Mùa Sắn Nước... Đìu Hiu

Cam Lâm (Khánh Hòa) đang vào vụ thu hoạch sắn nước nhưng không khí tại các ruộng sắn rất đìu hiu. Người trồng sắn buồn rầu vì sắn nước nhỏ củ, giá thấp, không có người mua…
Củ nhỏ, giá thấp
Cam Hiệp Bắc là xã đầu tiên của huyện Cam Lâm thu hoạch sắn nước. Không khí tại hầu hết ruộng sắn nước ở đây đều đìu hiu, trái ngược với năm ngoái, người người tất bật nhổ củ, đóng bịch, chất lên cộ bò chuyển ra đường cái lên xe tải.
Đứng trước ruộng sắn nước xanh um lá, anh Nguyễn Minh Tuấn (thôn Trung Hiệp 2, xã Cam Hiệp Bắc) cho biết, ruộng sắn nước nhà anh trông khá đẹp, nhưng khi nhổ thử thì củ quá nhỏ, năng suất ước 2,5 tấn/sào nên người mua chỉ trả giá 3 triệu đồng/sào. Với chi phí 5 triệu đồng/sào, anh lỗ khoảng chục triệu đồng.
Cũng 5 sào sắn nước này, năm ngoái anh bán 7 triệu đồng/sào. “Nhà tôi bán giá thấp nhất, nhưng bán được vẫn còn may, tình hình này, càng để lâu càng lỗ!”, anh Tuấn thở dài. Còn tại ruộng sắn nước của ông Nguyễn Kim Anh (thôn Trung Hiệp 1), tuy bán được 3,5 triệu đồng/sào nhưng ông vẫn lỗ gần 20 triệu đồng. Theo ông Anh, ông phải thuê 7 sào đất, chi phí đầu tư tới 6 triệu đồng/sào, trong khi năng suất hiện chỉ đạt 2 tấn/sào, giảm một nửa so với cùng thời điểm này năm ngoái.
Thất bát nhất là hộ ông Nguyễn Tấn Bích ở thôn Trung Hiệp 1. Ông thuê 16 sào đất trồng sắn nước, trong đó 10 sào chỉ cho củ nhỉnh hơn rễ cây chút xíu nên ông phải trỉa dặm bắp thay thế; 6 sào còn lại cũng chẳng khá hơn. “Chán lắm! đừng nói tới sắn nước nữa. Tôi bỏ thí ruộng, đi chở thuê đây!”, ông Bích nói vậy rồi lộc cộc đánh cộ bò đi.
Nhiều địa phương khác ở Cam Lâm như xã Cam Hòa, Cam Thành Bắc, Cam An Nam... sắn cũng cho củ nhỏ. Vụ năm nay, thị trấn Cam Đức có 10ha sắn nước, giảm 5ha so với năm ngoái. Dự kiến, cuối tháng 10 thu hoạch nhưng lúc này người dân nhổ cây lên thử thấy củ nhỏ chỉ bằng nửa năm trước. Do vậy, hiện mới có vài đám ruộng khá nhất được người mua hỏi với giá 4 triệu đồng/sào.
Do nắng hạn
Nhiều nông dân cho rằng, nguyên nhân cơ bản khiến sắn nước nhỏ củ, năng suất giảm là do thời tiết khô hạn. Ông Nguyễn Bộ (thôn Trung Hiệp 2, xã Cam Hiệp Bắc) thở dài: “Tôi trồng sắn nước đã hơn 10 năm nhưng chưa năm nào hạn nặng thế này.
Dịp Trung thu vừa rồi không mưa, biết là trời không thuận nhưng do nhà mắc việc, lu bu quá nên tôi không nhận lời người hỏi mua sớm. Để đến bây giờ, chào bán hàng chục người mà chẳng ai mua”.
Theo chị Phan Thị Tường Vy, khuyến nông viên xã Cam Hiệp Bắc, năm nay, xã có 30ha sắn nước, giảm 10ha so năm ngoái. Nguyên nhân do năm trước giá sắn nước giảm nhanh nên nông dân không mặn mà, phần khác do nắng hạn làm cây trồng trên những vùng đất cao bị chết.
Những ruộng ở gần nguồn nước mới cho củ to, năng suất cao và được hỏi mua sớm với giá cao. “2 tháng trước, có người còn mua sắn nước với giá 12 triệu đồng/sào. Nhưng nửa tháng gần đây, nhổ thử thấy củ không phát triển, năng suất trung bình khoảng 1,8 - 2 tấn/sào nên người mua chỉ trả giá 4 - 5 triệu đồng/sào, thấp nhất là 3 triệu đồng/sào. Toàn xã chỉ có chừng 10ha sắn nước bán được giá, còn lại chịu lỗ, thậm chí không ai hỏi mua”, chị Vy nói.
Được biết, hiện nay, một số hộ chưa bán sắn được đã thuê người bấm ngọn, đồng thời tiếp tục chăm sóc để kích thích củ sắn nước phát triển. Tuy nhiên, nhiều nông dân cho rằng cách này hên xui, bởi sau khi bấm ngọn phải chờ thêm khoảng 3 tháng để củ to đẫy.
Nếu thời tiết thuận lợi, người trồng phải bỏ thêm chừng gần 1 triệu đồng/sào (tính tới lúc thu hoạch) để bán với giá khoảng 4,5 triệu đồng/sào (giá thông thường vào tháng 12). Nhưng nếu trời tiếp tục không mưa hoặc chỉ mưa vài cơn cầm chừng thì đất càng bị nén chặt, củ sắn nước vẫn “bó”, to không đáng kể.
Ông Nguyễn Ta, Phó Trưởng phòng phụ trách phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cam Lâm: Năm nay, Cam Lâm có 74,5ha sắn nước, phân bố nhiều nhất ở Cam Hiệp Bắc, ngoài ra còn ở Cam Đức, Suối Tân, Cam Thành Bắc, Cam An Nam, Cam Hòa... Do nắng hạn, năng suất sắn nước toàn huyện ước giảm trung bình 30% so với năm ngoái.
Có thể bạn quan tâm

