Mưu Sinh Từ Đồng Vốn Nhỏ Từ Nuôi Ba Ba Giống

Bài học từ những lần thất bại “tối mắt, tối mũi” đã giúp anh Phùng Hoàng Giang (36 tuổi, xã Long Thạnh, H.Phụng Hiệp, Hậu Giang) thành công với nghề nuôi ba ba giống.
Người ta gọi anh với nhiều mỹ từ, như “vua ba ba”, “chuyên gia ba ba”... và Giang nói anh “thấy ngại” về điều đó, vì đơn giản anh chỉ là nông dân. Mà nông dân thì không giấu giếm những gì mình làm được để những nông dân khác cùng làm theo. Thế nên, nhiều năm nay, anh không nhớ hết mình đã mách nước bí quyết nuôi ba ba thành công cho bao nhiêu nông dân khác.
Khởi đầu, sau khi trồng nấm rơm, dành dụm được 1 chỉ rưỡi vàng, Giang nghe lời một người bạn, gom hết tiền mua về 25 con ba ba giống. Nuôi được vài tháng, một nông dân ở Sóc Trăng tới tận nhà mua lại với số tiền gấp 3 lần số vốn bỏ ra ban đầu. Thấy ngon, Giang mua tiếp 100 con ba ba khác về thả ao. Lần này gặp ngay mùa nước lên, ba ba thoát ra đi sạch. Rút kinh nghiệm, Giang tìm mua tôn cũ về dựng rào quanh ao, rồi vét túi mua tiếp 100 con ba ba khác về thả. Một thời gian sau, ba ba bị chết hàng loạt mà không rõ nguyên nhân. Cụt vốn, anh phải đi hái thuê trái cây kiếm tiền mưu sinh, nuôi vợ con. Làm nghề “hái lượm” được hơn 1 năm nhưng trong lòng Giang lúc nào cũng đau đáu giấc mộng... ba ba.
Một lần đi hái trái cây thuê, nghe ti vi phát sóng gương một nông dân thành công với nghề nuôi ba ba, Giang tìm cách lân la hỏi thăm và phát hiện ra nhu cầu ba ba giống, ba ba thịt rất lớn. Thế là anh quyết định quay lại với con ba ba. Ngặt nỗi, anh không có vốn để mua ba ba thịt, không có kinh nghiệm để nuôi ba ba giống... Chỉ với số tiền “độn lưng” vài trăm ngàn đồng, chiếc xe đạp cà tàng, anh chạy đi khắp nơi tìm nguồn giống ba ba rồi mua, bán lại cho người có nhu cầu nuôi. Kiên nhẫn vừa làm vừa học, dành dụm được ít vốn, Giang lại mua ba ba về nuôi. Lần này với kinh nghiệm thu thập được và sự thận trọng sau nhiều lần thất bại, anh đã thành công. Chẳng những nuôi ba ba thịt phát triển tốt, anh còn cho ba ba đẻ trứng, ấp giống bán ra thị trường.
Anh Giang cho biết ba ba giống hiện có giá 8.000 đồng/con. Tiền đầu tư ao hồ tùy quy mô khoảng 10 triệu đồng nữa. Tiền thức ăn (cá hoặc thức ăn viên) khoảng 20 triệu đồng/1.000 con. Sau khi nuôi khoảng 1 năm có thể thu lời gấp đôi.
Kinh nghiệm nuôi ba ba cần chú ý chế độ ăn phải đủ chất, cho ăn nhiều lần trong ngày. Chú ý quan sát phát hiện những con do tranh giành thức ăn, cắn nhau bị thương để điều trị kịp thời. Định kỳ bổ sung vitamin, khoáng chất để giúp ba ba khỏe, tránh được bệnh tật. Những lúc thời tiết thất thường, ba ba thường giảm ăn nên cần điều chỉnh chế độ ăn phù hợp.
Không chỉ cung cấp giống, Giang kiêm luôn tư vấn miễn phí cho nhiều nông dân khác và họ đều nuôi thành công. Hiện tại, mỗi năm anh cung cấp gần 1 triệu ba ba giống ra thị trường, thu về tiền tỉ.
Có thể bạn quan tâm

Nghề nuôi vịt chạy đồng từ lâu đã trở thành một tập quán sản xuất của người dân vùng ĐBSCL. Những chiếc ghe lớn, hai tầng, chở theo những bầy vịt chạy đồng trên sông nước sau mùa gặt là những hình ảnh thân quen. Trong buổi sáng bình minh, trên những cánh đồng, những người chăn vịt cần mẫn, lam lũ cùng với những đàn vịt cất tiếng gọi nhau gợi lên một khung cảnh thanh bình, yên ả ở vùng quê.

Chiều 12/1, Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội đã tổ chức hội nghị tháo gỡ khó khăn với sự tham gia của đầy đủ 3 "nhà": Nông dân, DN và nhà quản lý.

Trong năm 2014, dự án Lifsap đã hỗ trợ các hộ chăn nuôi tại địa phương lắp đặt được 130 công trình hầm biogas, 1 cơ sở giết mổ tập trung tại xã Bàu Hàm 2 và 1 lò giết mổ vệ tinh tại tỉnh lộ 25 đều đã đi vào hoạt động. Huyện cũng đã phát triển được hơn 100 hộ chăn nuôi heo theo chuẩn ViệtGAP, tăng gấp đôi so với năm 2013.

Krông Pa là huyện có khí hậu nắng nóng quanh năm nhưng lại sở hữu điều kiện thuận lợi để phát triển chăn nuôi dê. Hiện nay, đàn dê ở Krông Pa được coi là lớn nhất tỉnh Gia Lai, trên chín ngàn con. Bởi vậy, nơi đây nhiều người biết đến như là “xứ sở ngàn dê”. Và thịt dê trở thành món không thể thiếu trong những lúc nhâm nhi và trong cả ngày Tết của người dân vùng này.

Năm 2007, sau khi dự lớp tập huấn chăn nuôi bò sữa do Hội Nông dân xã tổ chức và tham quan các trại nuôi bò ở TP. Hồ Chí Minh, chị Mạch Thị Trường Xuân (ngụ ấp Tân Tỉnh A, xã Tân Mỹ Chánh, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) đã quyết định chuyển hướng từ nuôi heo, bò thịt sang nuôi 5 con bò sữa.