Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Mùa Sắn Nước... Đìu Hiu

Mùa Sắn Nước... Đìu Hiu
Ngày đăng: 28/10/2014

Cam Lâm (Khánh Hòa) đang vào vụ thu hoạch sắn nước nhưng không khí tại các ruộng sắn rất đìu hiu. Người trồng sắn buồn rầu vì sắn nước nhỏ củ, giá thấp, không có người mua…

Củ nhỏ, giá thấp

Cam Hiệp Bắc là xã đầu tiên của huyện Cam Lâm thu hoạch sắn nước. Không khí tại hầu hết ruộng sắn nước ở đây đều đìu hiu, trái ngược với năm ngoái, người người tất bật nhổ củ, đóng bịch, chất lên cộ bò chuyển ra đường cái lên xe tải.

Đứng trước ruộng sắn nước xanh um lá, anh Nguyễn Minh Tuấn (thôn Trung Hiệp 2, xã Cam Hiệp Bắc) cho biết, ruộng sắn nước nhà anh trông khá đẹp, nhưng khi nhổ thử thì củ quá nhỏ, năng suất ước 2,5 tấn/sào nên người mua chỉ trả giá 3 triệu đồng/sào. Với chi phí 5 triệu đồng/sào, anh lỗ khoảng chục triệu đồng.

Cũng 5 sào sắn nước này, năm ngoái anh bán 7 triệu đồng/sào. “Nhà tôi bán giá thấp nhất, nhưng bán được vẫn còn may, tình hình này, càng để lâu càng lỗ!”, anh Tuấn thở dài. Còn tại ruộng sắn nước của ông Nguyễn Kim Anh (thôn Trung Hiệp 1), tuy bán được 3,5 triệu đồng/sào nhưng ông vẫn lỗ gần 20 triệu đồng. Theo ông Anh, ông phải thuê 7 sào đất, chi phí đầu tư tới 6 triệu đồng/sào, trong khi năng suất hiện chỉ đạt 2 tấn/sào, giảm một nửa so với cùng thời điểm này năm ngoái.

Thất bát nhất là hộ ông Nguyễn Tấn Bích ở thôn Trung Hiệp 1. Ông thuê 16 sào đất trồng sắn nước, trong đó 10 sào chỉ cho củ nhỉnh hơn rễ cây chút xíu nên ông phải trỉa dặm bắp thay thế; 6 sào còn lại cũng chẳng khá hơn. “Chán lắm! đừng nói tới sắn nước nữa. Tôi bỏ thí ruộng, đi chở thuê đây!”, ông Bích nói vậy rồi lộc cộc đánh cộ bò đi.

Nhiều địa phương khác ở Cam Lâm như xã Cam Hòa, Cam Thành Bắc, Cam An Nam... sắn cũng cho củ nhỏ. Vụ năm nay, thị trấn Cam Đức có 10ha sắn nước, giảm 5ha so với năm ngoái. Dự kiến, cuối tháng 10 thu hoạch nhưng lúc này người dân nhổ cây lên thử thấy củ nhỏ chỉ bằng nửa năm trước. Do vậy, hiện mới có vài đám ruộng khá nhất được người mua hỏi với giá 4 triệu đồng/sào.

Do nắng hạn

Nhiều nông dân cho rằng, nguyên nhân cơ bản khiến sắn nước nhỏ củ, năng suất giảm là do thời tiết khô hạn. Ông Nguyễn Bộ (thôn Trung Hiệp 2, xã Cam Hiệp Bắc) thở dài: “Tôi trồng sắn nước đã hơn 10 năm nhưng chưa năm nào hạn nặng thế này.

Dịp Trung thu vừa rồi không mưa, biết là trời không thuận nhưng do nhà mắc việc, lu bu quá nên tôi không nhận lời người hỏi mua sớm. Để đến bây giờ, chào bán hàng chục người mà chẳng ai mua”.

Theo chị Phan Thị Tường Vy, khuyến nông viên xã Cam Hiệp Bắc, năm nay, xã có 30ha sắn nước, giảm 10ha so năm ngoái. Nguyên nhân do năm trước giá sắn nước giảm nhanh nên nông dân không mặn mà, phần khác do nắng hạn làm cây trồng trên những vùng đất cao bị chết.

