Mực Rớt Giá, Hàng Trăm Tàu Câu Nằm Bờ

Đó là thực trạng đang diễn ra trong vòng hai tháng nay tại cảng Bến Đá, phường 5 (TP. Vũng Tàu). Do giá mực khô đã giảm xuống gần một nửa, doanh thu không bù đắp được chi phí đánh bắt, các chủ tàu câu mực buộc phải cho tàu nằm bờ.
Hàng trăm tàu câu mực phải nằm bờ do giá mực khô giảm gần một nửa, doanh thu đánh bắt của phiên biển không thể bù chi phí.
Có mặt tại cảng Bến Đá – Bến Đình (TP. Vũng Tàu) chiều ngày 23-6, chúng tôi nhận thấy hàng trăm chiếc ghe, tàu của bà con ngư dân xếp hàng dãy dài nằm im bất động. Anh Trịnh Minh Cường, chủ tàu câu mực QNg 94355 cho biết, tình trạng này diễn ra từ vài tháng trở lại đây. “Nghề câu mực đi biển từ đầu con trăng và kết thúc phiên biển khi con trăng kế tiếp lên.
Đáng lẽ ra thời gian này anh em bạn ghe phải hành nghề trên biển chứ đâu phải ngồi bờ như thế này Nguyên nhân do giá mực khô giảm quá mạnh, trong khi chi phí cho mỗi chuyến biển tăng cao nên bà con ngư dân lỗ nặng, không dám ra khơi” - anh Cường nói.
Thông tin từ bà con ngư dân cho biết, trong hai tháng gần đây, giá mực khô rớt mạnh. Trước đây, mực khô loại I giá 400 ngàn đồng/kg thì hiện nay chỉ còn 260 ngàn/kg. Giá sụt giảm mạnh như thế, dù có đạt năng suất cao cũng chỉ đủ hòa vốn, chứ đa số là lỗ nặng.
“Ghe nhà tôi câu đạt nhất đàn câu mực, bình quân mỗi trăng câu khoảng 3 đến 4 tạ mực, chi phí của mỗi phiên biển dao động từ 90 - 100 triệu đồng kể cả tiền dầu và thực phẩm. Với giá mực trước đây thì mỗi phiên còn kiếm được vài chục triệu (chia cho 7 bạn câu đi cùng - PV), với giá mực mới thì chỉ hòa hoặc lỗ nặng. Đành phải cho tàu nằm bờ chứ biết làm sao?!” - anh Cường cho biết thêm.
Hướng tay chỉ về hàng trăm chiếc ghe câu đang nối đuôi nhau nằm bờ, anh Bùi Công, chủ tàu câu mực BĐ 50513 cho biết, số lượng tàu ở bờ lên đến khoảng hơn 300 chiếc, nằm dọc từ cảng Bến Đá theo dọc kênh Bến Đình cho đến khu vực Bãi Cát Vàng (phường 6).
“Tàu nằm bờ thì buộc phải cho bạn ghe nghỉ tìm việc khác làm để kiếm kế sinh nhai, chứchủ tàu không thể kham nổi tiền nuôi bạn nếu tình hình khó khăn kéo dài. Ngặt nỗi đến khi cần tìm bạn thì cũng hết sức nan giải.
Lúc trước để tìm một bạn ghe phải bỏ ra 5 triệu đồng, gọi là tiền mua bạn. Mỗi chiếc câu mực cần 7 bạn ghe đi cùng, nghĩa là chủ tàu phải bỏ ra 35 triệu đồng. Trong tình cảnh khó khăn như thế này thì số tiền ấy cũng quá lớn” - anh Bùi Công cho hay.
Theo bà Trần Thị Bút, chủ một đại lý thu mua mực khô ở phường 5, bình thường mỗi trăng bà thu mua hàng tấn mực khô, nhưng 2 trăng này tàu câu mực không đi biển nên chẳng mua được ký mực câu nào. Nói về giá mực giảm, bà Bút cho biết: “Là người thu mua trực tiếp của ngư dân, thấy giá mực xuống thấp tôi cũng xót cho bà con lắm.
Nhưng là nhà thu mua thứ cấp nên tôi chẳng biết phải làm gì để giúp cho bà con. Nghe đầu nậu mực xuất hàng đi nước ngoài nói, mực khô giảm giá là do thị trường Trung Quốc và Thái Lan tiêu thụ chậm, bán không được nên giảm giá thu mua vào. Giá mực khô bao giờ tăng lên thì cũng phụ thuộc vào bên thu mua ở nước ngoài”.
Theo bà Bút, không chỉ có tàu câu mực bị ảnh hưởng, với giá mực giảm, sắp tới nhiều đôi tàu dã cào cũng chịu chung số phận. “Doanh thu của các đôi giã cào phụ thuộc chủ yếu lượng sản phẩm mực đánh bắt được, chiếm 70% đến 80% tổng doanh thu của chuyến biển. Trong lúc giá cá vẫn không thay đổi, giá mực giảm gần một nửa, chi phí cho nhu yếu phẩm lại tăng cộng thêm chi phí thuê người coi tàu thì bà con ngư dân càng chồng chất thêm nhiều khó khăn” - bà Bút phân tích.
Tại các buổi tiếp xúc cử tri mới đây của HĐND tỉnh, bà con ngư dân cũng đã đưa ra nhiều kiến nghị, trong đó có đề xuất các cơ quan chức năng, tăng cường tìm kiếm các thị trường mới để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm thủy hải sản cho bà con ngư dân. “Nếu quá bị phụ thuộc vào một, hai thị trường thì khi có diễn biến bất lợi chúng ta luôn thụ động, thua thiệt và bị ép giá” - anh Trịnh Minh Cường nói.
Có thể bạn quan tâm

