Mường Chà Được Mùa Lúa Chiêm Xuân

Cuối tháng 5, nông dân huyện Mường Chà bước vào những ngày thu hoạch cuối cùng của vụ lúa đông xuân. Vụ này Mường Chà được mùa, mang lại niềm vui lớn cho người nông dân. Trong các thôn bản, bà con tận dụng từng khoảng trống bằng phẳng, tranh thủ trời nắng để phơi lúa.
Anh Lý A Hênh, bản Na Sang, xã Na Sang cho biết: Vụ đông xuân năm nay, gia đình tôi gieo 1.500m2 lúa. Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật, chăm sóc theo sự hướng dẫn của cán bộ nông nghiệp xã và thời tiết cũng tương đối thuận lợi nên vụ lúa này gia đình tôi thu hoạch được 33 bao thóc, tăng 4 bao so với vụ đông xuân năm 2013.
Mường Tùng là xã có nhiều điều kiện thuận lợi để sản xuất lúa nước và là 1 trong 3 xã (Mường Tùng, Na Sang, Mường Mươn) có diện tích lúa đông xuân lớn nhất huyện Mường Chà.
Ở đây, thời gian sản xuất vụ đông xuân đúng vào mùa nước cạn của các con sông, suối như Nậm Lay, Nậm He... nên bà con nông dân các bản vùng ngoài của xã Mường Tùng đã tận dụng các bãi bồi đất đai màu mỡ để sản xuất lúa chiêm xuân.
Anh Quàng Văn Xuân, bản Phiêng Ban, xã Mường Tùng cho biết: Vụ đông xuân, năm nào gia đình tôi cũng tận dụng được khoảng 2.000m2 trên các bãi bồi của sông, suối mùa nước cạn để gieo cấy. Năm nay được mùa, gia đình tôi thu hoạch được 40 bao thóc, nhiều hơn năm ngoái 5 bao.
Ông Lò Văn Hùng, Phó Chủ tịch xã Mường Tùng cho biết: Với lợi thế có nhiều bãi bồi sông, suối nên vụ đông xuân, xã Mường Tùng có diện tích sản xuất lớn nhất huyện. Năm nay, toàn xã gieo cấy 87,2ha lúa, tăng 1,05ha so với vụ chiêm năm 2013.
Ngay từ đầu vụ, chính quyền xã đã chỉ đạo cán bộ khuyến nông kết hợp các trưởng bản làm tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân làm đất, chuẩn bị phân bón, cơ cấu giống hợp lý, gieo trồng đúng khung thời vụ. Thời tiết năm nay cũng tương đối ổn định, là điều kiện thuận lợi cho cây lúa phát triển.
Mặt khác, chính quyền và người dân đã chủ động theo dõi tình hình, diễn biến của các loại dịch bệnh và có các biện pháp xử lý kịp thời nên cây lúa được bảo vệ an toàn. Do đó, vụ đông xuân năm nay được mùa. Năng suất bình quân của xã đạt 48,2 tạ/ha (tăng 1,2 tạ/ha so với vụ chiêm năm 2013).
Hiện nay, huyện Mường Chà đã thu hoạch được 80% diện tích. Theo đánh giá của phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện cho thấy: sản xuất vụ lúa đông xuân năm nay trên địa bàn tương đối thuận lợi, diện tích gieo trồng tăng 8,15ha so với vụ đông xuân năm 2013; người dân tuân thủ đúng lịch thời vụ, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất kết hợp với chủ động phòng chống dịch bệnh.
Qua thăm đồng, định sản, năng suất bình quân toàn huyện ước đạt 47 tạ/ha (tăng 1 tạ/ha); sản lượng toàn huyện ước đạt 1.202,5 tấn (tăng 54,7 tấn) so với vụ đông xuân năm 2013.
Có thể bạn quan tâm

Cánh đồng cấy lúa, trồng màu thôn Hòa An, xã Hợp Đức (Tân Yên) rộng hơn 1 ha động mưa là ngập. Chị Nguyễn Thị Trường, người dân trong thôn cho biết: “Trước đây, tiêu nước cho cánh đồng là cả vùng trũng rộng. Thế nhưng từ năm 2008, lưu vực này được giao cho người dân thầu ao nuôi cá nên chỉ còn một rãnh nhỏ thoát nước. Cống tiêu lại đặt ở vị trí ngang bằng với mực nước trong ao nên mỗi khi mưa xuống nước ứ đọng, dềnh vào ruộng. Từ đó đến nay, các hộ chỉ cấy ăn chắc vụ lúa xuân còn lúa mùa thì phụ thuộc vào thời tiết”.

Cũng theo quy định này, các trường hợp sử dụng không đúng mục đích, 24 tháng liền không sử dụng mặt nước để nuôi thủy sản lồng bè, nuôi nhuyễn thể 2 mảnh vỏ; không thực hiện nghĩa vụ tài chính về thuê mặt nước; không thực hiện pháp luật bảo vệ môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm... sẽ bị thu hồi mặt nước đã giao.

Chỉ mất 30 phút, người sử dụng có thể phát hiện thịt, cá có nhiễm dư lượng kháng sinh (DLKS) hay không nhờ bộ kit Elisa. Đây là kết quả nghiên cứu của một nhóm các nhà khoa học thuộc Trung tâm Nghiên cứu triển khai - Khu công nghệ cao TPHCM.

Nhân kỷ niệm 55 Ngày truyền thống ngành Lâm nghiệp (28/11/1959-28/11/2014), Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho biết, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ năm nay có khả năng đạt 6,2 tỷ USD, gấp hơn 2 lần so 5 năm trước (năm 2009 đạt 2,8 tỷ USD), độ che phủ rừng đạt 41%.

Hiện nay, Tiền Giang phát triển chăn nuôi heo theo hướng bền vững thông qua việc chuyển giao cho nông dân những tiến bộ kỹ thuật mới, giúp tăng được hiệu quả kinh tế trong quá trình chăn nuôi, giải quyết được ô nhiễm môi trường, nâng cao chất lượng sản phẩm thịt heo thương phẩm trên thị trường.