Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Mùa Tôm Mới Trĩu Nặng Khó Khăn

Mùa Tôm Mới Trĩu Nặng Khó Khăn
Ngày đăng: 14/03/2014

Nông dân các tỉnh ven biển vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang tất bật bước vào vụ thả nuôi tôm mới.

Mùa tôm

Tuy nhiên, ngay từ đầu năm do thời tiết bất lợi, nên trên nhiều diện tích tôm nuôi, dịch bệnh đã có dấu hiệu diễn biến phức tạp. Thêm vào đó, thiếu con giống chất lượng, nguy cơ dịch bệnh và giá cả vật tư đầu vào tăng cao vẫn đang làm “khó” cho các hộ nuôi.

Khó khăn vẫn chồng chất

Theo kế hoạch, năm 2014 diện tích nuôi tôm nước lợ khoảng 680.000 ha, với sản lượng ước đạt 570.000 tấn. Mặc dù, mới bước vào đầu vụ nuôi nhưng dịch bệnh tôm đã bắt đầu xuất hiện ở một số vùng, ông Bùi Đức Quý, Vụ trưởng Vụ nuôi trồng Thủy sản (Tổng Cục Thủy sản) cho biết, với diễn biến thời tiết thất thường như hiện nay, các hộ nuôi tôm sẽ còn gặp nhiều khó khăn.

Ông Trần Văn Tiến, một hộ nuôi tôm ở Khánh Hòa cho biết, mới bước vào vụ tôm 2014, gia đình ông thả nuôi 400.000 con giống, nhưng mới được 25 ngày tuổi thì tôm bị dịch bệnh chết sạch, thiệt hại hơn 50 triệu đồng.

Trước nguy cơ về dịch bệnh, các hộ nuôi tôm còn đang phải đối mặt với tình trạng thiếu tôm giống chất lượng. Hiện nay, ở ĐBSCL duy nhất chỉ có tỉnh Bạc Liêu là có nhiều cơ sở sản xuất tôm giống có quy mô lớn, đủ khả năng đáp ứng nhu cầu thả nuôi của nông dân.

Còn lại hầu hết các tỉnh như Kiên Giang, Cà Mau, Sóc Trăng, Trà Vinh… đều thiếu con giống trầm trọng, phải trông chờ vào nguồn giống nhập từ nơi khác về, đặc biệt là các tỉnh miền Trung. Chính nhu cầu tăng cao như vậy đã khiến nguồn giống trôi nổi tìm cách len lỏi vào các vùng nuôi tôm theo cả đường bộ lẫn đường thủy mà cơ quan chức năng khó có thể kiểm soát chất lượng.

Ngoài vấn đề chất lượng con giống, nông dân ở ĐBSCL còn phải đối mặt với với hàng loạt khó khăn đã tồn tại nhiều năm nay như: hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi tôm chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế, chưa có hệ thống kênh cấp, thoát nước riêng biệt… Chính vì vậy mà chỉ cần một hộ nuôi bị dịch bệnh, xả thải chưa xử lý ra môi trường là cả vùng có nguy cơ bị lây nhiễm.

Không những thế, ông Huỳnh Tấn Minh, một hộ nuôi tôm ở Phú Yên cho biết: "Bước vào vụ nuôi tôm năm nay, người nuôi tôm chúng tôi rất khó khăn vì thiếu vốn đầu tư cải tạo ao hồ và mua tôm giống chất lượng cao. Với diện tích 1 ha, lẽ ra tôi phải đầu tư hơn 60 triệu đồng để cải tạo hồ, sửa chữa bờ, mua tôm giống, nhưng tôi chưa biết tìm đâu ra vốn".

"Các năm trước, nhiều đại lý kinh doanh thức ăn nuôi tôm ở địa phương sẵn sàng ứng vốn trước để giúp người nuôi tôm sản xuất, nhưng năm nay do khó khăn nguồn vốn nên các đại lý không còn mặn mà. Do vậy, nhiều hộ nuôi tôm ở địa phương phải cắt giảm chi phí đầu tư cải tạo hồ... ", ông Minh cho hay.

Tăng cường hỗ trợ

Để đảm bảo kế hoạch nuôi tôm nước lợ năm 2014 và hạn chế rủi ro thiệt hại do dịch bệnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Nguyễn Huy Điền đã lưu ý các cơ quan quản lý thủy sản địa phương cần căn cứ hướng dẫn khung mùa vụ của Tổng cục Thủy sản và điều kiện thực tế tại địa phương để xây dựng lịch mùa vụ cụ thể cho từng vùng, quản lý lịch thả giống ngay từ đầu vụ. Không thả giống vào thời điểm nhiệt độ còn thấp là điều kiện phát sinh bệnh đốm trắng.

