Mùa Ớt... Ngọt Ở Ea Wer (Đắk Lắk)

Đi qua nhiều nhà vườn ở xã Ea Wer (huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk) mùa này, không khó để bắt gặp những hàng ớt thẳng tắp, quả đỏ trĩu cành đang được bà con nông dân khẩn trương thu hoạch. Loại cây trồng khá mới mẻ này đang là niềm hy vọng cho bà con nơi đây.
Đưa vào trồng một giống cây hoàn toàn mới trên vùng đất nắng gió khô cằn như Buôn Đôn, ban đầu nhiều người không khỏi lo lắng. Thế nhưng, một số bà con nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi và đã thành công; cây ớt đã không phụ công người với những chùm trái chín đỏ trĩu cành...
Giữa lúc thời tiết khắc nghiệt, trồng cây gì cũng khó thì việc trồng ớt mang lại thu nhập cao khiến nhiều bà con phấn khởi. Nhờ cây ớt, nhiều người từ chỗ kinh tế khó khăn đã xây được nhà cửa khang trang, sắm được các tiện nghi đắt tiền, không ít hộ có trong tay từ vài chục đến trăm triệu sau một năm trồng ớt.
Đến thôn 7 (xã Ea Wer), giữa cái nắng tháng 5 gay gắt, nhưng khu vườn của bà Nguyễn Thị Chợ cứ như được hồi sinh nhờ màu xanh mơn mởn, xen lẫn đỏ tươi của từng chùm ớt chín.
Bà Chợ cho biết, trước đây, trên diện tích này bà trồng lúa, nhưng năng suất thấp. Một lần, người con rể từ miền Tây về chơi, gợi ý mô hình trồng ớt, thế là bà “đánh liều” trồng thử, ai ngờ hiệu quả mang lại hơn cả mong đợi. Trên diện tích 2 sào, trung bình mỗi mùa ớt bà thu về trên 60 triệu đồng.
Nhiều năm trước, anh Phan Văn Trung (thôn 7) rơi vào cảnh bế tắc vì trồng cây gì trên 5 sào ruộng cũng cho năng suất thấp, công sức đổ ra nhiều song lợi nhuận thu về chẳng được là bao. Từ khi mạnh dạn bỏ lúa, rau màu - vốn được xem là cây trồng chủ đạo ở đây để chuyển sang trồng ớt, đã cho thu nhập lên đến trên 150 triệu đồng/năm, nhờ vậy, cuộc sống của gia đình anh đã nhiều đổi thay.
Theo anh Trung, cây ớt có khả năng sinh trưởng khỏe, cành nhánh nhiều cho sản lượng lớn, lợi nhuận cao, mỗi sào ớt thường cho năng suất từ 2,5 -2,7 tấn. Trồng ớt, điều quan trọng là phải chú trọng thật kỹ khâu làm đất để hạn chế sâu bệnh, giúp cây phát triển tốt, thêm nữa, mùa thu hoạch ớt thường kéo dài nên chú ý bón phân và tưới nước thường xuyên cho cây.
Để ớt có vị cay nồng đặc trưng và sai quả, anh Trung dùng các loại phân vi sinh được ủ từ vỏ cà phê, phân chuồng và các loại phế thải nông nghiệp bón cho cây. Anh khẳng định, trồng ớt lợi nhuận thu về cao gấp nhiều lần so với trồng lúa, hơn nữa việc thu hoạch cũng rất nhẹ nhàng, vườn ớt của anh đã mang về trên 200 triệu đồng mỗi vụ.
Hiện toàn xã Ea Wer có hơn 20 hộ trồng ớt, với diện tích trên 10 ha, chủ yếu tập trung ở thôn 3 và thôn 7. Mô hình này không chỉ giúp bà con thoát nghèo mà còn có thể vươn lên làm giàu. Nhiều người trồng ớt cho hay, mỗi năm họ chỉ trồng một vụ ớt nhưng cho thu hầu như suốt năm.
Từ tháng 6 âm lịch bà con đã gieo hạt, sau hơn 2 tháng rưỡi chăm sóc thì cây bắt đầu cho thu hoạch, và thời gian thu quả kéo dài hơn 7 tháng. Ngoài việc dễ trồng, vốn ít thì đầu ra cho ớt lại khá ổn định, thương lái đến tận vườn thu mua hết, trả tiền ngay.
Hiện nay, đang bước vào mùa mưa nên ớt bán ra chỉ 10.000 đến 12.000 đồng/kg, nhưng không vì thế mà làm buồn lòng người trồng ớt, bởi những tháng trước và sau tết, giá ớt thường rất cao, ở mức 50.000-60.000 đồng/kg, nên đã bù lại phần lớn cho giá ớt đang thấp hiện nay. Ớt Ea Wer quả căng đều, trơn mượt, có vị cay nồng nên được thị trường ưa chuộng.
Có thể bạn quan tâm

Nhằm tháo gỡ tình trạng giá khoai lang luôn bấp bênh và quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, Trường ĐH Cần Thơ vừa phối hợp với Sở NNPTNT tỉnh Vĩnh Long tổ chức Hội thảo “Giải pháp mở rộng thị trường tiêu thụ khoai lang”.

Vào thời điểm này, nông dân đang bắt tay vào cải tạo đất để chuẩn bị sản xuất vụ lúa trên đất nuôi tôm. Ngành chức năng cũng đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất lúa - tôm cho nông dân. Theo lịch thời vụ, nông dân sẽ xuống giống lúa dứt điểm vào cuối tháng 9/2013.

Đây là mô hình sản xuất mới không chỉ giúp cho sản phẩm sạch sẽ, an toàn và có giá trị dinh dưỡng, mà còn mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người làm nghề.

Mưa dầm làm cho trà lúa hè thu đang đến kỳ thu hoạch bị gãy đổ trên diện rộng. Nước ngập, lúa không thể thu hoạch bằng cơ giới mà phải thu hoạch thủ công. Các khoản chi phí không ngừng leo thang trong khi hạt lúa làm ra kém chất lượng, không đáp ứng được nhu cầu của thị trường.

Xã Phú Kiết, huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) được xem là “cái nôi” của nghề nuôi cá bởi địa phương có dòng sông Bảo Định chảy qua cung cấp nước ngọt quanh năm. Nông dân có thể tận dụng diện tích mặt nước mương, vườn sẵn có và đầu tư đào ao nuôi cá các loại, trong đó chủ lực là con cá tai tượng bởi ít tiêu tốn thức ăn, mang lại hiệu quả kinh tế cao.