Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Na Sang Đa Dạng Hóa Cây Trồng

Na Sang Đa Dạng Hóa Cây Trồng
Ngày đăng: 18/07/2014

Năm 2010 xã Na Sang, huyện Mường Chà có 68% hộ nghèo. Không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, nhiều hộ dân đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, nhiều diện tích lúa kém hiệu quả sang trồng dứa, đậu tương, cao su… Đến nay, Na Sang đã có nhiều đổi thay, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn trên 40%.

Na Sang có trên 700 hộ dân với gần 5.000 nhân khẩu, trong vài năm trở lại đây, Na Sang nổi lên như một điển hình của huyện Mường Chà trong tìm hướng phát triển kinh tế, xóa đói nghèo. Trên các triền đồi, bãi màu ven suối người dân trồng dứa; trong vườn cao su chưa khép tán cũng được trồng xen dứa.

 Có thể nói, dứa là một trong những cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân Na Sang. 1ha dứa cho năng suất 20 - 22 tấn quả tươi; cho thu nhập 40 triệu đồng.

Trên con đường dẫn vào trung tâm xã hỏi thăm về anh em Giàng Seo Hồ và Giàng Seo Chỉnh ai cũng biết, bởi chính họ đã lặn lội sang tỉnh Lào Cai học hỏi kinh nghiệm và mang dứa giống về Na Sang trồng. Đến nay nhiều hộ nông dân trong xã đã làm theo; hiện quả dứa Na Sang được vận chuyển tiêu thụ khắp nơi trong tỉnh.

Chị Giàng Thị Chá, bản Na Sang cho biết: Trước đây, diện tích nương  trồng lúa, tốn nhiều công nhưng không hiệu quả. Năm 2013, gia đình chị chuyển sang trồng dứa, đã thu hoạch được một vụ, bán được 30 triệu đồng. Năm nay, cả gia đình tập trung chăm sóc, làm cỏ nương dứa này, tháng 11 sẽ được thu hoạch vụ thứ 2.

Cây dứa ít tốn công chăm sóc, chỉ làm cỏ 2 lần từ lúc trồng đến khi thu hoạch và tiến hành bón phân đạm, ka li. Dứa trồng trên đất mới, lại hợp thổ nhưỡng nên cho quả to, chín đều; toàn xã có gần 18ha dứa đã cho thu hoạch và 8ha dứa trồng mới, tập trung ở 3 bản: Na Pheo, Co Đứa, Na Sang.

Hiện nay, diện tích cây cao su của xã Na Sang đạt gần 600ha. Cây cao su không chỉ góp phần phủ xanh diện tích đồi núi trọc của Na Sang, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân; mà nông dân còn tận dụng vườn cao su chưa khép tán để trồng xen canh dứa.

Anh Lý A Thu, bản Na Sang cho biết: “Tôi nhận khoanh nuôi, bảo vệ 3ha cao su năm thứ 3, tận dụng diện tích cao su chưa khép tán, gia đình trồng dứa xen canh, được lợi cả đôi đường, vừa nhận được tiền công chăm sóc cao su, vừa có thu nhập từ dứa. Vụ dứa năm 2013, gia đình thu gần 50 triệu đồng từ dứa trồng xen với cao su”.

Không chỉ có dứa xen canh cao su, đầu năm 2014, Viện Nghiên cứu phát triển vùng (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã triển khai Dự án trồng gừng và dong riềng xen canh nương cao su tại xã Na Sang. Qua đó, 10 hộ dân ở bản Co Đứa tham gia với diện tích 1ha.

Tham gia từ dự án người dân được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật để nâng cao trình độ canh tác và nhân rộng mô hình. Dự án thành công sẽ tạo cơ hội để nhân dân dân Na Sang đa dạng hóa cây trồng, tăng thu nhập giảm nghèo bền vững.

