏ thép - được tàu cứu hộ lai dắt về cảng Nha Trang do bị chết máy, sau 20 ngày xuất bến chuyến thứ 2.

Ngoài tác dụng giải nhiệt, mủ trôm còn có thể làm thuốc chữa bệnh về tiêu hóa và giúp ổn định đường huyết. Theo kết quả kiểm nghiệm sản phẩm mủ trôm của Viện Vệ sinh Y tế công cộng TP HCM, hàm lượng magiê/100 g mủ trôm là 102 mg, kali là 360 mg, kẽm là 42 mg.