Bên cạnh các loại cây hoa màu chủ lực khác, những năm gần đây cây cà tím Nhật Bản được nhiều hộ nông dân trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk lựa chọn bởi chi phí đầu tư thấp nhưng hiệu quả kinh tế khá cao, góp phần tăng thêm nguồn thu nhập đáng kể…

Trong thời gian gần đây, bệnh trên cây mì liên tục xảy ra, nên hầu hết người trồng khoai mì trên địa bàn xã chọn phương án trồng cây tràm ghép cao sản để cải tạo đất, tăng năng suất và đem lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay, thương lái mua tại đám từ 60 triệu đến 65 triệu đồng/ha. Trong khi đó, nếu chỉ trồng khoai mì, 1ha đất chỉ đạt hơn 20 triệu đồng.

Gia đình bà Nguyễn Thị Trang, thôn Vạn Ty, xã Thái Bảo, huyện Gia Bình (Bắc Ninh) trồng 30 nghìn gốc măng tây từ tháng 10 - 2013 với diện tích hai ha, với vốn đầu tư khoảng 300 triệu đồng/ha, đến nay đang có nguồn thu ổn định 2,5 triệu đồng/ngày.

Xuất khẩu rau quả 9 tháng qua đã có bước tăng trưởng mạnh về giá trị so với cùng kỳ năm 2013, vượt ngưỡng 1 tỷ USD. Trung Quốc vẫn là thị trường chính nhưng đang có nhiều tiềm ẩn bất trắc. Vì vậy, việc khai phá các thị trường khó tính đang được ngành nông nghiệp và doanh nghiệp (DN) Việt Nam hết sức quan tâm.

Ngày 12/8/2014, Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Trà Vinh trao giấy chứng nhận VietGAP sản phẩm măng cụt cho Hợp tác xã Tân Thành, xã An Phú Tân, huyện Cầu Kè và sản phẩm quýt đường cho Hợp tác xã quýt đường Thuận Phú, xã Bình Phú, huyện Càng Long. Đến nay, Trà Vinh đã có 3 sản phẩm trái cây sản xuất đạt chuẩn VietGAP là măng cụt, quýt đường và thanh long ruột đỏ của Hợp tác xã thanh long ruột đỏ Đức Mỹ, huyện Càng Long.