Mùa Nhãn Trên Vùng Đất Cằn

Khởi nghiệp với 2 bàn tay trắng nhưng ông Bảy Quang đã phất lên nhờ trồng được cây nhãn ở vùng đất sỏi đá Xuân Hòa (huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai). “Cơ ngơi” sau 15 năm gắn bó với vùng đất sỏi đá của ông là 4 hécta nhãn tiêu da bò cùng nhiều giống cây ăn trái đặc sản, như: bưởi da xanh, quýt đường, cam sành…
Đến thăm gia đình ông Bảy Quang đúng mùa thu hoạch nhãn (tháng 9, 10 hàng năm) sẽ thấy cả khu vườn rộng lớn được phủ kín màu nâu của trái nhãn chín rộ. Đứng từ xa cả trăm mét vẫn có thể ngửi được mùi thơm của nhãn. Những chùm quả nặng trĩu kéo cành cây xuống gần sát đất.
* Bén “duyên” với cây nhãn
“Năm nay, nhãn trái nào trái nấy to tròn, căng mọng. Chùm càng ít trái thì trọng lượng mỗi trái càng lớn. Mỗi chùm bẻ xuống, cân từ 1 - 2kg, nhìn đã mắt. Trung bình năng suất đạt từ 16 - 17 tấn/hécta, giá đầu mùa mua tại vườn khá cao, khoảng 16 - 17 ngàn đồng/kg nên đợt này tôi thu về một khoản tiền kha khá. Hy vọng giá cao sẽ duy trì từ đây đến cuối mùa” - ông Bảy Quang hồ hởi nói.
Bên chén trà xanh, ông bắt đầu kể về quá trình “bén duyên” với vùng đất Xuân Hòa. Cũng như nhiều nông dân khác, ông vào đời sớm và trải qua nhiều gian nan, vất vả trước khi tạo được cơ ngơi. Năm 1999, ông là một trong những người đầu tiên từ huyện Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) đến Xuân Hòa lập nghiệp. Suốt 15 năm qua, hết nâng cây này lên hạ giống cây khác xuống, cuối cùng ông đã chọn cây nhãn để đánh một “ván bài” lớn.
Loại đất để trồng nhãn ở quê ông khác hoàn toàn so với đất xã Xuân Hòa. Đất nơi đây cằn cỗi, độ dốc cao nên không giữ nước được lâu. Việc thiếu nước vào mùa khô cũng là nỗi ám ảnh với những người trồng cây ăn trái. Những ngày đầu, cây nhãn cho năng suất thấp vì chưa quen với thổ nhưỡng ở đây. Cuối vụ thu hoạch, sau khi thanh toán hết mọi chi phí, ông Bảy Quang chỉ có thể bỏ túi chút kinh nghiệm chuẩn bị cho mùa sau.
“Cây trồng nào cũng vậy, có lúc giá cao ngất ngưởng giúp người trồng thắng lớn, đến khi giá xuống thấp thì nông dân thua lỗ. Chỉ mong đầu ra nông sản ổn định để những vụ mùa luôn bội thu và cho giá cao” - nông dân Ngô Văn Cho trăn trở.
“Phải mấy năm sau việc trồng nhãn mới có lãi, nhưng làm thế nào để nâng cao năng suất mới là vấn đề. Mỗi nhà vườn có cách trồng, kỹ thuật chăm bón khác nhau, khi áp dụng đúng cách thì năng suất cao đến bất ngờ. Dưới quê tui, một hécta nhãn thu hoạch khoảng 10 tấn trái, vậy mà ở đây lên tới 15-16 tấn” - ông Bảy Quang chia sẻ.
Hỏi kỹ thuật trồng nhãn như thế nào cho hiệu quả, ông kể vanh vách bằng chất giọng hào sảng, đậm chất miền Tây. Khi thu hoạch không nên hái cành quá sâu, sau đó cần tỉa những cành quá già cỗi, cành nhỏ mọc phía trong tán. Sau khi thu hoạch quả 15 ngày thì tiến hành bón bổ sung dinh dưỡng cho cây. Đây là đợt bón chủ lực trong năm nhằm cung cấp dinh dưỡng kịp thời cho cây ra hoa vào mùa sau.
