Mùa Khoai Mỡ Thắng Lợi

Với sản lượng gần 2.000 tấn khoai thương phẩm, bán với giá trên 5.000 đ/kg, mỗi ha nông dân Tân Phước đạt giá trị sản xuất 50 triệu đồng.
Sau những ngày vui xuân, nông dân Tân Phước vốn nằm trong vùng Đồng Tháp Mười, Tiền Giang lại nhộn nhịp bắt tay vào vụ thu hoạch nông sản vụ đông xuân, đặc biệt là khoai mỡ. Thời điểm thu hoạch rộ từ tháng 3 dương lịch trở đi.
Từ đầu vụ đến nay, bà con đã thu hoạch được gần 200 ha trong tổng diện tích xuống giống 785 ha khoai mỡ vụ đông xuân 2013 – 2014. Năng suất bình quân đạt 10 tấn/ha, sản lượng gần 2.000 tấn khoai thương phẩm, bán với giá trên 5.000 đ/kg, mỗi ha nông dân đạt giá trị sản xuất 50 triệu đồng, trong đó mức lãi từ 25 triệu đồng đến 30 triệu đồng/ha.
Khoai mỡ là cây trồng quan trọng của huyện Tân Phước, cho thu nhập cao hàng thứ hai sau cây dứa. Cây trồng này thích hợp với thổ nhưỡng vùng đất nhiễm phèn, dễ trồng, năng suất cao và đầu ra thuận lợi.
Hiện nay, khoai mỡ được trồng tập trung tại các địa phương: Xã Hưng Thạnh, Tân Hòa Đông, Thạnh Hòa, Thạnh Mỹ...thuộc huyện Tân Phước. Đây là những địa bàn nằm sâu trong Đồng Tháp Mười có truyền thống trồng cây khoai mỡ. Trong đó trồng nhiều nhất là Thạnh Mỹ với diện tích khoai mỡ vụ đông xuân 2013 – 2014 lên đến 420 ha, chiếm trên 50% tổng diện tích khoai mỡ toàn huyện Tân Phước.
Trước đây, do không có đê bao, việc sản xuất lệ thuộc vào thiên nhiên. Những năm lũ lớn và kéo dài, nông dân xuống giống trễ và thu hoạch trễ; phải đến tháng 4, 5 âm lịch mới bắt đầu vào chính vụ.
Gần đây, nhờ có mạng lưới đê bao ngăn lũ bảo vệ sản xuất hiệu quả, nông dân chủ động xuống giống sớm và cho thu hoạch sớm. Do vậy, những năm gần đây, vào thời điểm trước Tết đã có khoai đầu vụ cung ứng ra thị trường và từ sau Tết trở đi Tân Phước bắt đầu nhộn nhịp vào mùa thu hoạch rộ khoai mỡ.
Khoai mỡ ở đây có nhiều giống: Khoai tím than, tím bông lau, khoai phục linh (ruột trắng), khoai ngọt... ăn rất ngon, dễ chế biến các món ăn trong gia đình, được người tiêu dùng rất ưa chuộng.
Nhờ cây khoai mỡ, bà con vùng đất mới huyện Tân Phước đổi đời và nông nghiệp, nông thôn khởi sắc hẳn lên. Do vậy, vào mùa khoai mỡ không khí làm ăn tại đây thêm tất bật, nhộn nhịp.
Vụ đông xuân năm nay, trà khoai sớm ở Tân Phước trúng mùa, giá cũng đạt khá. Nhất là những ngày cận Tết, giá khoai mỡ tăng mạnh, có lúc đạt trên 10.000 đ/kg, gấp đôi hiện nay. Những nông dân có khoai mỡ sớm trúng mùa, trúng giá, mỗi ha đạt giá trị sản xuất trên 100 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi 50 – 60 triệu đồng, cuộc sống khấm khá hẳn lên.
Cây khoai mỡ là đầu cơ nghiệp, giúp nhiều nông dân mới vào khai hoang sản xuất nhanh chóng khắc phục khó khăn, trở thành triệu phú ở Đồng Tháp Mười. Đơn cử như nông dân Nguyễn Văn Đoàn, cư ngụ tại ấp Mỹ Lộc, xã Thạnh Mỹ, Tân Phước. Vụ đông xuân 2013 – 2014, anh Đoàn trồng 4 ha khoai mỡ. Năng suất khoai đạt 11 – 12 tấn/ ha, bán với giá gần 5.000 đ/kg, sau vụ khoai mỡ anh thu được trên 200 triệu đồng, trong đó lãi ròng khoảng 100 triệu đồng. Đây là một trong những tấm gương nông dân tiêu biểu thành công từ cây khoai mỡ.
Thời điểm Tân Phước nhộn nhịp vào vụ thu hoạch khoai mỡ, ghe thuyền từ các nơi nườm nượp đổ về ngã năm Bắc Đông, về kênh Lộ Mới, về Tân Hòa Đông...(những nơi trồng nhiều khoai mỡ của huyện Tân Phước) để chờ mua khoai tấp nập, đông vui như ngày hội lớn của toàn vùng.
Nhiều nhất là ghe thuyền của các thương lái nơi xa đến mua khoai và vận chuyển đi tiêu thụ bằng đường thủy – chi phí vừa rẻ vừa tiện lợi nhờ mạng lưới kênh rạch chằng chịt trong Đồng Tháp Mười đang phát huy hiệu quả đối với sản xuất và đời sống. Từ đây, sau khi tập kết, đưa lên phương tiện vận tải, khoai mỡ Tân Phước được chở đi tiêu thụ rộng rãi tại các thị trường lớn phía Nam như: TP. Hồ Chí Minh, TP Mỹ Tho, TP Tân An...
Có thể bạn quan tâm

Các cơ quan chuyên môn ở huyện Tuy An (Phú Yên) vừa nghiệm thu mô hình nuôi thử nghiệm cá thát lát cườm thương phẩm trong ao đất.

Phát huy lợi thế về ao, hồ, sông, suối và lòng hồ thủy điện trên địa bàn, huyện A Lưới (Thừa Thiên Huế) đã phát triển diện tích nuôi cá nước ngọt toàn huyện lên 325 ha.

Từ năm 2008 đến nay, tôm thẻ chân trắng được các hộ nuôi chọn làm chủ lực thay thế con tôm sú trên diện tích nước mặn lợ của các địa phương ven biển. Đến nay, diện tích nuôi đã vượt con số 1.300 ha/vụ. Tuy nhiên, liên tiếp trong những năm qua, dịch bệnh xảy ra, làm ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng khiến nhiều hộ nuôi tôm lao đao.

Hiện nay, người nuôi tôm Sóc Trăng đã thả nuôi gần 31.000 ha tôm nước lợ, tương đương 7,9 tỉ con giống, đạt 69% kế hoạch. Tuy nhiên đã có 7.400 ha bị thiệt hại, tương đương 1,5 tỉ con giống, chiếm 24% diện tích thả nuôi.

Thời tiết từ đầu vụ đến nay khá thuận lợi, cộng thêm ngư cụ được cải hoán, nâng cấp khá hiện đại là những yếu tố quan trọng cho vụ cá Nam thắng lợi.