Năm 2014, Khó Đạt Mục Tiêu Tăng Trưởng Kinh Tế

Trong khi kinh tế toàn tỉnh đang có dấu hiệu phục hồi, bước qua giai đoạn trì trệ với nhiều chỉ tiêu tăng trưởng khá thì một số chỉ tiêu trọng yếu đã sớm có dự báo chắc chắn sẽ không về được đích. Điều này khiến cho khả năng tốc độ tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh trong năm nay sẽ không đạt mục tiêu, kế hoạch đề ra.
Tính đến hết quý III/2014, giá trị tổng sản phẩm nội tỉnh đạt 8.242 tỷ đồng, bằng 63% kế hoạch cả năm, tăng 11,3% so với cùng kỳ, ở mức khá thấp so với dự kiến kế hoạch đầu năm là trên 13%. Nguyên nhân chính là do năm nay, một số nguồn thu nằm trong dự toán thực tế không có do những nguyên nhân khách quan, nằm ngoài tầm kiểm soát của tỉnh.
Đơn cử, năm 2013, giá trị sản phẩm từ cây cao su trên địa bàn toàn tỉnh tăng 51% so với năm 2012. Căn cứ vào con số này, trong năm 2014, tỉnh dự toán mức tăng trưởng ở cây cao su khoảng trên 50%. Tuy nhiên, thực tế, 9 tháng đầu năm, tăng trưởng ở sản phẩm mủ cao su trên địa bàn tỉnh chỉ đạt 5% do mủ cao su “rớt” giá sâu, người dân không khai thác. Vì thế, một khoản thu lớn từ sản phẩm cây công nghiệp chủ lực này đã bị hụt.
Bên cạnh đó, theo cam kết của Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam thì đến tháng 6/2014, Nhà máy Alumin Nhân Cơ sẽ hoàn thiện khâu xây lắp và đến tháng 9/2014 sẽ đi vào hoạt động với công suất 30%, tương đương 200.000 tấn sản phẩm alumil.
Tuy nhiên, trên thực tế, đến nay, tiến độ xây dựng nhà máy chỉ mới đạt khoảng 80% khối lượng. Vì thế, một điều chắc chắn rằng nguồn thu từ sản phẩm alumil trong năm nay như dự toán ban đầu cũng không có.
Chưa kể đến, với chính sách thắt chặt đầu tư công cộng với việc thay đổi cơ chế quản lý nguồn vốn đầu tư, nhiều dự án trọng điểm của tỉnh cũng không thể hoàn thành theo dự kiến. Tiến độ giải ngân nguồn vốn trong lĩnh vực xây dựng cơ bản đến nay vẫn chưa được cải thiện, nhiều dự án chậm giải ngân đã kéo theo tiến độ tăng trưởng chung trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng cơ bản đạt thấp.
Cụ thể, 9 tháng đầu năm, công nghiệp, xây dựng cơ bản toàn tỉnh chỉ tăng trưởng trên 9%, trong khi mục tiêu tăng trưởng ở hai lĩnh vực này trong năm nay là 19%.
Theo ông Trần Xuân Hải, Giám đốc Sở Kế hoạch-Đầu tư thì từ thực tế trên, tốc độ tăng trưởng trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng cơ bản năm nay chắc chắn là không đạt mục tiêu, kế hoạch đề ra. Bởi vì, nguyên nhân dẫn đến “vỡ kế hoạch” một số chỉ tiêu này gần như nằm ngoài tầm kiểm soát, điều hành của tỉnh.
Điều đáng nói, đây là những lĩnh vực có tỷ trọng tăng trưởng tương đối lớn trong phát triển kinh tế nên nếu tỉnh không quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành thì có nhiều khả năng, tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh trong năm nay cũng khó đạt con số trên 13% như mục tiêu ban đầu đặt ra.
Từ thực tế cho thấy, đây không phải là năm đầu tiên tỉnh gặp khó trong việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng nền kinh tế mà những năm trước, tình trạng trên cũng đã diễn ra.
Ngoài những nguyên nhân khách quan do tác động tiêu cực từ nền kinh tế chung của khu vực và trên thế giới thì việc luôn phải “chật vật chạy đua” để hoàn thành mục tiêu một phần là do tính phân tích, dự báo của chúng ta chưa thực sự sát với diễn biến tình hình kinh tế chung và tiềm lực của tỉnh.
Vì thế, mặc dù đã quyết liệt chỉ đạo, linh động trong khâu điều hành nhưng xem ra, đến nay, có thể chắc chắn một điều là mục tiêu tăng trưởng kinh tế chung ban đầu đưa ra cho giai đoạn 5 năm (2011-2015) ở mức trên 15% là không thể đạt được.
Nguồn bài viết: http://www.baodaknong.org.vn/kinh-te/nam-2014-kho-dat-muc-tieu-tang-truong-kinh-te-35620.html
Có thể bạn quan tâm

Để hạn chế những thiệt hại do hạn hán có thể xảy ra đối với cây trồng vụ đông xuân 2013 - 2014, ngành chức năng và bà con nông dân huyện Krông Nô đã, đang chủ động triển khai xây dựng, nạo vét kênh mương thủy lợi, khơi thông dòng chảy... để đảm bảo nước tưới cho toàn bộ mùa vụ.

Trong những năm qua, hoạt động ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (KH&CN) vào sản xuất trên địa bàn huyện Đắk Glong đã đạt được nhiều kết quả.

Cũng như các tỉnh Tây Nguyên, nền sản xuất nông nghiệp của Đắk Nông phát triển đa dạng và tương đối toàn diện với nhiều loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao. Theo đó, tỉnh đã và đang triển khai nhiều giải pháp tạo thế và lực cho ngành Nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững, nhằm mở ra hướng đi mới.

Để khắc phục tình trạng thiếu nước cho cây trồng trong mùa khô, mấy năm gần đây, nhiều hộ gia đình ở xã Quảng Sơn (Đắk Glong) đã thự hiện luân canh lúa – khoai; giúp tăng giá trị trên cùng đơn vị diện tích canh tác, lợi nhuận cao gấp 2 lần trồng lúa thuần.

Ca cao là loại cây trồng mới đang được ngành nông nghiệp cả nước khuyến khích nông dân phát triển với quy mô hàng hóa do có hiệu quả kinh tế cao nhờ thị trường tiêu thụ còn nhiều tiềm năng, phù hợp với điều kiện thỗ nhưỡng, khí hậu và không chiếm nhiều diện tích đất của các giống cây truyền thống khác.