Trước mỗi vụ hoa, việc quan trọng là phải siết cành nhưng cũng để lại một cành làm “chỗ thở” cho cây. Cứ mỗi năm lại siết cành một lần nên khắp thân cây chi chít vết sẹo lồi lõm. Ngoài ra, nhờ trồng chuyên canh nên mỗi đợt thu hoạch cho sản lượng lớn, thương lái đến mua ngay tại vườn mà không phải chuyên chở đi đâu.
Vừa bẻ những chùm nhãn lớn mang đãi khách, ông Bảy Quang vừa tâm sự: “Nhiều người không ngờ, vùng đất thiếu nước tưới gần nửa năm này có thể giúp cây ăn trái phát triển, tươi tốt sum suê. Cây nhãn đã không phụ sức người khi cho sản lượng cao, chất lượng không thua kém gì so với những nơi khác. Lúc đầu cứ tưởng năng suất chỉ 7-8 tấn/hécta, nhưng cuối cùng gần như gấp đôi rồi còn gì. Người trồng nhãn như tui đã thắng lớn ngay trên vùng đất sỏi đá này”.
* Vựa nhãn lớn
Khoảng thời gian cuối tháng 4, khi những cơn mưa đầu mùa tắm mát vùng đất khô cằn ở Xuân Hòa cũng là lúc nhãn bắt đầu ra hoa, kết trái. Đến tiết thu mát mẻ tháng 8-9, trái nhãn có cơm trắng, người trồng bắt đầu giăng lưới trên ngọn cây ngăn không cho chim chóc, dơi bọ đến phá hại. Những nhà vườn làm ăn lớn như ông Bảy Quang phải mất cả tuần lễ thuê nhân công về dựng “hàng rào” bảo vệ.
“Nhiều người nói trồng nhãn mà không giăng lưới ở trên thì coi như thiệt hại một nửa… Tui là một trong những người tiên phong chọn cây nhãn trồng ở đây, nên chừng ấy thời gian, mình đã quá quen với tính khí của loài cây này. Dù năm được, năm thất nhưng cây nhãn đã thay đổi đời sống của gia đình tui và những hộ sinh sống quanh đây. Đất bạc màu vẫn mang lại của cải lớn nếu chúng ta biết cách làm giàu” - ông Bảy Quang nói.
Hiện tại, ở ấp 2 xã Xuân Hòa có hơn 10 hộ trồng nhãn với diện tích lên đến hàng chục hécta. Nhiều người ăn nên làm ra, kinh tế gia đình khá giả, như các ông: Bảy Quang, Ngô Văn Cho, Liền A Viễn… Theo những chủ vườn, trồng nhãn cho thu nhập cao nhờ chi phí thấp, sử dụng phân, thuốc ít và công chăm sóc đơn giản hơn so với xoài, cam, bưởi…
“Hồi trước tui trồng cũng nhiều, nhưng bây giờ nhà neo người nên diện tích thu hẹp hơn 1,5 hécta. So với mọi năm, mùa này nhãn nhà tui đạt nhất. Nhờ biết cách chăm bón mà trái nhãn ở đây to, cơm dày, ngọt nước và năng suất đạt 15 tấn/hécta là thường. Trung bình, mỗi hécta nhãn thu về hơn 300 triệu đồng. Sau khi trừ mọi chi phí, tui bỏ túi cũng hơn trăm triệu đồng. Xuân Hòa đã trở thành “vựa” nhãn lớn của huyện Xuân Lộc” - ông Ngô Văn Cho (Chủ nhiệm Câu lạc bộ cây ăn trái xã Xuân Hòa) hồ hởi nói.
Đi qua những vườn nhãn tiêu da bò rộng thênh thang, hứa hẹn một khoản lợi nhuận lớn trong vụ thu hoạch này, ai cũng lâng lâng niềm vui, phấn khởi chờ đón cái kết đẹp là được giá. Chỉ mấy ngày nữa thôi, khi trái nhãn chín rộ, thương lái ở khắp mọi nơi đổ về bắt mối, lấy hàng, nơi đây sẽ chính thức bước vào vụ làm ăn lớn.
Có thể bạn quan tâm

