Năm 2014, Khó Đạt Mục Tiêu Tăng Trưởng Kinh Tế

Trong khi kinh tế toàn tỉnh đang có dấu hiệu phục hồi, bước qua giai đoạn trì trệ với nhiều chỉ tiêu tăng trưởng khá thì một số chỉ tiêu trọng yếu đã sớm có dự báo chắc chắn sẽ không về được đích. Điều này khiến cho khả năng tốc độ tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh trong năm nay sẽ không đạt mục tiêu, kế hoạch đề ra.
Tính đến hết quý III/2014, giá trị tổng sản phẩm nội tỉnh đạt 8.242 tỷ đồng, bằng 63% kế hoạch cả năm, tăng 11,3% so với cùng kỳ, ở mức khá thấp so với dự kiến kế hoạch đầu năm là trên 13%. Nguyên nhân chính là do năm nay, một số nguồn thu nằm trong dự toán thực tế không có do những nguyên nhân khách quan, nằm ngoài tầm kiểm soát của tỉnh.
Đơn cử, năm 2013, giá trị sản phẩm từ cây cao su trên địa bàn toàn tỉnh tăng 51% so với năm 2012. Căn cứ vào con số này, trong năm 2014, tỉnh dự toán mức tăng trưởng ở cây cao su khoảng trên 50%. Tuy nhiên, thực tế, 9 tháng đầu năm, tăng trưởng ở sản phẩm mủ cao su trên địa bàn tỉnh chỉ đạt 5% do mủ cao su “rớt” giá sâu, người dân không khai thác. Vì thế, một khoản thu lớn từ sản phẩm cây công nghiệp chủ lực này đã bị hụt.
Bên cạnh đó, theo cam kết của Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam thì đến tháng 6/2014, Nhà máy Alumin Nhân Cơ sẽ hoàn thiện khâu xây lắp và đến tháng 9/2014 sẽ đi vào hoạt động với công suất 30%, tương đương 200.000 tấn sản phẩm alumil.
Tuy nhiên, trên thực tế, đến nay, tiến độ xây dựng nhà máy chỉ mới đạt khoảng 80% khối lượng. Vì thế, một điều chắc chắn rằng nguồn thu từ sản phẩm alumil trong năm nay như dự toán ban đầu cũng không có.
Chưa kể đến, với chính sách thắt chặt đầu tư công cộng với việc thay đổi cơ chế quản lý nguồn vốn đầu tư, nhiều dự án trọng điểm của tỉnh cũng không thể hoàn thành theo dự kiến. Tiến độ giải ngân nguồn vốn trong lĩnh vực xây dựng cơ bản đến nay vẫn chưa được cải thiện, nhiều dự án chậm giải ngân đã kéo theo tiến độ tăng trưởng chung trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng cơ bản đạt thấp.
Cụ thể, 9 tháng đầu năm, công nghiệp, xây dựng cơ bản toàn tỉnh chỉ tăng trưởng trên 9%, trong khi mục tiêu tăng trưởng ở hai lĩnh vực này trong năm nay là 19%.
Theo ông Trần Xuân Hải, Giám đốc Sở Kế hoạch-Đầu tư thì từ thực tế trên, tốc độ tăng trưởng trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng cơ bản năm nay chắc chắn là không đạt mục tiêu, kế hoạch đề ra. Bởi vì, nguyên nhân dẫn đến “vỡ kế hoạch” một số chỉ tiêu này gần như nằm ngoài tầm kiểm soát, điều hành của tỉnh.
Điều đáng nói, đây là những lĩnh vực có tỷ trọng tăng trưởng tương đối lớn trong phát triển kinh tế nên nếu tỉnh không quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành thì có nhiều khả năng, tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh trong năm nay cũng khó đạt con số trên 13% như mục tiêu ban đầu đặt ra.
Từ thực tế cho thấy, đây không phải là năm đầu tiên tỉnh gặp khó trong việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng nền kinh tế mà những năm trước, tình trạng trên cũng đã diễn ra.
Ngoài những nguyên nhân khách quan do tác động tiêu cực từ nền kinh tế chung của khu vực và trên thế giới thì việc luôn phải “chật vật chạy đua” để hoàn thành mục tiêu một phần là do tính phân tích, dự báo của chúng ta chưa thực sự sát với diễn biến tình hình kinh tế chung và tiềm lực của tỉnh.
Vì thế, mặc dù đã quyết liệt chỉ đạo, linh động trong khâu điều hành nhưng xem ra, đến nay, có thể chắc chắn một điều là mục tiêu tăng trưởng kinh tế chung ban đầu đưa ra cho giai đoạn 5 năm (2011-2015) ở mức trên 15% là không thể đạt được.
Nguồn bài viết: http://www.baodaknong.org.vn/kinh-te/nam-2014-kho-dat-muc-tieu-tang-truong-kinh-te-35620.html
Có thể bạn quan tâm

Gần đây, nhắc đến những nông sản nổi tiếng của vùng đất Tiền Giang, người tiêu dùng thường tấm tắc khen giống gà ta Gò Công – đặc sản của miền quê biển thị xã Gò Công. Đây là giống gà lai có nhiều ưu điểm vượt trội so với các giống gà khác đặc biệt là thịt thơm ngon, được thị trường phía Nam hết sức ưa chuộng.

Tính đến ngày 3/7/2014, nông dân huyện Tam Nông (Đồng Tháp) đã thu hoạch được trên 2.476 tấn cá lóc, hơn 26.019 tấn cá tra, 1,6 tấn ếch, 5,2 tấn lươn và hơn 1.057 tấn tôm cá các loại.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN – PTNT) cho biết trong 6 tháng đầu năm 2014, Việt Nam đã xuất khẩu 337.000 tấn cao su với tổng kim ngạch 644 triệu đô la Mỹ, giảm gần 12% về lượng nhưng giảm đến 33% về giá trị so với cùng kỳ năm 2013. Giá cao su xuất khẩu bình quân 5 tháng đầu năm 2014 đạt 1.842 đô la Mỹ/tấn, giảm gần 29% so với cùng kỳ năm 2013.

Theo Trung tâm Khí tượng - Thủy văn quốc gia, năm nay sẽ có nhiều đợt rét đậm, rét hại xuất hiện, từ đó hàng triệu hộ nông dân ở miền Trung đã tất bật lo bảo vệ đàn trâu bò và đàn gia cầm an toàn. Hiện ở vùng cao các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, ngoài việc đảm bảo ủ ấm, người dân còn tăng cường tìm kiếm thức ăn cỏ tươi cho gia súc. Trong khi đó, ở miền xuôi, nông dân tăng cường giữ rơm khô để vừa sưởi ấm, vừa làm thức ăn cho đàn trâu bò nhằm phục vụ mùa màng sắp đến.

Ông Phạm Minh Hoàng - ngụ khu vực 3, phường Lái Hiếu, TX.Ngã Bảy, Hậu Giang - kể: “Vườn nhà tôi có 7 công dâu bòn bon với 250 cây. Mọi năm, thu hoạch xong khoảng ngày 23.6. Năm nay, chẳng có thương lái nào đến mua. Thu hoạch bán lẻ đã kéo dài cả tháng, nhưng chỉ bán được 3 cây. Năm 2013, bán được giá 5.000 đồng/kg, năm nay đầu vụ giá giảm còn 1.500 đồng/kg!”.