Mùng 3 Tết, Nông Dân Xuống Đồng

Đã thành thông lệ, cứ đến ngày mùng 3 Tết Nguyên đán, nông dân cả nước lại xuống đồng để bắt đầu vụ mùa mới với hy vọng một năm bội thu
Ngày 25/1 (tức mùng 3 Tết Nhâm Thìn), tranh thủ tiết Xuân thuận lợi, nông dân tỉnh Bắc Ninh bắt đầu ra đồng gieo cấy vụ Xuân.
Theo kế hoạch, năm 2012, tỉnh Bắc Ninh trồng khoảng 40.5ha cây vụ Xuân, trong đó diện tích lúa Xuân chiếm 36.000ha, còn lại là hoa màu.
Để vụ Xuân 2012 giành thắng lợi, Bắc Ninh đã triển khai kế hoạch sản xuất tới tất cả các địa phương trong tỉnh.
Toàn tỉnh phấn đấu đến ngày 20/02, hoàn thành việc đổ ải vụ lúa Xuân.
** Để chủ động điều tiết nước hợp lý phục vụ sản xuất vụ Xuân trong điều kiện thời tiết khô hạn, Chi cục thủy lợi tỉnh Hà Nam đã chỉ đạo các đơn vị nạo vét kênh mương nội đồng, đôn đốc các công ty khai thác công trình thủy lợi, hợp tác xã tu bổ, sửa chữa hệ thống trạm bơm, máy bơm, chuẩn bị sẵn sàng để bơm nước khi cần thiết.
Chi cục khuyến cáo bà con nông dân và các công ty khai thác thủy lợi tận dụng triều cường sông Hồng, sông Đáy để nhập nước tối đa vào ao hồ và kênh tiêu.
Do lịch đổ ải vụ Xuân trùng với một số ngày Tết Nguyên đán Nhâm Thìn, nên Sở NN&PTNT Hà Nam bố trí cán bộ trực suốt ngày đêm, tranh thủ khi có nước là bơm vận hành ngay, không để xảy ra tình trạng thiếu nước.
**Sáng nay (25/1), tức ngày mùng 3 Tết, tại cảng cá Sa Huỳnh, ngư dân huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi tổ chức Lễ ra quân đánh bắt đầu năm.
Đây là Lễ hội truyền thống của ngư dân miền biển Sa Huỳnh. Trước đây, lễ hội này được ngư dân gọi là Lễ “nhúng nước lưới đầu năm”. Trước khi phát lệnh dong thuyền ra khơi- mở đầu cho mùa biển mới, ngư dân Sa Huỳnh tổ chức nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ như: Hát múa bả trạo, múa sắc bùa- một diễn xướng dân gian vùng sông nước ở huyện Đức Phổ.
Lễ ra quân đánh bắt đầu năm đã thu hút hàng ngàn người dân đến xem và cầu cho mưa thuận gió hòa được mùa tôm cá.
Ông Lê Hạnh, ngư dân ở thôn Thạch By, xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi hy vọng: “Tôi cầu mong cho ngư dân đánh bắt được no ấm hơn, thắng lợi hơn”.
** Nhờ chăm chỉ làm ăn, áp dụng khoa học chuyển đổi cây trồng phù hợp, bà con Êđê, ở Buôn Alê B, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đã có một mùa Xuân vui vẻ đầm ấm.
Mùng 3 Tết, nhiều hộ nông dân đã ra đồng nạo vét kênh mương, chuẩn bị bước vào vụ mới. Theo ông Y Noa Niê, buôn trưởng buôn Alê B, phong tục này có từ lâu, đến nay vẫn được người dân trong buôn phát huy.
** Gia đình ông Y Ser, dân tộc M’Nông ở bon Đắc K’măn, xã Đắc Sắc, huyện Đắc Min, tỉnh Đắc Nông có hơn 3ha sắn, 2ha cà phê. Năm ngoái, nhờ áp dụng theo đúng kỹ thuật canh tác của khuyến nông, khuyến lâm hướng dẫn, diện tích cà phê và lúa của gia đình ông đạt năng suất cao, cho thu nhập gần 200 triệu đồng. Sau mấy ngày vui Tết, ngày 25/1, gia đình ông bắt đầu ra quân sản xuất. Ông Y Ser nói: “Năm cũ đã qua, năm mới 2012 đến rồi, bây giờ bà con bắt đầu làm đất trồng sắn, tháng 4 bắt đầu trồng. Chúng ta phải cố gắng làm ăn hơn nữa, một năm chúng ta có thể làm 2 vụ, cần phải thay đổi cách nghĩ, cách làm, chăm sóc tốt cho cà phê, tưới nước, bón phân đầy đủ.
**Đã thành thông lệ hàng năm, cứ mỗi dịp đầu Xuân năm mới, sau những ngày đón Tết vui vẻ, chính quyền và nhân dân các địa phương ở tỉnh Kon Tum tổ chức ra quân làm thủy lợi, sửa chữa đường giao thông.
Ngay trong ngày đầu tiên ra quân, dự kiến có hàng trăm km đường giao thông liên thôn, liên xã trong tỉnh được làm mới, tu sửa tạo thuận lợi cho việc đi lại và sản xuất của nhân dân.
Bên cạnh đó, hàng chục km kênh mương nội đồng cũng được nạo vét, nhiều đập tạm, đập bổi được sửa chữa nâng cao khả năng dẫn nước, tích nước đảm bảo nước tưới cho diện tích cây công nghiệp và lúa vụ Đông Xuân./.
Có thể bạn quan tâm

Trong thời gian vừa qua có rất nhiều người nuôi tôm ở khắp nơi (từ Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi cho đến Bình Thuận, Long An, Bến Tre, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau...) gọi điện thoại cho tôi hỏi về các vấn đề liên quan đến tôm nuôi.

Nông nghiệp là lĩnh vực dễ bị tổn thương và rủi ro nhất trước sự tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH). Cần làm gì để giảm thiểu những tác động BĐKH?

Để đảm bảo kế hoạch sản xuất vụ mùa và vụ đông, các sở, ban ngành của TP đã chủ động đề ra nhiều giải pháp, trong đó, vấn đề phòng trừ sâu bệnh, dịch hại được đặc biệt lưu tâm.

Hình ảnh những chiếc máy xới, gặt đập liên hợp (GĐLH) hoạt động hối hả ngoài ruộng vào giai đoạn làm đất, thu hoạch rộ; cùng câu chuyện chế tạo ra nhiều loại máy móc từ thực tiễn sản xuất của nông dân để phục vụ công việc đồng áng nói chung, như đã gián tiếp khẳng định một bước tiến mới của tiến trình cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp ở Hậu Giang vào giai đoạn hiện nay.

Thực hiện mô hình này, dinh dưỡng của cây cà phê đã được cải thiện, cây phát triển tốt và cho nhiều quả hơn, giảm rụng trái nên năng suất tăng; ngoài ra, nông dân còn giảm được chi phí đầu tư do giảm được công lao động, thuốc bảo vệ thực vật và phân bón.