Nấm linh chi Việt Nam bị nấm linh chi Trung Quốc tấn công

Dù thị trường nấm linh chi được cho là lớn nhưng các doanh nghiệp (DN) và nông dân Việt lại đang gặp khó khăn vì khó tìm được đầu ra, không cạnh tranh nổi với hàng ngoại.
Anh HP, chủ một cơ sở nấm linh chi ở xã An Phú, huyện Củ Chi (TP.HCM), cho hay ba năm trước hai vợ chồng đầu tư gần 1 tỉ đồng xây nhà trồng nấm linh chi. Thế nhưng đến nay vẫn chưa thu hồi được vốn.
Nhiều nông dân khác cũng cho hay việc tiêu thụ nấm linh chi đang rất khó khăn.
Đến thời điểm hiện tại, riêng tại TP.HCM có khoảng 25-30 cơ sở trồng nấm linh chi và sản xuất bịch phôi bán cho nông dân. Song thực tế cho thấy nghề trồng linh chi vẫn còn mang tính tự phát, mạnh ai nấy làm. Ông Dương Văn Minh, Trưởng Trạm Khuyến nông huyện Củ Chi - một trong những địa phương có nhiều cơ sở trồng và kinh doanh nấm linh chi, cho biết: “Nhiều trại nấm trên địa bàn đã phải đóng cửa vì không phát triển được”.
Thiếu sự quản lý, quy hoạch cũng như những chính sách hỗ trợ, định hướng đã khiến việc trồng và kinh doanh nấm linh chi rủi ro cao. “Nông dân chủ yếu gặp khó khăn về nguồn giống, phôi giống và kỹ thuật trồng. Quan trọng nhất là khâu giống, nhiều nông dân làm không tốt nên trong quá trình nuôi trồng bị lỗ” - ông Minh nhận xét.
Trong khi đó, ThS Cổ Đức Trọng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu nấm linh chi và nấm dược liệu (Công ty TNHH Linh chi Vina, quận 12, TP.HCM), thì cho rằng: “Linh chi là thuốc, không phải là thực phẩm đơn thuần. Do vậy người mua, đặc biệt là các nhà nhập khẩu đều đưa ra yêu cầu rất cao”.
Đơn cử, muốn xuất linh chi sang thị trường Nhật thì cần phải đáp ứng những yêu cầu rất khắt khe về chất lượng, mẫu mã, số lượng sản phẩm. Đây là điều mà hiếm có đơn vị trồng, kinh doanh linh chi tại Việt Nam làm được.
“Ngay cả công đoạn kỹ thuật để xác định thành phần, tỉ lệ dược tính của linh chi thì các đơn vị cung cấp ở nước ta vẫn chưa thể chủ động” - ông Trọng nêu thực trạng.
Điều này giải thích vì sao linh chi Việt Nam không chỉ xuất khẩu khó khăn mà còn bị thua ngay trên sân nhà. Chẳng hạn, giá bán linh chi Việt Nam vào khoảng 800.000 đồng/kg đến 1.800.000 đồng/kg; trong khi nấm linh chi Hàn Quốc nhập vào Việt Nam dao động từ 1.500.000 đồng/kg đến 2.500.000 đồng/kg nhưng linh chi Hàn Quốc vẫn được chuộng.
Đã vậy, theo ThS Cổ Đức Trọng, linh chi Việt Nam còn bị linh chi Trung Quốc “tấn công”. Cụ thể linh chi Trung Quốc “thẩm thấu” qua nhiều con đường vào Việt Nam gây nhiễu loạn thị trường trong nước.
“Nấm linh chi Trung Quốc giá chỉ khoảng 300.000 đồng/kg đến 400.000 đồng/kg. Vì vậy, nấm Trung Quốc thường được giả làm nấm Hàn Quốc hoặc nấm Việt Nam bán với giá cao” - ThS Trọng thông tin.
Để giải quyết bài toán đầu ra cho linh chi Việt, ông Lê Nguyễn Kháng, phụ trách kỹ thuật ở HTX Nấm Việt (xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi), nói: “Cần có một đơn vị đủ thẩm quyền, tầm nhìn, cái tâm để đứng ra tổ chức, quản lý việc trồng và kinh doanh linh chi.
Có như vậy người tiêu dùng mới mua được sản phẩm tốt, DN bán được hàng. Nếu cứ để tự phát, mạnh ai nấy làm như hiện nay thì khó tồn tại, cạnh tranh được”.
Có thể bạn quan tâm

Được sự hỗ trợ từ Trung tâm Thông tin & Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ (Sở Khoa học & Công nghệ), Phòng Kinh tế huyện Tánh Linh, HTX Dịch vụ nông nghiệp Lạc Tánh đã triển khai mô hình liên kết trồng nấm linh chi, nấm rơm, sản xuất phân hữu cơ từ giá thể trồng nấm trên diện tích nhỏ tại vườn nhà anh Nguyễn Ngọc Dũng (khu phố Lạc Tín, thị trấn Lạc Tánh) mang lại hiệu quả kinh tế hộ gia đình.

Thời gian qua, phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi ở thị trấn Phan Rí Cửa (Tuy Phong) có nhiều bước phát triển, nhiều mô hình làm kinh tế có hiệu quả. Cũng từ phong trào này, đã xuất hiện nhiều tấm gương ngư dân sản xuất kinh doanh giỏi tiêu biểu, mà anh Võ Mao (SN 1960), thuộc KP Hải Tân 1, Phan Rí Cửa là một điển hình.

Theo cam kết, đến năm 2018, thuế suất đối với thuế nhập khẩu mía đường từ các nước trong khu vực ASEAN sẽ về 0%, thay vì 30% như hiện nay. Điều này đặt ra những thách thức không nhỏ đối với ngành mía đường Việt Nam.

Đó là phản ảnh của nhiều người dân trồng mắc ca ở Đắk Lắk sau khi thu hoạch trái mắc ca, chưa kể vườn cây cho rất ít trái so với “hứa hẹn”.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA): Lũy kế xuất khẩu gạo từ đầu năm đến ngày 16-7 đạt 2,875 triệu tấn, trị giá FOB là 1,194 tỷ USD, trị giá CIF 1,231 tỷ USD.