Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Mùa Chôm Chôm Kém Vui!

Mùa Chôm Chôm Kém Vui!
Ngày đăng: 15/06/2013

Điệp khúc “được mùa, mất giá” là nỗi lo sợ của bà con nông dân nói chung và những người trồng cây ăn trái nói riêng. Mùa chôm chôm năm nay cũng vậy, nhiều người đầu tư vốn liếng, công sức vào vườn cây với hy vọng sẽ thu được lợi nhuận. Thế nhưng, khi đến vụ thu hoạch thì chôm chôm bị rớt giá thê thảm, không tìm được đầu ra khiến nhiều nông dân đang hết sức băn khoăn.

Trước Tết Đoan ngọ (mùng 5.5 AL), hàng trăm nhà vườn trồng chôm chôm ở huyện Hoà Thành “than trời” vì trái chôm chôm hiện nay rớt giá thê thảm- chưa đến 3.500 đồng/kg. Thậm chí, việc tìm đầu ra cho trái chôm chôm cũng rất khó khăn, bởi có ít thương lái đến tận vườn mua như những năm trước đây.

Ấp Trường Lưu, xã Trường Đông là nơi có số diện tích trồng chôm chôm khá lớn của huyện. Trên các con đường trong xóm, đâu đâu cũng thấy chôm chôm đang chín đỏ cây. Có những cây chôm chôm trái chín từ màu đỏ tươi đã chuyển sang màu đỏ bầm, nhưng nhà vườn vẫn chưa thể hái bán vì thương lái không chịu mua.

Chú Nguyễn Văn Gấm- một người làm vườn lâu năm tại ấp Trường Lưu than thở, với giá chôm chôm mà thương lái mua tại vườn có giá dao động chỉ từ 2.200 đồng đến 3.500 đồng/kg, sau khi trừ chi phí phân bón, thuốc trừ sâu, công lao động… thì nhà vườn gần như chẳng còn lời lóm gì. Cũng có nhiều nhà vườn do chán nản với giá chôm chôm quá “bèo” nên không muốn thu hoạch, cứ để trái chôm chôm “treo” trên cây phó mặc cho trời.

Tại vườn chôm chôm gia đình ông Vương Văn Du, ấp Trường Lưu, xã Trường Đông, đang thu hoạch với sản lượng trên dưới 17 tấn trái, nhưng cũng chỉ bán được 3.200 đồng/kg. Ông than phiền: “Gia đình tôi sống nhờ vào vườn chôm chôm này thôi, cứ nghĩ năm nay chôm chôm được mùa hy vọng sẽ có lời khá để mua cặp bò về nuôi. Nhưng với giá cả hiện nay thì đến cái đuôi bò cũng mua không nỗi”.

Còn tại xã Phước Đông, huyện Gò Dầu thì giá chôm chôm mà các thương lái đến vườn mua chỉ có 2.000 đồng/kg- thấp hơn khá nhiều so với giá mua tại các vườn chôm chôm ở xã Trường Đông. Giá thấp, nhà vườn mang chôm chôm ra chào bán ngoài đường, thậm chí có vườn còn thu hút khách bằng cách cho khách vào vườn hái trái.

Theo ông Trương Văn Rưa- Chủ tịch UBND xã Phước Đông, trước tình trạng giá chôm chôm như năm nay, người nông dân coi như không có lời- thậm chí có thể lỗ cả tiền phân bón đầu tư. Cũng theo ông Rưa, năm nay ngoài chôm chôm rớt giá, các loại hoa màu khác như bầu, bí cũng rơi vào cảnh tương tự khiến đời sống người nông dân càng khó khăn hơn.

Theo một số nhà vườn, một trong những nguyên nhân khiến chôm chôm năm nay “rớt giá” là do cung vượt cầu. Trước tiên là do nhà vườn trồng chôm chôm thường điều chỉnh thời gian ra trái và thu hoạch vào tháng 6 dương lịch, bởi thời điểm này trùng Tết Đoan Ngọ, mức tiêu thụ nhiều và giá cao. Tuy nhiên, do hầu hết nhà vườn canh cho chôm chôm ra trái và thu hoạch cùng một thời điểm nên dẫn đến tình trạng “dội hàng” vì sản lượng tăng cao.