Hiện nay Công ty Tân Đông đã có trên 100 sản phẩm nông sản và đặc sản của VN xuất khẩu sang châu Âu mỗi năm. Danh mục sản phẩm xuất khẩu của công ty cũng rất đa dạng từ các loại rau củ quả đông lạnh như bắp luộc, chuối sứ, củ năng, củ sen, dừa, gấc, khoai mì, khoai môn, mía, mít nghệ...

Nhằm đánh giá hiệu quả 5 năm thực hiện chương trình phát triển giống lúa thuần, hôm qua, ngày 24/5, tại Yên Bái, Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc - NOMAFSI đã tổ chức Hội thảo Tổng kết xây dựng hệ thống sản xuất và cung cấp lúa giống dựa vào cộng đồng.

Tình trạng sản xuất nhỏ lẻ của bà con nông dân trong thời gian qua đã đưa tới lợi nhuận mang về cho bà con nông dân rất kém. Thêm vào đó đầu ra hạt gạo không ổn định, sức cạnh tranh trên thị trường thế giới chưa lớn. Do vậy, mục tiêu của việc xây dựng cánh đồng mẫu lớn là muốn bà con nông dân cùng hợp tác lại để bà con có thể hưởng lợi từ các dịch vụ

Nhờ sưu tầm trồng nhiều giống dừa chất lượng và có cách chăm sóc phù hợp, vườn dừa của ông Đỗ Thành Thưởng (mọi người thường gọi là ông Tám Thưởng), ở ấp 2, xã Hưng Phong, huyện Giồng Trôm đã đem về thu nhập cao cho gia đình ông.

Năm 2011, Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Bình Sơn đã phối hợp với UBND xã Bình Phú, triển khai mô hình nuôi thỏ New Zealand tại hộ anh Phạm Tấn Cung ở thôn An Thạch 1, xã Bình Phú, huyện Bình Sơn. Đây là mô hình nuôi thỏ New Zealand thành công đầu tiên tại địa phương này, mở ra triển vọng trong công tác phát triển giống, con vật nuôi mới; tạo ra nghề chăn nuôi mới cho nông dân địa phương.