Ông Lường Văn Kiêm, Chủ tịch UBND xã Na Sang cho biết: Chính quyền xã chỉ đạo nhân dân phát triển kinh tế đa dạng, không nên tập trung vào một loại cây trồng, bởi thị trường còn nhiều biến động và để tránh gặp phải tình trạng “được mùa rớt giá, được giá mất mùa”. Mặc dù cây dứa đem lại hiệu quả kinh tế cao nhưng xã chỉ đạo nhân dân không mở rộng thêm diện tích, một số chân ruộng gieo cấy một vụ lúa, bà con triển khai trồng cây đậu tương.

Hiện toàn xã có 15ha trồng đậu tương, giá bán dao động từ 10.000 - 12.000 đồng/kg hạt, trừ chi phí mỗi vụ nông dân cũng thu từ 15 - 22 triệu đồng/ha. Đối với các diện tích đất ven sông suối, nhân dân tích cực khai hoang để cấy lúa nước, các giống lúa IR64, nghi hương 2308, nếp ruộng thay thế giống địa phương cho năng suất vượt trội.

Vụ đông xuân 2013 - 2014, toàn xã gieo cấy trên 10ha, năng suất 50 - 52 tạ/ha. Vụ mùa năm nay toàn xã gieo cấy 50ha chủ yếu các giống lúa IR64, bắc thơm số 7, hương thơm số 1, nhị ưu 838. Hiện nay, bà con nông dân đang tích cực tỉa giặm cho lúa.


Có thể bạn quan tâm

Nông Dân Trồng Bắp Nếp Thất Thu Nặng Nông Dân Trồng Bắp Nếp Thất Thu Nặng

Vụ xuân hè 2014, nhiều nông dân ở huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh đã chọn giống bắp nếp lai AG 500 để trồng nhưng đến thời điểm thu hoạch, trái không lớn, ít hạt, nếu có thì hạt rất cứng nên không thương lái nào đến mua.

04/06/2014
Triển Vọng Cho Sản Xuất Lúa Hàng Hóa Triển Vọng Cho Sản Xuất Lúa Hàng Hóa

Điều đáng nói là, sau 3 năm triển khai Chương trình, một số giống lúa chất lượng cao đã được khẳng định, trở thành giống cây trồng đem lại giá trị kinh tế cao cho người nông dân.

04/06/2014
Vĩnh Long Sản Xuất Lúa Theo Tiêu Chuẩn VietGAP Đang Mở Rộng Vĩnh Long Sản Xuất Lúa Theo Tiêu Chuẩn VietGAP Đang Mở Rộng

Đây là xu hướng mà nhiều nông dân tham gia các cánh đồng mẫu lớn ở Đông Thạnh (TX Bình Minh), Xuân Hiệp (Trà Ôn), Long An (Long Hồ) cũng đang hướng đến. Tại 3 nơi đã thực hiện như Tân An Luông, Mỹ Lộc, Tân Long, diện tích sản xuất lúa VietGAP cũng tiếp tục được mở rộng thêm và nhiều nông dân rất muốn được tham gia.

04/06/2014
Xuất Khẩu Trái Cây Phải Nâng Chất Lượng Xuất Khẩu Trái Cây Phải Nâng Chất Lượng

Tại diễn đàn “Liên kết 4 nhà trong sản xuất và tiêu thụ trái cây vùng ĐBSCL”, diễn ra ngày 31/5/2014 tại Bến Tre, bên cạnh chia sẻ về sản xuất và tiêu thụ trái cây, một số nhà chuyên môn đã đưa ra những khuyến cáo cần thận trọng đánh giá thị trường và tìm cách nâng cao chất lượng mặt hàng này. Dù xuất khẩu trái cây đang tăng cao.

04/06/2014
Chuyển Mình Từ Mô Hình Sản Xuất Kết Hợp Chuyển Mình Từ Mô Hình Sản Xuất Kết Hợp

Dám nghĩ, dám làm và tận dụng mọi điều kiện để khai thác hết tiềm năng của đất, lao động của gia đình, đồng thời ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi là cách mà người dân ấp 8, xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời đã làm để vươn lên ổn định cuộc sống.

04/06/2014