Mùa Khoai Lang Dương Ngọc

Thời điểm này, nhiều nông dân ở ấp Long Quới (xã Long Kiến, Chợ Mới, An Giang) đang vào mùa thu hoạch rộ khoai lang Dương Ngọc.
Đây là loại khoai có chất lượng ngon, người tiêu dùng rất ưa chuộng. Nếu một số loại khoai khác tiêu thụ không ổn định, giá cả bấp bênh thì khoai lang Dương Ngọc luôn ổn định giá cả và năng suất. Vì vậy, người dân nơi đây đã gắn bó với giống khoai này trên 15 năm.
Chị Trương Ngọc Phương, vui mừng cho biết, nhà chị trồng trên 2,5 công khoai lang Dương Ngọc, sau gần 4 tháng chăm sóc, thu hoạch trên 35 tạ/công. Chị Phương nói: “Trồng khoai chi phí không cao, nhưng nặng nhất là khâu mướn nhân công cuốc giồng khoai và tưới nước”.
Khoai được thương lái đến tận nơi thu mua với giá 350.000đ/tạ, sau khi trừ các khoản chi phí, chị Phương lời trên 9 triệu đồng/công. Chị chia sẻ: “Loại khoai này năng suất rất ổn định, từ 35 tạ đến 40 tạ/công là có lời”. Sau khi kết thúc vụ khoai, chị Phương chuyển sang trồng bắp thu trái non, đến khoảng tháng mười âm lịch sẽ chuẩn bị dây giống trồng tiếp khoai lang.
Cùng ngụ ấp Long Quới, ông Trần Văn Hai là một lão nông dày dạn kinh nghiệm trong việc trồng khoai lang Dương Ngọc, với trên 15 năm trồng khoai. Ông được xem là những người đầu tiên trồng giống khoai trên vùng đất này. Ông Hai chia sẻ: “Với loại khoai này, khâu chọn giống rất quan trọng. Muốn có một vụ khoai trúng, khi thu hoạch xong phải tiến hành lựa những củ khoai tốt nhất, đem ươm thành dây giống”.
Theo kinh nghiệm của ông, phải chọn củ khoai có nhân ở giữa mới là củ khoai lý tưởng để làm giống. Có những ruộng khoai khi thu hoạch xong không tìm được khoai giống để ươm dây, người ta đi mua dây giống của mấy đám ruộng khoai xung quanh.
Ông Hai chỉ đám ruộng khoai đang tươi tốt, nói với chúng tôi: “Khi nhìn cuống khoai cũng có thể biết được khoai trúng hay thất. Cuống nhỏ năng suất sẽ cao, cuống lớn năng suất thấp hơn”. Từ nhiều năm nay, giá khoai ổn định, dao động từ 350.000đ – 400.000đ/tạ.
Theo kinh nghiệm của ông Hai, không nên bón nhiều phân dưỡng, vì nó chỉ làm tốt dây, củ khoai sẽ bị tóp lại chứ không lớn được. “Nếu chỗ nào có nước ra vô thường xuyên, tưới – tiêu dễ dàng, chắc chắn năng suất khoai lang Dương Ngọc sẽ rất cao, cỡ 50 tạ/công trở lên.
Ngược lại, năng suất giảm đi, chỉ còn khoảng 35 tạ đến 40 tạ/công. Vào khoảng đầu tháng mười âm lịch, sẽ bắt đầu chọn dây khoai trồng, đến cuối tháng giêng và đầu tháng hai năm sau là bắt đầu thu hoạch theo chu kỳ sinh trưởng” – ông Hai đúc kết.
Ông Nguyễn Văn Thái (tỉnh Vĩnh Long), người mua khoai lang tại vùng này hơn 10 năm, cho biết: “Khoai lang Dương Ngọc rất được người tiêu dùng ưa chuộng, chủ yếu giao về cho các đầu mối ở TP. Hồ Chí Minh, chứ không xuất khẩu như nhiều loại khoai khác”.
Theo ông Thái, vì đây là khoai truyền thống bản địa, xuất xứ từ vùng Tứ giác Long Xuyên nên chất lượng rất ngon, lúc nào cũng bán chạy, có khi thiếu số lượng để cung cấp theo yêu cầu của các đầu mối quen thuộc. Sau khi thu mua dứt điểm đợt khoai ở Long Kiến, ông Thái sẽ trở về Vĩnh Long mua tiếp các loại khoai xuất khẩu, như: Tím Nhật, bí đỏ, sữa…
Theo ông Trần Như Hiền, Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Kiến, diện tích trồng khoai lang Dương Ngọc trên địa bàn xã khoảng 20 héc-ta, tập trung nhiều nhất ở ấp Long Quới. “Loại khoai này được trồng lâu năm ở địa phương, giúp người dân có thu nhập ổn định.
Năng suất khoai cao, giá cả lại không biến động lớn. Xong vụ khoai, bà con nông dân lại chuyển qua trồng bắp thu trái non, rau màu các loại… để tạo việc làm cho lao động nông thôn và tăng thu nhập kinh tế gia đình” – ông Hiền nói. Đây còn là hướng chuyển đổi cây trồng rất tích cực, giúp ích cho nông dân khi sản xuất lúa kém hiệu quả.
Có thể bạn quan tâm

Đầu năm mới Ất Mùi 2015, các cấp, các ngành và nhân dân huyện Châu Thành A đang hối hả bắt tay thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra trong năm nay. Trong đó, quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được địa phương đặt lên hàng đầu.

Vụ Đông Xuân 2014-2015, nông dân An Giang xuống giống 238.261ha, hiện đã thu họach gần 40% diện tích, với năng suất bình quân đạt 6,7 tấn/ha, khả năng đạt sản lượng trên 2 triệu tấn, như vậy sản lượng thu mua tạm trữ chỉ chiếm hơn 10% tổng sản lượng lúa Đông Xuân 2014-2015.

Huyện Cái Bè nằm ở phía đầu nguồn sông Tiền (Tiền Giang) có diện tích lớn nhất trồng xoài lớn nhất với trên 3.300ha. Đây cũng là quê hương của giống xoài cát Hòa Lộc nổi tiếng cả nước với chất lượng vượt trội, được ưa chuộng ở thị trường trong nước cũng như xuất khẩu.

Đáng chú ý hơn, Trung Quốc - thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam, sẽ kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu theo hình thức qua biên giới và tăng cường nhập khẩu gạo theo đường chính thức từ nhiều nguồn cung giá thấp nên xuất khẩu gạo 2015 sẽ bị ảnh hưởng nhiều.

Còn trấu có thể được ép thành viên, xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc... để làm chất đốt cho các lò sấy, lò hơi, hay chất độn chuồng trong chăn nuôi, với giá bán khoảng 500 đồng/kg. Sản phẩm cám gạo cũng được tận dụng để sản xuất mỹ phẩm, dược phẩm, xà phòng, hoặc chế biến thành thức ăn chăn nuôi.