Mùa nước nổi, cua đồng vẫn khan hàng

Hàng chục lao động có việc làm nhờ cua đồng
Cua đồng xuất hiện nhiều từ đầu tháng 5 âm lịch đến cuối tháng 11 âm lịch hàng năm. Lúc này cua bắt đầu sinh sản nhiều và ra khỏi hang để kiếm ăn.
Đây là thời điểm người dân địa phương đua nhau ra đồng thu hoạch “sản vật” của thiên nhiên ban tặng. Lượng cua đồng phụ thuộc rất nhiều vào lượng mưa và nước lũ từng năm. Nếu lượng mưa nhiều, lũ lớn thì cua đồng nhiều và ngược lại.
Từ nhu cầu lớn của thị trường vài năm gần đây, nên các tỉnh có sản lượng cua đồng lớn đã hình thành các điểm thu mua tập trung. Cua mua về sẽ được phân loại, sơ chế và bán ra thị trường với 2 loại, cua xay thịt sẵn và cua nguyên con.
Anh Dương Văn Hiếu, chủ vựa cua huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) có hơn 10 năm trong nghề mua bán cua đồng cho biết: Năm nay lượng mưa ít, nước lũ nhỏ nên cua đồng ít và giá luôn ở mức cao. Bình quân mỗi ngày cơ sở thu mua và xuất bán từ 3 - 5 tấn, những lúc trúng mùa có thể lên đến hơn 10 tấn cua. Nhưng hiện nay cua rất ít nên luôn trong tình trạng hút hàng.
Mùa cua đồng "nở rộ", ngoài việc giúp các cơ sở "ăn nên làm ra", thì cũng giúp những người làm thuê tại đây có thêm thu nhập.
Chị Đặng Thị Mẫm, ngụ ở xã Phú Thành, huyện Tam Nông, làm công việc bẻ càng và phân loại cua đồng cho biết: “Gia đình tôi có 4 thành viên, làm ở khâu bẻ càng và phân loại cua thịt, mỗi ký càng cua và phân loại cua được trả 2.000đ/kg, mỗi ngày cho thu nhập từ 150.000 - 200.000đ, tùy theo lượng cua của cơ sở thu mua được nhiều hay ít”.
Bà Trần Thị Chuốc, ở ấp Trung, xã Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự cho biết thêm: Hơn 2 năm làm công việc lột mai, yếm và bẻ càng cua đồng cũng có thu nhập khá. Tuy nhiên, công việc này chỉ làm vào mùa nước, bình thường làm công việc khác”.
Bình quân mỗi vựa cua đều có từ 20 - 30 người làm thuê thực hiện nhiều khâu: Chuyên chở, cân bán, bẻ càng, phân loại, lột mai... Bình quân mỗi người kiếm được 100.000 - 200.000đ/ngày.
Theo chị Trần Thị Mỹ Chuyên, ngụ ở ấp Thị, xã Thường Lạc, huyện Hồng Ngự: Công việc thường bắt đầu từ 2 - 3 giờ chiều, đến 8 giờ tối kết thúc. Trung bình khoảng 5 - 6kg cua thịt sẽ bẻ được 1 kg càng, nên mỗi ngày người dân vùng lũ chỉ cần kiếm được 10kg cua, sẽ có thu nhập vài trăm ngàn đồng.
Các vựa đang thu mua cua của người dân
Hiện tại, giá cua đồng thịt được bán từ 30.000 - 40.000đ/kg; cua đồng xay từ 50.000 - 70.000đ/kg. Trong khi đó, càng cua đồng bán tại các chợ huyện đã tăng lên từ 200.000 - 250.000đ/kg, tùy theo mức độ lớn nhỏ.
Còn tại chợ huyện An Phú (An Giang), cứ vào mùa lũ nơi đây hình thành chợ thu mua cua đồng lớn nhất miền Tây (thường vào tháng 8 - 10 khi nước lũ về nhiều). Đây cũng là thời điểm cua xuất hiện nhiều nhất trong năm, nên khu chợ này thu mua từ 20 - 40 tấn cua mỗi ngày và tiêu thụ mạnh nhất là thị trường TP.HCM và các tỉnh ĐBSCL.
Bà Trần Thị Cúc, thương lái chuyên thu mua cua đồng ở chợ huyện An Phú cho biết: Năm nay lũ đầu nguồn chưa về nhiều nên lượng cua đồng ngày càng khó tìm. Trước đây, mỗi ngày vựa thu mua vài tấn cua đồng thịt, nay mua được vài trăm ký đến 1 - 2 tấn xem như thành công. Giá cao, song nhiều thương lái vẫn tranh nhau mua. Theo nhiều thương lái nhận định, lượng cua đồng ngày một giảm, chỉ bằng 2/3 sản lượng những năm trước.
Ngoài yếu tốt lượng mưa ít hay lũ về thấp thì lý do sử dụng thuốc BVTV quá liều lượng và tràn lan cũng là nguyên nhân làm lượng cua đồng ngày một giảm.
Có thể bạn quan tâm

Chất cấm mới bị phát hiện sử dụng trong chăn nuôi là vàng ô (VAT Yellow) dùng trong công nghiệp dệt, nhuộm, giấy, xây dựng, không được dùng trong thực phẩm và có khả năng gây ung thư ở người.

Mặc dù mới bắt đầu vào vụ thu hoạch chính, nhưng quả hồng đặc sản Đà Lạt - Lâm Đồng rớt giá thê thảm. Với giá bán tại vườn là 2.000- 3.000 đồng/kg, nhiều nhà vườn méo mặt khi thu hoạch.

Với việc trồng cây dó bầu trong vườn và áp dụng các phương pháp kích tạo trầm nhân tạo, nông dân không còn phải “ngậm ngải tìm trầm” nơi rừng thẳm. Nhưng nhà nông và các đối tác sẽ thành công hơn khi chọn được phương pháp tạo trầm hiệu quả.

Bao lần thất bại tới “liêu xiêu” nhưng tỷ phú cá vược Trương Văn Trị ( xã Nam Cường, huyện Tiền Hải) vẫn luôn tin vào một điều duy nhất: Mình có thể!

Với tinh thần cải cách thủ tục hành chính, giảm thời gian thông quan hàng hóa, cơ quan hải quan sẽ không yêu cầu doanh nghiệp phải nộp giấy đăng ký kiểm dịch hoặc giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật trong quá trình làm thủ tục hải quan xuất khẩu, tái xuất khẩu.