Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nấm Bệnh Hành Cây Ca Cao Ở Đồng Nai

Nấm Bệnh Hành Cây Ca Cao Ở Đồng Nai
Ngày đăng: 09/01/2013

Vài năm trở lại đây, phong trào trồng cây ca cao diễn ra khá rầm rộ ở nhiều huyện trong tỉnh Đồng Nai. Có những chủ vườn phá cả vườn điều, vườn cây ăn trái, cà phê… để dành đất cho cây ca cao “dụng võ”. Thế nhưng đến thời kỳ khai thác, cây lại bị nấm phytophthora “hành”.

Phytophthora là loại nấm có khả năng phát tán và sức hủy hoại mạnh, đã làm sụp đổ biết bao nhiêu vườn tiêu với bệnh chết nhanh, chết chậm và làm “chết đứng” khá nhiều những vườn cây ăn trái, đặc biệt là bưởi và sầu riêng với tên bệnh xì mủ trên thân và rễ. Ngay cả những vườn cây công nghiệp lâu năm, như: điều, cao su cũng bị làm cho khốn đốn, và đến nay thì những vườn ca cao đang “chịu trận”.

* Có trái nhưng không thu hoạch được

Nhắc đến cây ca cao, ông Nguyễn Văn Lập ở xã Túc Trưng (huyện Định Quán) lắc đầu ngao ngán. Ông vừa phải chặt bỏ 0,7 hécta ca cao ở năm thứ 5 trồng xen trong vườn chôm chôm. “Nghe nói ca cao trồng xen trong tán cây ăn trái rất được, tôi mua về trồng để lỡ chôm chôm có mất mùa thì còn có ca cao, nhưng rồi thất bại”, ông Lập nói. Vườn ca cao được chăm bón tốt nhưng trái ra đến đâu hư tới đó. Hai năm trời, lượng trái mà ông thu hoạch không đủ chi phí đầu tư. Ông Lập cho biết, nhiều người khác cũng bị tình trạng này, song đến nay vẫn không trị được, ông đành chặt bỏ ca cao để tập trung chăm sóc cho chôm chôm.

Cũng ở xã Túc Trưng, ông Nguyễn Văn Bảo đang hồi hộp với vườn ca cao 1 hécta đã trồng được 6 năm của mình. Vườn ca cao của ông Bảo cũng được trồng xen trong điều. Khi năng suất cây điều thấp, ông đã chặt bỏ điều để tạo điều kiện cho ca cao phát triển tốt, nhưng từ đầu năm 2011 tới nay, ông ngậm ngùi nhìn trái ca cao bị thối, hái đổ đi đầy vườn. Ông Bảo chia sẻ: “Nóng ruột quá, tôi đến nơi cung cấp giống (công ty ở TX.Long Khánh) để hỏi về bệnh này và được giải thích là bệnh bã trà, về nhà đi mua thuốc trị hoài cũng không hết. Mới đây, tôi đi mua hết gần 5 triệu đồng tiền thuốc Agrifos về xịt. Trong vòng 45 ngày tôi xịt tới 3 đợt, hiện tại trái non ra không còn thấy bị nấm nữa, hy vọng sẽ thoát được”.

Không chỉ ở Túc Trưng (huyện Định Quán) mà những huyện khác, như: Cẩm Mỹ, Thống Nhất, Tân Phú… nhiều nhà vườn cũng đang bối rối trước tình trạng ca cao bị nấm phytophthora hoành hành gây thất thu. Ông Đặng Trường Khanh, Phó giám đốc Công ty ca cao Trọng Đức ở huyện Định Quán cũng cho biết, chỉ riêng diện tích ca cao do doanh nghiệp đầu tư hiện nay bị giảm tới vài trăm hécta do người dân chặt bỏ. “Năm 2013, chúng tôi sẽ tập trung nhiều hơn cho vấn đề kỹ thuật để giúp nhà vườn ổn định được với cây ca cao. Hiện nay cây ca cao đang bị “mất uy tín” do nấm phytophthora gây nên”, ông Khanh nói.

* “Sống chung” với nấm

Thạc sĩ Trần Thị Phương Chi, cán bộ kỹ thuật Chi cục Bảo vệ thực vật Đồng Nai cho biết, nấm phytophthora có thể phát tán qua đường nước chảy và phát triển khá mạnh vào mùa mưa khi độ ẩm cao. Trong tỉnh, diện tích trồng cây cao su, điều và cây ăn trái nhiều nên khả năng phát tán loại nấm này rất lớn, chính vì vậy phải chấp nhận “sống chung” với chúng và dùng những biện pháp phòng, chống để ngăn chặn. Thạc sĩ Chi cũng đưa ra một số phương pháp cơ bản buộc các chủ vườn ca cao phải thực hiện, như: vườn ca cao xử lý không cho đọng nước; tán cây cắt tỉa thoáng không để rậm rạp, làm tăng độ ẩm vì sẽ là cơ hội cho loại nấm này phát triển. Ngoài ra, những cành, trái bị bệnh phải được cắt bỏ gom ra khỏi vườn; cây bị nhiễm bệnh dùng một số loại thuốc chuyên trị nấm phytophthora bán trên thị trường để xử lý (chích vào cây hoặc quét lên những chỗ bị thương của cây); sử dụng nấm trichoderma để khống chế; xịt thuốc phòng định kỳ thường xuyên.

