Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Mưu Sinh Nhờ Nuôi Rắn Hổ Hèo

Mưu Sinh Nhờ Nuôi Rắn Hổ Hèo
Ngày đăng: 15/02/2013

“Ban đầu tiếp xúc với rắn cũng sợ nhưng riết rồi quen, thậm chí cho rắn quấn vào cổ cũng chẳng sợ. Hằng ngày, việc chăm sóc rắn do tôi trực tiếp làm, còn ông xã thì lo đi tìm mồi cho rắn...”.

Chị Trần Thị Nói (ở ấp Phước Hòa, xã Phước Hưng, H.An Phú, An Giang) kể về nghề nuôi rắn hổ hèo của gia đình mình như vậy.

Nhà không có đất làm ruộng nên quanh năm suốt tháng hai vợ chồng phải đi làm mướn kiếm tiền đong gạo nuôi con. Năm 2006, thấy có người nuôi rắn hổ hèo hiệu quả, chị bàn với chồng gom hết số tiền dành dụm được gần 2 triệu đồng đi mua 20 con rắn giống với giá 30.000 đồng/con về nuôi.

Không có đất trống, hai vợ chồng đóng cái lồng lưới sắt rộng hơn 4 m2 nuôi rắn dưới sàn nhà. Thức ăn không cần mua, tối tối ra sau nhà bắt ếch, nhái, cóc, chuột về cho rắn ăn, cứ cách một ngày ăn một lần. Sau gần 10 tháng nuôi, chị Nói tuyển chọn được 7 con cho xuất chuồng bán thịt, thu được hơn 5 triệu đồng. Mừng quá, chị Nói lấy hết số tiền bán rắn mua lưới sắt nới rộng chuồng nuôi. Đó cũng là lúc đàn rắn của chị bắt đầu đẻ lứa trứng đầu tiên.

Học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước, chị tự tay làm ổ ấp trứng rắn. Để khỏi tốn chi phí, chị tìm những cái thau mủ, thùng xốp đã bị hư bể rồi đổ đất pha cát vào. Sau đó rải thêm lớp cát mỏng, xếp trứng rắn lên rồi phủ lớp mỏng lá chuối trên mặt là xong. Sau khoảng 75 ngày ấp, rắn bắt đầu tự phá vỏ chui ra.

Rắn hổ hèo con mới nở ra rất mạnh, chỉ sau vài giờ nở đã có thể ăn nhái con. Theo kinh nghiệm của chị Nói, rắn con cần phải quan tâm theo dõi thường xuyên, phải chọn rắn cùng cỡ nhốt chung chuồng để chúng không cắn nhau lúc tranh mồi. Sau một năm nuôi, rắn sẽ tự phối giống và sau 34 ngày thì bắt đầu đẻ, mỗi lứa từ 7 - 10 trứng, có khi lên 12 - 15 trứng. Khi rắn vào thời kỳ giao phối (khoảng từ tháng 5 đến tháng 6), rắn đực sẽ rất hung dữ, sẵn sàng cắn nhau để giành rắn cái.

Hiện trại rắn của chị Nói có trên 200 rắn con và khoảng 75 con rắn bố mẹ, mỗi năm cung cấp trên 600 con rắn giống cho người nuôi ở khắp ĐBSCL. Hiện giá rắn giống 1 tháng tuổi là 300.000 đồng/con; 2 tháng tuổi 400.000 đồng/con. Rắn bố mẹ (trọng lượng từ 2 kg/con trở lên) hiện có giá 8 triệu đồng/cặp; còn rắn thịt loại 1 (từ 1,3 - 1,6 kg/con) hiện được bán với giá 300.000 đồng/kg. Nhờ vậy, trung bình mỗi năm gia đình chị Nói có thu nhập gần 100 triệu đồng từ tiền bán rắn.

“Nhà cửa của tui bây giờ đã khang trang hơn, con cái đứa nào cũng được đến trường. Nhưng mừng nhất là nhờ tiền bán rắn mà tui mua được 2 công đất mần ruộng. Hồi nào tới giờ chỉ đi mần ruộng mướn cho người ta, nay có ruộng nhà, mần hoài không thấy mệt”, chị Nói khoe.


Có thể bạn quan tâm

Thoát Nghèo Nhờ Cây Sắn Thoát Nghèo Nhờ Cây Sắn

Nằm trong vùng "sừng hươu" của hồ Dầu Tiếng, xã Suối Dây (Tân Châu, Tây Ninh) từ lâu đã được coi là xã nghèo vì đường sá xa xôi, cách trở. Thế nhưng vài năm trở lại đây, nhờ cây sắn, đời sống cộng đồng người Chăm ở đây đã trở nên khấm khá hơn rất nhiều.

20/08/2013
Tăng Chất Lượng Nguồn Giống Cá Tra Tăng Chất Lượng Nguồn Giống Cá Tra

Theo báo cáo của các tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 2013, toàn vùng ĐBSCL đã thả nuôi 4.314ha cá tra, diện tích thu hoạch 2.116ha, sản lượng đạt 545.718 tấn, năng suất trung bình đạt 260 tấn/ha. Nếu so với năm 2012, sản lượng cá giống tăng 13,3%; diện tích nuôi giảm 4,1%; sản lượng cá thu hoạch tăng 2,3%.

20/08/2013
“Treo Ao Tôm” Chờ Bảo Hiểm Bồi Thường “Treo Ao Tôm” Chờ Bảo Hiểm Bồi Thường

Cà Mau là địa phương có diện tích nuôi tôm lớn nhất cả nước nhưng hiện nông dân ở “vựa tôm” phải đối mặt với nguy cơ phá sản khi tôm nuôi liên tiếp bị thiệt hại, nợ tiền đại lý thức ăn, nợ ngân hàng, đẩy hàng loạt hộ vào cảnh khốn đốn.

21/08/2013
Nuôi Heo Trên Đệm Lót Sinh Thái Khắc Phục Ô Nhiễm Môi Trường Nuôi Heo Trên Đệm Lót Sinh Thái Khắc Phục Ô Nhiễm Môi Trường

Bến Tre là tỉnh có ngành chăn nuôi phát triển khá mạnh, hàng ngàn hộ dân nông thôn trong tỉnh chọn nuôi gia súc là kinh tế chính của gia đình. Tuy nhiên, tình trạng chất thải trong chăn nuôi hầu như không được xử lý ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ làm ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng. Gần đây phương pháp nuôi heo trên đệm lót sinh thái hạn chế thấp nhất tình trạng ô nhiễm môi trường được một số hộ dân trong tỉnh áp dụng thành công, mở ra một hướng mới cho ngành chăn nuôi của tỉnh.

21/08/2013
Thí Điểm Trồng Hẹ Theo VietGAP Thí Điểm Trồng Hẹ Theo VietGAP

Nhằm cung cấp cho người tiêu dùng sản phẩm rau bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và tăng thu nhập cho nông dân, Trung tâm Khuyến nông Tiền Giang phối hợp với Trạm Khuyến nông Chợ Gạo (Tiền Giang) đang thực hiện thí điểm mô hình sản xuất hẹ theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Bình Phục Nhứt.

21/08/2013