Mỹ thành lập Tổ công tác liên ngành (Task Force) đối phó với hoạt động đánh bắt thủy sản tự nhiên bất hợp pháp, không khai báo và phi pháp (IUU)

Ngày 7/8/2014 Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ đã báo cáo Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và PTNT và Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) về việc Tổng thống Obama trực tiếp chỉ đạo thành lập Tổ công tác liên ngành (Task Force) do Bộ Ngoại giao Mỹ chủ trì xem xét chống lại những hành vi đánh bắt thủy sản tự nhiên thuộc diện không được quản lý, phi pháp và không khai báo (IUU), trong đó Việt Nam bị cáo buộc xuất khẩu từ 22 đến 31% thủy sản đánh bắt tự nhiên các loại vào thị trường Mỹ.
Ngày 3 tháng 8 năm 2015 phía Mỹ đã ra Thông báo liên bang yêu cầu lấy ý kiến công chúng đối với những thông tin đầu vào và dự thảo nguyên tắc cho việc cân nhắc những loài thủy hải sản thuộc diện có nguy cơ bị đánh bắt dạng IUU; và dự thảo danh sách “những loài có nguy cơ” được xây dựng dựa trên dự thảo nguyên tắc nêu trên. Thời hạn nhận ý kiến công chúng tính tới hết ngày 9 tháng 9 năm 2015.
Thông báo liên bang này là một trong hàng loạt các bước triển khai trong kế hoạch của Tổ công tác, nhằm nhận diện rõ “những loài thủy hải sản bị quan ngại là đối tượng của việc đánh bắt IUU. Sau khi hoàn tất việc lấy ý kiến công chúng, những nguyên tắc cuối cùng và danh sách cuối cùng “những loài thủy hải sản có nguy cơ” sẽ được hoàn tất. Dự kiến, danh sách này sẽ được công bố trong tháng 10 năm 2015.
Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu thủy sản đánh bắt tự nhiên và nuôi trồng lớn vào Hoa Kỳ và là đối tượng xem xét của Tổ công tác liên ngành về IUU. Tổ công tác liên ngành bước đầu đã sử dụng những số liệu có tính chất phỏng đoán và chưa kiểm chứng từ các báo cáo của các tổ chức phi chính phủ (NGO) để xây dựng danh sách và cáo buộc Việt Nam.
Có 5 trong tổng số 13 loài thủy hải sản xuất khẩu của Việt Nam (kể cả loại đánh bắt tự nhiên và nuôi trồng) nằm trong danh sách “những loài có nguy cơ”. Tổ công tác IUU sẽ sử dụng danh sách này làm cơ sở để thiết lập hệ thống truy vấn nguồn gốc.
Sau đó sẽ buộc các doanh nghiệp xuất khẩu thủy hải sản muốn xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ phải khai báo đầy đủ 17 hạng mục thông tin đối với hải sản đánh bắt tự nhiên và 14 hạng mục thông tin đối với thủy sản nuôi trồng. Nếu như danh sách này được triển khai sẽ tạo ra khó khăn rất lớn, gia tăng thêm gánh nặng cho các doanh nghiệp Việt Nam, thậm chí làm ngừng trệ xuất khẩu thủy hải sản vào thị trường Hoa Kỳ trong các năm tới.
Trước tình hình này, Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ đã làm việc với các Luật sư, đồng thời tham vấn đại diện một số Đại sứ quán các nước đang có xuất khẩu lớn thủy hải sản vào Mỹ, thấy rằng các nước đều thực sự quan ngại về những nguyên tắc của Tổ công tác IUU (Mỹ) trong việc xác định việc đánh bắt IUU; cũng như việc đánh giá những hành vi gian lận trong đánh bắt thủy hải sản. Số liệu mà Tổ công tác IUU sử dụng cần phải được thu thập thông qua các nguồn chính thống từ chính phủ và doanh nghiệp, thay vì “theo hiểu biết của các chuyên gia trong lĩnh vực” như khẳng định trong thông báo.
Số liệu này cũng không nên được trích dẫn không chọn lọc từ truyền thông và các báo cáo của các tổ chức phi chính phủ. Tổ công tác IUU cũng cần tham vấn các nước có liên quan, trong đó có Việt Nam nhằm xác định “những loài có nguy cơ” để cung cấp dữ liệu đáng tin cậy và tài liệu cần thiết.
Nhất là cáo buộc của Tổ công tác IUU hiện được mở rộng sang cho các loài thủy sản nuôi (như tôm) và các loài thủy hải sản chế biến bằng nguyên liệu nhập khẩu (như Ghẹ, cá ngừ, cua King Crab) của Việt Nam.
Các luật sư và tư vấn cũng kiến nghị Chính phủ Việt Nam cần khẩn cấp chính thức đấu tranh với các lập luận vô lý của Tổ công tác IUU, yêu cầu:
- Tổ công tác IUU phải đưa ra được những bằng chứng, số liệu hợp pháp để chỉ rõ “những loài có nguy cơ”;
- Việc thu thập số liệu cần thông qua những nguồn đáng tin cậy của chính phủ, thay vì lấy từ các báo cáo không chọn lọc của các tổ chức phi chính phủ (NGO) hay chuyên gia;
- Loại bỏ những loại thủy sản nuôi (như tôm) khỏi danh sách “có nguy cơ” của IUU
- Cân nhắc những biện pháp đã có sẵn trước khi đề xuất luật mới;
- Đề nghị Chính phủ Hoa Kỳ phải tuân thủ các cam kết với WTO;
Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ xin kiến nghị tới Bộ trưởng Bộ NN và PTNT và Hiệp hội Thủy sản VASEP như sau:
1/ Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Việt Nam sớm có thư chính thức gửi Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và Tổ công tác IUU nêu quan ngại của Chính phủ Việt Nam về “danh sách những loài thủy sản có nguy cơ” và những lập luận vô lý của Tổ Công tác IUU của chính phủ Hoa Kỳ.
2/ Hiệp hội VASEP đại diện cho Chính phủ Việt Nam có thư bình luận đối với những thông tin đầu vào và dự thảo nguyên tắc cho việc cân nhắc những loài thủy hải sản nào thuộc diện có nguy cơ bị đánh bắt bất hợp pháp, phi luật lệ và không khai báo; và dự thảo danh sách “những loài có nguy cơ” được xây dựng dựa trên dự thảo nguyên tắc như đã nêu trên.
Có thể bạn quan tâm

