Mùa Hoa Ngâu

Việc các thương lái thu mua cây ngâu với giá cao trong thời gian gần đây khiến cho nhiều hộ nông dân ở huyện Phú Ninh, TP.Tam Kỳ không ngần ngại bán cả vườn ngâu. Tuy nhiên, vẫn có một số người quyết giữ lại vườn ngâu chờ ngày thu hoạch hoa. Niềm vui đã đến với họ khi vào tháng 7 âm lịch này, cây ngâu ra hoa nhiều và được giá.
Với gần 2 sào đất gò, cách đây 10 năm, bà Nguyễn Thị Hải (thôn Khánh Thịnh, xã Tam Thái, Phú Ninh) trồng hơn 40 cây ngâu.
Trung bình mỗi năm, bà Hải thu hoạch 2 vụ hoa ngâu, một vụ vào tháng 4 âm lịch và một vụ vào tháng 7 hoặc tháng 8 âm lịch. Bà Hải cho biết, việc trồng cây ngâu không tốn nhiều công chăm sóc, chọn cây giống cũng hết sức đơn giản, chỉ cần bứng trồng những cây con mọc tự nhiên trong vườn. Nếu chủ động được nước tưới, cây ngâu sẽ phát triển tốt.
Trong tháng 7 âm lịch này, tuy thời tiết nắng nóng nhưng nhờ có những cơn mưa dông, cây ngâu ra hoa nhiều, đem lại cho gia đình bà Hải nguồn thu nhập kha khá. Trung bình mỗi cây ngâu bà Hải thu hoạch được 8 - 10kg hoa. Với giá bán 40.000 đồng/kg hoa ngâu hiện nay, vụ ngâu tháng 7 này bà Hải thu khoảng 16 triệu đồng.
Trên địa bàn TP.Tam Kỳ, nhiều hộ dân cũng đang vào vụ thu hoạch hoa ngâu. Ông Nguyễn Cao Long (khối phố 4, phường Trường Xuân) cho biết: “Nhà tôi trồng gần 100 cây ngâu trên mảnh vườn gần 5 sào. Nhiều năm nay, gia đình tôi có nguồn thu ổn định từ hoa ngâu.
Cách đây mấy tháng, có một số thương lái đến hỏi mua với giá hơn 10 triệu đồng/cây nhưng tôi kiên quyết không bán. Tôi nghĩ, nếu bán cây thì có lợi trước mắt nhưng sẽ mất đi nguồn thu nhập ổn định hằng năm cho gia đình và con cháu về sau. Cũng thật may mắn, tháng 7 âm lịch này hoa ngâu nở rộ, giá mua của các tiệm trà cũng cao hơn mọi năm”.
Được biết, ông Long là người có số lượng cây ngâu nhiều nhất phường Trường Xuân, nhiều cây có độ tuổi lên đến vài chục năm. Ngâu nhà ông Long có hai loại: ngâu sẻ và ngâu trâu. Nhiều cây tán rộng, cành nhánh sum sê nên năm nào cũng được mùa. Ước tính mỗi năm nguồn thu từ việc bán hoa ngâu đem về cho gia đình ông hơn 70 triệu đồng.
Ông Long cho biết, ngâu là loại cây mọc trên đất vườn thổ cư, hàng rào quanh nhà. Ngay cả trên đất cằn khô, sỏi đá như triền núi, ven đèo… ngâu vẫn sống được. Nếu so với hoa sen, hoa lài, hoa ngâu dùng ướp trà không hề thua kém về độ thơm ngon.
Những năm gần đây, đầu ra của hoa ngâu tăng mạnh, giá bán cũng nhích lên không ngừng, vì thế bà con nông dân còn bứng cây ngâu con về trồng trên diện tích đất cằn cỗi, thay thế những loại cây hiệu quả kinh tế kém.
Nếu như hoa ngâu ở các tỉnh phía Nam được người dân thu hoạch, phơi khô rồi mới bán thì người dân ở các tỉnh miền Trung nói chung, Quảng Nam nói riêng thu hoạch và bán hoa ngâu tươi. Hoa ngâu được các cơ sở sản xuất trà thu mua để chiết xuất lấy mùi hương.
Vì thế việc thu hoạch hoa ngâu phải được thực hiện vào buổi sáng, khi mùi hương đang còn nhiều nhất và các tiệm trà cũng dừng lại việc thu mua đến hết buổi sáng. Việc thu hoạch hoa ngâu mỗi năm đã đem lại nguồn thu nhập khá ổn định cho nhiều hộ nông dân trong tỉnh.
Có thể bạn quan tâm

Tại các chợ truyền thống, giá quả tươi đã bắt đầu rục rịch tăng. Cho dù giá thanh long tại các vườn ở tỉnh Bình Thuận đang rớt giá thê thảm, nhưng tại Hà Nội, giá thanh long vẫn tăng không ngừng. Cụ thể, giá thanh long ruột đỏ tại một số chợ hiện được bán 60.000 đồng/kg, thanh long thường có giá 35.000 đồng/kg.

Phú Vang là một trong những xã nghèo của huyện Bình Đại, với diện tích tự nhiên 997ha, trong đó diện tích đất sản xuất nông nghiệp là 641ha, dân số toàn xã 1.184 hộ, trong đó có 189 hộ nghèo chiếm tỷ lệ 16,13%. Kinh tế chủ yếu là trồng lúa và dừa, tiềm năng về nuôi thủy sản với hình thức xen canh khá mạnh nhưng chưa được đầu tư khai thác có hiệu quả, chủ yếu là hình thức nuôi nhử tôm, cá từ tự nhiên hiệu quả thấp.

Từ một xã gặp nhiều khó khăn sau khi chia tách, nhưng bằng sự quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và sự đồng thuận của nhân dân, nên qua 15 năm phát triển, xã Vị Trung, huyện Vị Thủy đã có nhiều thay đổi, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện.

Qua 1 vụ nuôi từ 9 - 12 tháng, hào đạt từ 0,5 – 0,7 con/kg, ông bán với giá 14.000 đồng/kg, sau khi trừ các khoản chi phí ông thu lãi hơn 40 triệu đồng. Năm 2013, ông tiếp tục mở rộng diện tích tôn lên 1.050 mét và chia ra nuôi nhiều đợt để có sản phẩm thu hoạch tiêu thụ hàng ngày, hàng tuần nhằm vừa đảm bảo thời gian thu hoạch vừa nuôi tiếp những kỳ tiếp.

Để phát triển ngành nông nghiệp theo hướng bền vững, Hợp tác xã Sản xuất - kinh doanh tổng hợp xã Điện Quang (Điện Bàn) đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hình thành các vùng chuyên canh tập trung, tăng thu nhập cho người dân.