Mùa Xoài Yên Châu (Sơn La)

Mùa này về Yên Châu (Sơn La), khách thập phương thường mua mấy cân xoài về làm quà. Xoài tròn ở đất này đã trở thành thương hiệu. Hiện nay, Yên Châu (Sơn La) có trên 580 ha trồng xoài, trong đó có gần 400 ha đang cho thu hoạch, với sản lượng khoảng 1.000 tấn quả.
Từ đỉnh đèo Chiềng Đông xuôi theo quốc lộ 6 khoảng 40 km thuộc địa bàn huyện Yên Châu, dịp này, chỗ nào cũng thấy xoài, những thùng xoài, sọt xoài xanh có, chín có được bày bán hai bên đường. Xe lớn, xe nhỏ dừng lại, người mua, người bán tấp nập. Năm nay xoài được mùa, được giá, mới đầu vụ giá bán buôn đã là 8.000 - 10.000 đồng/kg.
Trao đổi với chúng tôi, bà Quàng Thị Thu, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Cây xoài là một trong những cây trồng mũi nhọn của huyện với gần 95% số hộ dân của huyện trồng xoài. Diện tích trồng nhiều ở một số xã dọc theo suối Vạt như: Sặp Vạt, Chiềng Pằn, Viêng Lán, Chiềng Khoi... Xoài Yên Châu có rất nhiều loại: xoài tròn, xoài hôi (vì nhựa có mùi hôi), xoài mút, xoài sáy... mỗi loại đều có một hương vị riêng, nhưng xoài tròn được trồng phổ biến nhất, bởi có vị ngọt đậm, mềm, thơm lâu...
Để đưa cây xoài trở thành cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế vườn đồi, Yên Châu đã phối hợp với một số, ngành, đơn vị chuyên môn đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thâm canh, trồng mới, cải tạo vườn tạp và phòng trừ sâu bệnh. Đồng thời, mở nhiều lớp tập huấn cho gần 3.000 lượt nông dân về cách chăm bón, phòng trừ sâu bệnh, kỹ thuật cắt tỉa cành, đốn ghép, chiết ghép và hỗ trợ trồng mới, thay thế những diện tích hiệu quả kinh tế thấp. Với gần 400 ha xoài đang cho thu hoạch, ước tính năm nay Yên Châu sản lượng quả đạt khoảng 1.000 tấn.
Gia đình ong Quàng Văn Ngoãn, ở bản Khá, xã Sặp Vạt có hơn 300 gốc xoài, những chùm quả sai trĩu cành. Bác Ngoãn cho biết: Năm ngoái nhà thu được hơn 10 tấn, năm nay bị ảnh hưởng bởi trận lốc hồi cuối tháng tư nên xoài bị rụng nhiều, sản lượng chỉ bằng 2 phần so với năm trước. Bù lại, giá năm nay có cao hơn, bán buôn được 6.000-7.000 đồng/kg, bán lẻ được 9.000-10.000 đồng/kg, vụ này chắc cũng được khoảng 50 triệu đồng.
Dừng chân ở một điểm bán xoài tại tiểu khu 6, thị trấn Yên Châu, chúng tôi nhận thấy không chỉ có khách vãng lai, mà đây còn là nơi thu mua xoài của người dân trong huyện. Vui vẻ mời chúng tôi ăn xoài, ông Lò Văn Kẻo, chủ quầy hàng chia sẻ: Giờ mới là đầu vụ, xoài chưa chín rộ, nên chưa có độ ngọt đậm, phải vào trung tuần tháng 5 âm lịch hàng năm mới là lúc xoài đạt được vị thơm ngon nhất.
Hiện nay, mỗi ngày gia đình tôi thu mua của người dân được vài tấn xoài các loại. Riêng số lượng xoài chuyển về Hà Nội, Hải Phòng và Hòa Bình mỗi ngày khoảng 8-9 tấn, tính cả vụ phải đến hàng trăm tấn. Giá thu mua năm nay cũng cao hơn năm trước từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.
Cây xoài ở Yên Châu đang thực sự là cây xóa nghèo. Tuy nhiên, về lâu dài, chính quyền địa phương cần tiếp tục có những cơ chế để nông dân duy trì cây trồng này, coi trọng việc ứng dụng khoa học kỹ thuật trong chăm bón, bảo vệ, nâng cao hiệu quả cây trồng và đầu ra cho sản phẩm góp phần tạo vùng quả tập trung, kinh tế cao.
Có thể bạn quan tâm

Đó là thông tin được đưa ra tại buổi họp báo giới thiệu về Triển lãm ngành chăn nuôi và công nghiệp chế biến thịt Vietstock 2014 do Cục Chăn nuôi, Bộ NNPTNT tổ chức sáng 1/8 tại Hà Nội.

Hiện nay tại các tỉnh Tây Nguyên nói chung và Đak Lak nói riêng các vườn cà phê này đang bước vào thời kỳ già cỗi, tốc độ sinh trưởng phát triển giảm mạnh, năng suất kém nên vấn đề cưa đốn phục hồi vườn cây cần được áp dụng cấp bách trong canh tác hiện nay.

Măng cụt được xem là một trong loại trái cây ngon, đặc sản của vùng ĐBSCL và một số tỉnh miền Đông Nam bộ. Thế nhưng, giá bán của loại trái cây đặc sản này có xu hướng ngày càng giảm trong những năm gần đây, nhất là khi vào mùa thu hoạch rộ.

Về công việc cụ thể, ông Xuân nói sẽ đi theo 2 hướng nuôi bò sinh sản và vỗ béo bò thịt. Đơn giản ông nghĩ ông cha ta ngày xưa nuôi bò chỉ chăn thả ngoài đồng, lấy công làm lãi thì nay có vốn đầu tư sẽ nuôi bò để làm giàu. Sau thời gian vừa xây dựng chuồng trại, vừa bắt bò về nuôi ông Xuân đã có đôi chút kinh nghiệm với nghề.

Đến nay, tỉnh Sóc Trăng đã thả nuôi được gần 35.500 ha tôm nước lợ, trong đó diện tích tôm thẻ chân trắng (TTCT) hơn 22.000 ha, tăng gấp 3,5 lần so với cùng kỳ.