Mùa cào hến

Nghề cào hến hoạt động quanh năm nhưng cao điểm là vào mùa khô, từ con nước tháng 10 đến tháng tư năm sau. Lúc này hến nhiều, con mập mạp và thịt rất ngon. Thường người ta đi cào vào buổi sáng, chiều ở nhà luộc hến lấy thịt. Mỗi ghe cào bao giờ cũng cần 2 người, có ghe chồng cào vợ bơi, cũng có khi con bơi cha cào.
Cào hến là một nghề rất vất vả, đòi hỏi người làm công việc này phải có sức dẻo dai. Có người dùng một cây sào dài, đầu sào gắn liền với một bàn cào lưỡi sắt hình chữ nhật và một cái vợt lưới sâu để cào. Có người dùng vợt lưới cào hai bên bờ sông hoặc ngậm ống hơi lặn sâu xuống đáy sông để cào.
Đợi cho con nước vừa ròng, hai cha con anh Võ Văn Hùng, nhà ở ấp Vĩnh Phúc, bơi xuồng dọc theo các dòng sông. Con trai anh, 14 tuổi, cầm dầm ngồi ở phía trước cứ rà tới rà lui, còn anh thì quần đùi, lưng trần, đứng ở mũi xuồng cầm cây sào quăng ra xa, đợi đến khi bàn cào chìm ngập xuống đáy sông mới khom lưng dùng hết sức mình để kéo cây sào, lôi lên một túi bùn và rác rến nặng cả chục ký.
Sau khi dạo qua dạo lại vài lần dưới nước cho trôi bớt bùn, anh mới nghiêng chiếc vợt đổ vào khoan xuồng tất cả những gì còn lại, mỗi lần như vậy, anh lựa ra được 1 - 2 ký hến. Cứ thế lại tiếp tục cào cho tới khi con nước lớn mới quay xuồng trở về.
Anh Hùng quệt mồ hôi trán rồi quay sang tôi: “Hôm nào trúng, kiếm cũng được vài ba giạ. Bình quân mỗi giạ cho 6 ký hến thịt, bán với giá từ 13.000 đồng đến 20.000 đồng/ký, tùy theo thời điểm”.
Hến cào lên được phân ra làm hai loại. Loại nhỏ bán cho vịt ăn hoặc làm mồi cho lươn nuôi hầm. Loại lớn cân cho các vựa hoặc tự luộc lấy thịt mang ra chợ bán. Các thành phố, thị trấn hiện nay là những nơi tiêu thụ thịt hến mạnh nhất.
Mấy năm gần đây, nhờ phong trào nuôi vịt và nuôi lươn phát triển mạnh nên giá hến cũng tăng theo. Anh Huỳnh Văn Thanh, ở xã Bình Chánh, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang cho biết một người cào giỏi bình quân mỗi ngày luộc được 20 - 30 ký hến thịt, thu nhập từ 100.000 - 150.000 đồng.
Hến tuy là món ăn dân dã nhưng thịt rất ngon, ngọt. Các bà nội trợ có thể chế biến hến thành nhiều món ăn đặc sản như: cơm hến, hến xào mỡ hành, xào sả ớt, nấu canh chua, canh hẹ… Chính nhờ vậy mà các bà nội trợ, nhất là các bếp nghèo coi hến là một trong những món ăn phổ biến hàng ngày.
Nhiều người từng gắn bó với nghề cào hến tâm sự: Nghề cào hến tuy dễ kiếm tiền nhưng vô cùng nặng nhọc, nắng mưa cũng phải cào, vì ngày nào không xuống xuồng thì không có tiền lo cho con ăn học.
Hiện nay, đối với những bà con nông dân đang thiếu đất canh tác, chưa tìm được một nghề ổn định, bên cạnh nghề nuôi lươn, nuôi cá thì nghề cào hến đã góp phần giải quyết công ăn việc làm cho bà con và ổn định cuộc sống cho nhiều gia đình trong diện xóa đói giảm nghèo.
Có thể bạn quan tâm

Ngày 3.9, hơn 200 điển hình tiên tiến từ các tỉnh thành trong cả nước đã tề tựu về “điểm hẹn” khách sạn La Thành (Hà Nội). Chưa kịp giũ sạch bụi đường xa, một số đại biểu vẫn vui vẻ chia sẻ với PV Dân Việt.

Với nhiều cán bộ từ miền xuôi lên và đang công tác ở huyện miền núi huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi) thì sâm cau được gọi là cây "nhớ vợ". Bởi lẽ theo họ, một khi đã uống sâm cau thì chỉ muốn về nhà "thăm" vợ.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Bhling Mia - Chủ tịch UBND huyện Tây Giang, tự hào: “Xã Anông chúng tôi đã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) vào cuối năm 2014. Đây là xã miền núi đạt chuẩn đầu tiên của tỉnh Quảng Nam. Nhờ NTM, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 69,69% năm 2010 xuống còn 39,34% hiện nay.

Dự báo thời tiết trong những ngày tới tại khu vực miền Trung sẽ là nắng ráo, thuận lợi cho nông dân thu hoạch vụ lúa hè thu đang mùa chín rộ.

Góp sức làm nên cuộc Cách mạng Tháng 8 thành công, không thể không kể đến các địa danh đỏ - là nơi nuôi giấu cán bộ, là nơi tập hợp những cán bộ, chiến sĩ ưu tú. Trước đã anh dũng, kiên cường, còn nay các địa chỉ đỏ vẫn sáng ngời trên con đường phát triển kinh tế, làm giàu cho quê hương.