Cùng quan điểm đó, ông Khanh cũng cho rằng, việc chăm sóc ca cao không đơn giản như nhiều người nghĩ, ngay cả việc bón phân cũng phải hợp lý. Nếu chủ vườn bón phân có nhiều đạm quá cũng là cơ hội cho loại nấm này phát triển. Do là trồng xen canh dưới các tán cây nên việc phòng chống nấm phytophthora trong các vườn ca cao lại càng đòi hỏi chủ vườn phải nắm bắt tốt kỹ thuật.

Diện tích cây ca cao hiện nay trên địa bàn tỉnh có gần 2 ngàn hécta, được trồng nhiều ở các huyện: Định Quán, Tân Phú, Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Thống Nhất và TX.Long Khánh.


Có thể bạn quan tâm

Sử dụng chế phẩm sinh học Trichoderma góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất đậu phụng Sử dụng chế phẩm sinh học Trichoderma góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất đậu phụng

Hàng năm, nông dân tỉnh Bình Định sản xuất trên dưới 10.000 tấn đậu phụng, song việc canh tác đậu phụng gặp nhiều khó khăn do sự tàn phá trên diện rộng của bệnh thối cổ rễ. Trong khi các biện pháp hóa học không hiệu quả và gây ô nhiễm môi trường, việc sử dụng chế phẩm (CP) sinh học Trichoderma đã mang lại triển vọng lớn: Tỉ lệ cây chết do bệnh thối cổ rễ giảm, năng suất tăng...

13/08/2015
Xuất cấp vắc xin, hóa chất sát trùng cho 8 địa phương Xuất cấp vắc xin, hóa chất sát trùng cho 8 địa phương

Huyện Kế Sách (Sóc Trăng) có gần 15.000 ha vườn cây lâu năm; trong đó, đa số các vườn cây có thể kết hợp để nuôi gà thả vườn. Nhằm giúp những nhà vườn trong huyện có dự định nuôi gà thả vườn nắm vững kỹ thuật nuôi, thị trường tiêu thụ; vừa qua, phòng Nông nghiệp & PTNT Kế Sách tổ chức Hội thảo về mô hình nuôi gà ta thương phẩm quy mô gia trại tại Tổ hợp tác nuôi gà Nam Hải, xã Đại Hải. Tham dự Hội thảo có gần 50 đại biểu, gồm đại diện các đoàn thể cấp huyện, các đơn vị nông nghiệp có liên quan và nông dân trong huyện.

13/08/2015
Khởi công Tổ hợp các trang trại bò sữa công nghệ cao Vinamilk tại Thanh Hóa Khởi công Tổ hợp các trang trại bò sữa công nghệ cao Vinamilk tại Thanh Hóa

Tổ hợp các trang trại bò sữa công nghệ cao Vinamilk tại Thanh Hóa là một trong những dự án có quy mô và tổng mức đầu tư lớn trong lĩnh vực chăn nuôi bò sữa ở Việt Nam. Đây là dự án duy nhất trong lĩnh vực nông nghiệp được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh chọn khởi công để chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII.

13/08/2015
Phước An (Bình Định) thu nhập cao từ nghề nuôi bò vỗ béo Phước An (Bình Định) thu nhập cao từ nghề nuôi bò vỗ béo

Những năm gần đây, nông dân xã Phước An (huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định) đã phát triển tốt nghề chăn nuôi bò vỗ béo. Nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, hoạt động chăn nuôi ngày càng hiệu quả, đem lại thu nhập đáng kể, góp phần xóa đói giảm nghèo, cải thiện cuộc sống của người dân.

13/08/2015
Xóa nghèo nhờ… ong Xóa nghèo nhờ… ong

Những năm qua, phong trào nuôi ong lấy mật ở huyện vùng cao Mù Cang Chải (Yên Bái) đã phát triển mạnh mẽ. Tận dụng thế mạnh của địa phương là có nhiều đồi rừng, các hộ dân đã tích cực chăm sóc và nhân rộng đàn ong. Hiện nay, việc nuôi ong lấy mật thực sự trở thành một trong những nghề cho thu nhập cao, góp phần xóa đói giảm nghèo và nhiều hộ còn làm giàu từ nghề này.

13/08/2015