Kế đến là chôm chôm Tây Ninh năm nay “đụng hàng” với chôm chôm từ Long Khánh (Đồng Nai) và miền Tây ồ ạt đưa về tiêu thụ càng khiến cho nguồn cung tăng vọt trong khi nhu cầu tiêu thụ thì có hạn. Hơn nữa, những năm trước, chôm chôm Tây Ninh thường chín trước các tỉnh lân cận, thu hoạch sớm và bán được trước khi chôm chôm “nhập” đưa về. Năm nay chôm chôm Tây Ninh lại chín cùng lượt chôm chôm tỉnh ngoài, khiến tình trạng “dội hàng” phát sinh “đột biến”. Chôm chôm bị rớt giá là điều tất nhiên.

Hiện nay, nhiều nhà vườn trồng chôm chôm ở Tây Ninh phải “tự thân vận động” để giảm bớt phần nào lỗ lã. Thiết nghĩ, để chôm chôm và nhiều mặt hàng nông sản khác có được đầu ra ổn định đòi hỏi phải có sự hỗ trợ của các ngành chức năng liên quan trong việc định hướng sản xuất phát triển, tìm thị trường. Chứ để người nông dân “tự bơi” thì họ có thể “đối mặt” với cảnh trắng tay do tình trạng “được mùa, mất giá” mà những hộ nông dân trồng chôm chôm hiện nay đang gặp phải.


Có thể bạn quan tâm

Tôm Chết, Người Nuôi Tôm Gặp Khó Khăn Tôm Chết, Người Nuôi Tôm Gặp Khó Khăn

Nhiều ngày nay, ở Quảng Trị, người nuôi tôm ở các xã Trung Giang, huyện Gio Linh và Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh đang điêu đứng vì tôm đột nhiên nhiễm bệnh, chết hàng loạt khi chưa đến thời điểm thu hoạch

22/06/2012
Vua Dúi Ở Vĩnh Phúc Vua Dúi Ở Vĩnh Phúc

Sau những thất bại tưởng chừng không gượng dậy được, nhưng với sự quyết tâm làm giàu, anh Dương Văn Phương ở thôn Lâm Xuyên, xã Tam Hồng (Yên Lạc, Vĩnh Phúc) đã vươn lên bằng 20 triệu đồng vốn để nuôi… dúi. 5 năm sau anh trở thành chủ nhân sở hữu một trang trại dúi trị giá hàng tỷ đồng và được Chương trình VTV6 đặt tên cho một phóng sự đã phát sóng trên kênh truyền hình VTV6 là “Vua Dúi Việt Nam”.

11/06/2012
Nhà Màng Trong Sản Xuất Rau Sạch Nhà Màng Trong Sản Xuất Rau Sạch

Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam vừa giới thiệu hệ thống nhà màng công nghệ cao dùng để trồng rau sạch, đặc biệt là các loại rau ăn lá. Do sử dụng chất liệu màng thay cho kính để làm nhà trồng rau nên giá thành giảm, các loại sâu bọ cũng không thể vào được. Độ ẩm trong nhà màng luôn được giữ ổn định từ 75-80%, bảo đảm sự sinh trưởng cho cây

26/11/2011
Lợi Ích Kép Từ Xử Lý Rơm Rạ Sau Thu Hoạch Lợi Ích Kép Từ Xử Lý Rơm Rạ Sau Thu Hoạch

Một trong những nguyên nhân khiến năng suất lúa còn thấp là do thói quen sạ (cấy) khi gốc rạ dưới ruộng chưa hoại mục, gây ngộ độc cho đất, để lại nguồn sâu bệnh từ vụ trước. Mặt khác, khi đời sống người nông dân được nâng cao thì rơm, rạ đã ít được tận dụng làm chất đốt trong sinh hoạt

23/06/2012
Nuôi Heo Trở Thành Tỷ Phú Nuôi Heo Trở Thành Tỷ Phú

Các mô hình chăn nuôi lợn có rộng khắp cả nước, song cách từng bước đi lên xây dựng trang trại của anh Bùi Văn Hồng, tại xã Bình Tâm, huyện Châu Thành (tỉnh Long An) đã mang hiệu quả kinh tế cao, là tấm gương điển hình đang được nhiều người dân học hỏi

27/11/2011