Trong chuyến đi tham quan thực tế một số vườn xoài tại Đồng Tháp, đoàn doanh nghiệp Nhật Bản thỏa thuận sẽ hỗ trợ nông dân xây dựng hoàn thiện chuỗi giá trị ngành hàng xoài. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc phát triển và xây dựng ngành hàng xoài ở Đồng Tháp.

Thị trường nông sản đang nóng dần lên khi hàng loạt trái cây đang chín rộ. Điểm đáng mừng là sức tiêu thụ mạnh và giá ổn định hơn so với cùng kỳ, mặc dù giá đã có chiều hướng giảm.

Khoai môn là cây trồng truyền thống của người dân một số ấp thuộc xã Đại An, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh, những năm gần đây, do điều kiện thuận lợi về đất đai, thổ nhưỡng, cây môn trở thành cây màu chủ lực của xã Đại An, tạo nguồn thu ổn định cho người dân. Tuy nhiên, do thiếu điện phục vụ tưới tiêu nên diện tích khoai môn của xã Đại An khó có thể tăng thêm trong thời gian tới.

Gia đình anh Lê Băn Bực ở ấp Long Phú, xã Hòa Long, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp chuyên làm nghề trồng nấm rơm. Mỗi năm sản xuất ít nhất 5 vụ nấm, nhưng từ tháng 10/2014 đến nay, anh đã tạm dừng công việc trồng nấm rơm để chuyển sang trồng dưa hấu với lý do nấm rơm thường bị mất mùa dẫn đến thua lỗ.
Năm 2015, toàn huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) xuống giống được 59ha gừng, tập trung nhiều ở các xã Phương Bình, Hòa An, Kinh Cùng và Hiệp Hưng… đến nay đã thu hoạch khoảng 4,5ha. Sau khoảng thời gian dài giá gừng đứng ở mức cao trung bình từ 40.000 - 45.000 đồng/kg thì đến nay giá gừng chỉ còn 25.000 đồng/kg, giảm khoảng 20.000 đồng/kg.