Nhiều Hội nuôi tôm cũng đã kiến nghị tới Trung ương Hội Nghề cá Việt Nam và Tổng cục Thủy sản giữ ổn định giá bán thức ăn nuôi tôm tại các nhà máy chế biến, phân phối, giúp người nuôi được tiếp cận mức hợp lý. Bởi, hiện nay hơn 90% các nhà máy chế biến thức ăn tại Việt Nam do công ty nước ngoài nắm giữ nên giá thức ăn hoàn toàn bị lệ thuộc nước ngoài, người nuôi "gánh chịu".

Thời gian tới, Tổng cục Thủy sản cũng sẽ tiếp tục quản lý, giám sát chặt chẽ công tác phòng chống dịch bệnh trên tôm nuôi nước lợ. Đồng thời, tăng cường biện pháp quản lý giống, nhất là kiểm tra nguồn gốc xuất xứ giống tôm bố mẹ nhập khẩu ở các nước như Singapore, Thái Lan, Indonesia…, kết hợp kiểm soát chặt chẽ việc gia hóa tôm bố mẹ tôm thẻ chân trắng trong nước.

Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Huy Điền cũng cho rằng, hệ thống ngân hàng cần sớm hỗ trợ vốn cho người nuôi thủy sản theo chu trình dài hơn, đảm bảo từ khi thả nuôi tới khi sản phẩm thủy sản được mua. Hơn nữa, việc liên kết giữa nhà quản lý, doanh nghiệp, nhà khoa học, người nuôi phải sớm được thực hiện để đảm bảo người nuôi có lãi, tạo chuỗi liên kết chặt chẽ giữa "bốn nhà".


Có thể bạn quan tâm

Tập Trung Chuyển Đổi Vườn Tạp, Vườn Kém Hiệu Quả Tập Trung Chuyển Đổi Vườn Tạp, Vườn Kém Hiệu Quả

Những năm gần đây, phong trào chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả, vườn tạp sang những loại cây trồng có giá trị kinh tế cao được người dân huyện Long Mỹ tích cực hưởng ứng. Điều này không chỉ góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng trong sản xuất mà còn giúp người dân nâng cao thu nhập, phát huy tối đa hiệu quả sản xuất trên cùng diện tích canh tác.

07/11/2014
Tìm Hiểu Cơ Hội Hợp Tác, Đầu Tư Sản Xuất Hoa Kiểng Tại Sa Đéc Tìm Hiểu Cơ Hội Hợp Tác, Đầu Tư Sản Xuất Hoa Kiểng Tại Sa Đéc

Nhân chuyến thăm và làm việc với UBND tỉnh Đồng Tháp, ngài Simon van der Burg - Tổng Lãnh sự Vương quốc Hà Lan tại TP.Hồ Chí Minh đã có buổi gặp gỡ với lãnh đạo TP.Sa Đéc để tìm hiểu cơ hội hợp tác, đầu tư ngành hàng sản xuất hoa kiểng tại Sa Đéc.

07/11/2014
Sẵn Sàng Cho Ngày Công Nhận Xã Nông Thôn Mới Sẵn Sàng Cho Ngày Công Nhận Xã Nông Thôn Mới

Đến xã Tân Thành, thị xã Ngã Bảy những ngày này sẽ dễ dàng nhận thấy không khí hối hả xen lẫn niềm vui của người dân đang trông chờ một sự kiện có ý nghĩa đặc biệt: đó là lễ công nhận xã nông thôn mới (NTM) dự kiến sẽ diễn ra vào những ngày cuối tháng 11 này.

07/11/2014
Hiểm Họa Từ Cây Mai Dương Hiểm Họa Từ Cây Mai Dương

Theo thống kê sơ bộ từ các ngành chức năng, đến nay trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã có trên 10.000 ha diện tích đất bị nhiễm cây mai dương- một loài thực vật ngoại lai cực kỳ nguy hiểm. Loài cây này có sức sống mãnh liệt, tốc độ phát tán cực nhanh trên diện rộng.

07/11/2014
Tái Cơ Cấu Nông Nghiệp Xây Dựng Nông Thôn Mới Vùng ĐBSCL Tái Cơ Cấu Nông Nghiệp Xây Dựng Nông Thôn Mới Vùng ĐBSCL

Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh, Diễn đàn lần này nhằm tìm kiếm các giải pháp, tạo động lực mạnh mẽ hơn nữa cho sự phát triển cũng như cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân ĐBSCL, đồng thời tập trung giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước đã, đang và sẽ làm ăn, kinh doanh trên vùng đất này.

07/11/2014