Mượn trại gà để làm nông dân giỏi

Không ít gia đình trở thành triệu phú, được đi báo cáo điển hình tiên tiến về làm kinh tế giỏi ở xã, ở huyện, rồi tỉnh. Nổi tiếng bằng những thành tích đáng tự hào như vậy, nhưng không ít bà con ở trong bản vẫn xì xào không vui. Họ ghen ăn tức ở ư? Không phải!
Cái hôm cả bản biết tin anh Quý (cháu ruột một cán bộ to cấp huyện) được đại diện đi dự hội nghị những thanh niên làm kinh tế giỏi, ai cũng ngạc nhiên, bất bình. Làm ăn như anh ta mà là tấm gương thì cả bản T.P này có hàng chục điển hình còn hơn thế. Chuyện tưởng chỉ có thế, ai ngờ một buổi sáng tinh mơ, Quý sang gọi cổng nhà hàng xóm.
Anh ta sang nhờ nhà này cho mượn trại gà để phóng viên về quay phim, chụp ảnh. Mới đầu, ai cũng tưởng Quý nói đùa, nhưng anh ta khẩn khoản: “Thú thực là hôm vừa rồi em được xã cử lên huyện báo cáo tình hình làm kinh tế giỏi. Bản báo cáo được các anh trên xã chuẩn bị sẵn nên em chỉ việc đọc, cả hội nghị đều tròn mắt thán phục trước những kết quả nêu ra.
Em được nhận thưởng, được chụp ảnh để đăng báo và điều không ngờ là được cả các anh truyền hình hẹn là hôm nay sẽ về làm phim tư liệu về mô hình làm kinh tế của nhà em. Khốn nỗi, gà nhà em chỉ có vài chục con lớn nhỏ, chuồng trại thì tuềnh toàng, bò cũng chỉ có 2 con trong khi lợn thì không có lấy một mống, nếu chuyện này mà vỡ lở ra thì mang tiếng cả bản, cả xã...”.
Nghe Quý trình bày ai cũng bất ngờ, còn vợ chồng nhà hàng xóm thì nghĩ vừa thương vừa giận. Suy tính chán, cuối cùng người hàng xóm cũng đồng ý cho Quý và mấy ông cán bộ thích làm gì thì làm.
Một thời gian sau đó, một số bà con trong bản đồn rằng đã nhìn thấy bài viết cùng hình ảnh về mô hình làm kinh tế giỏi của vợ chồng anh Quý được đăng ở trên báo, đẹp và trang trọng lắm. Một số khác thì “khoe” rằng, đã được xem cả chương trình truyền hình về tấm gương vợ chồng anh Quý. Riêng với bà con trong bản thì ai cũng ngao ngán lắc đầu bởi cái thói sính thành tích của mấy ông cán bộ địa phương và vợ chồng anh chàng Quý hợm hĩnh.
Có thể bạn quan tâm

Năm 2014, huyện Yên Định (Thanh Hóa) có 874 trang trại, gia trại (TT, GT) trong đó có 97 TT đạt tiêu chí theo Thông tư 27 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Các TT, GT của huyện chủ yếu phát triển chăn nuôi lợn nái ngoại (86 TT, GT); 13 TT, GT nuôi gia cầm; 40 TT, GT nuôi trồng thủy sản; 4 TT, GT trồng cây hàng năm và cây lâu năm, còn lại là các TT, GT tổng hợp.

Gần một tháng qua, giá thịt heo hơi trên địa bàn Hoài Ân (Bình Định) lao dốc. Hiện giá bán tại chuồng chỉ 33.000 - 34.000 đồng/kg, trong khi năm 2014 giá luôn dao động trên 43.000 đồng/kg, có thời điểm lên 46.000 đồng/kg. Do vậy, bình quân mỗi con heo trọng lượng 70kg, người chăn nuôi lỗ hàng triệu đồng. Theo các hộ chăn nuôi, giá heo hơi khoảng 40.000 đồng/kg thì chăn nuôi mới có lãi.

Anh Phạm Văn Túy ở thôn Văn Hanh, xã Lê Lợi (Kiến Xương - Thái Bình) là người say mê với việc chăn nuôi. Năm 2012, qua tìm hiểu, thấy thỏ dễ nuôi, ít dịch bệnh, chi phí đầu tư thấp, đầu ra ổn định, anh quyết định mua 20 con thỏ giống về nuôi thử nghiệm và tự nhân giống. Từ 20 con ban đầu, chỉ sau 2 năm anh đã có 300 ô chuồng nuôi 120 con thỏ đẻ, 600 - 700 thỏ con, có thời điểm lên tới hơn 1.000 thỏ con.

Trong những ngày gần đây, không khí lạnh trực tiếp ảnh hưởng đến các tỉnh Bắc bộ gây rét đậm, rét hại. Vùng núi có nơi nhiệt độ xuống dưới 1 độ C, xuất hiện mưa tuyết. Các tỉnh miền núi phía Bắc đang tập trung hướng dẫn người chăn nuôi giữ ấm, dự trữ thức ăn cho đàn gia súc, gia cầm, hạn chế thiệt hại do thời tiết bất lợi gây ra.

Một số xã vùng đất bãi thuộc khu vực đồng bằng sông Hồng, người dân đang tận dụng đất bỏ hoang và chuyển một phần đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng cỏ nuôi bò sữa. Đây là mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao và giúp người dân ổn định cuộc sống, từng bước làm giàu.