Những ruộng ở gần nguồn nước mới cho củ to, năng suất cao và được hỏi mua sớm với giá cao. “2 tháng trước, có người còn mua sắn nước với giá 12 triệu đồng/sào. Nhưng nửa tháng gần đây, nhổ thử thấy củ không phát triển, năng suất trung bình khoảng 1,8 - 2 tấn/sào nên người mua chỉ trả giá 4 - 5 triệu đồng/sào, thấp nhất là 3 triệu đồng/sào. Toàn xã chỉ có chừng 10ha sắn nước bán được giá, còn lại chịu lỗ, thậm chí không ai hỏi mua”, chị Vy nói.

Được biết, hiện nay, một số hộ chưa bán sắn được đã thuê người bấm ngọn, đồng thời tiếp tục chăm sóc để kích thích củ sắn nước phát triển. Tuy nhiên, nhiều nông dân cho rằng cách này hên xui, bởi sau khi bấm ngọn phải chờ thêm khoảng 3 tháng để củ to đẫy.

Nếu thời tiết thuận lợi, người trồng phải bỏ thêm chừng gần 1 triệu đồng/sào (tính tới lúc thu hoạch) để bán với giá khoảng 4,5 triệu đồng/sào (giá thông thường vào tháng 12). Nhưng nếu trời tiếp tục không mưa hoặc chỉ mưa vài cơn cầm chừng thì đất càng bị nén chặt, củ sắn nước vẫn “bó”, to không đáng kể.

Ông Nguyễn Ta, Phó Trưởng phòng phụ trách phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cam Lâm: Năm nay, Cam Lâm có 74,5ha sắn nước, phân bố nhiều nhất ở Cam Hiệp Bắc, ngoài ra còn ở Cam Đức, Suối Tân, Cam Thành Bắc, Cam An Nam, Cam Hòa... Do nắng hạn, năng suất sắn nước toàn huyện ước giảm trung bình 30% so với năm ngoái.


Có thể bạn quan tâm

Tiếp Vốn Người Nuôi Cá Tiếp Vốn Người Nuôi Cá

Với 500 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) của T.Ư Hội NDVN cho vay để thực hiện dự án nuôi cá nước ngọt, nhiều hộ nuôi cá ở xã Phú Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa đã đầu tư mua con giống, mở rộng ao nuôi...

31/08/2013
Phát Triển Kinh Tế Biển Phát Triển Kinh Tế Biển

Với 32km bờ biển, 81 nghìn ha bãi bồi ven biển và gần 4.000ha đất ngập triều, những năm qua, huyện Giao Thủy (Nam Định) đã tập trung phát triển kinh tế biển trở thành ngành kinh tế “mũi nhọn” của huyện, trọng tâm là phát triển lực lượng khai thác xa bờ, xây dựng hạ tầng dịch vụ nghề cá và phát triển nuôi trồng thủy sản, góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của huyện.

03/09/2013
Bí Quyết Làm Giàu Của Chủ Trang Trại Bạc Tỷ Bên Dòng Lô Giang Bí Quyết Làm Giàu Của Chủ Trang Trại Bạc Tỷ Bên Dòng Lô Giang

“Hơn chục năm trước, có nằm mơ tôi cũng không tưởng tượng mình có thể tạo lập được cơ ngơi như ngày hôm nay. Nhiều người nói việc làm kinh tế của gia đình tôi giống như truyện cổ tích cũng không ngoa”.

05/09/2013
Thanh Long “Ép” Lúa, Thiệt Hại Khó Lường Thanh Long “Ép” Lúa, Thiệt Hại Khó Lường

Những năm gần đây, nông dân huyện Châu Thành (Long An), chú trọng chuyển đổi từ cây lúa sang trồng thanh long với lợi nhuận cao hơn trồng lúa gấp 2-3 lần.

05/09/2013
Phú Quốc Tăng Số Tàu Đánh Cá Cơm Phú Quốc Tăng Số Tàu Đánh Cá Cơm

Ông Huỳnh Quang Hưng – Phó chủ tịch UBND huyện Phú Quốc – cho biết hiện nay nguồn cá cơm nguyên liệu trên địa bàn huyện đang rất khan hiếm do thương lái từ nhiều nơi tăng cường thu gom. Giá cá cơm nguyên liệu đã đội lên gấp đôi, hiện dao động trong khoảng từ 13 – 18.000đ/kg.

05/09/2013