Sau 2 ngày có chỉ đạo của Đại tướng Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an, về việc làm rõ đúng, sai trong vụ tạm giữ 1,8 tấn bạch tuộc tại Hải Dương, Công an tỉnh này đã nhận sai và bồi thường số tiền 650 triệu đồng cho các ngư dân ở huyện Cần Giờ (TPHCM) vì số hàng đã bị hỏng.

Nhờ được học nghề trồng dâu, nuôi tằm bài bản, nhiều hộ dân xã Bắc Bình (Lập Thạch, Vĩnh Phúc) bây giờ đang có thu nhập cao từ nghề này và tạo việc làm cho hàng trăm lao động.

Để thu được một triệu đồng tiền lãi từ nuôi các loài cá truyền thống (cá trắm, cá mè, cá trôi, cá chép…), một người nông dân có thể phải sử dụng đến hàng trăm m2 ao nuôi, nhưng với anh Nguyễn Hữu Tân, ở tổ 1, phường Tân Quang, thị xã Tuyên Quang (tỉnh Tuyên Quang), chỉ với 3 chiếc lồng nuôi cá, rộng 8 m2 mỗi lồng, trung bình hàng năm đem về cho anh 70-80 triệu đồng tiền lãi.

Sau 23 năm phục vụ quân đội, năm 1990 ông Năng Văn Tuyến, thôn Quan Ngoại, xã Tam Quan (Tam Đảo) trở về địa phương với hai bàn tay trắng. Kinh tế gia đình ông ngày càng khó khăn và vất vả, bởi nguồn thu nhập gia đình lúc đó chủ yếu dựa vào 5 sào ruộng. Năm 1996, ông Tuyến đã bàn với gia đình mua 2 mẫu diện tích đất đồi của HTX với thời gian 50 năm để trồng cây ăn quả và chăn nuôi.

Mô hình chăn nuôi bò sữa trên địa bàn huyện Khoái Châu (Hưng Yên) được bắt đầu phát triển từ năm 2003 với sự hỗ trợ theo chương trình đề án chăn nuôi bò sữa của tỉnh, triển khai tại các xã vùng màu, vùng bãi, vùng bối. Tuy nhiên, sau một thời gian đàn bò sữa trên địa bàn huyện bị giảm do một số con bị ốm không chữa được, do đẻ khó, một số con sau khi nuôi bị vô sinh, sữa kém nên phải loại thải. Thị trường tiêu thụ sữa gặp khó khăn, giá sữa xuống thấp trong thời gian dài, người chăn nuôi bò sữa được lãi thấp, thậm chí bị thua lỗ nên một số hộ đã bán bò để thu hồi vốn trả nợ ngân hàng. Cùng thời điểm, giá bò lai sind giá lên cao, lãi nhiều, chăn nuôi lại đơn giản hơn bò sữa, nhiều hộ giảm bò sữa chuyển sang chăn nuôi bò lai sind, lấy giống cho bò sữa bằng bò lai sind. Bên cạnh đó, lực lượng cán bộ thú y còn mỏng, thiếu kinh nghiệm trong việc chẩn đoán, điều trị bệnh và thụ tinh nhân tạo; giá đầu vào như thức ăn tinh, công lao động, thuốc thú y... tăng cao trong khi giá sữa lại thấp và kéo dài, làm cho chăn nuôi