Mùa Cá Đắng

Nhiều loại cá nước ngọt hiện đang vào vụ thu hoạch, nguồn cung dồi dào khiến giá bán giảm sâu. Không ít nông dân lo trắng tay vì có thể thua lỗ đến hàng trăm triệu đồng.
Theo ông Nguyễn Thanh Tú, Phó ban Quản lý chợ Hóa An (TP.Biên Hòa), giá các loại cá nước ngọt giảm mạnh vì cá nội tỉnh đang vào mùa thu hoạch và cá từ các tỉnh miền Tây cũng đang đổ về rất nhiều. Cá “dội chợ” vì nguồn cung dồi dào, trong khi sức mua lại giảm khoảng 25-30% so với cùng kỳ năm ngoái.
* Cá nước ngọt rớt giá, tồn hàng
Ông Lê Vân Đình, nông dân nuôi cá tại huyện Vĩnh Cửu, cho biết với diện tích mặt nước khoảng 7 hécta, những năm trước toàn bộ số cá ở đây chỉ bán trong vòng nửa tháng, thì nay kéo dài từ Tết Nguyên đán đến giờ chưa xong.
Mức giá sàn chung cho các loại cá trê, rô phi, trắm… giảm xuống chỉ còn 13 ngàn đồng/kg. Mỗi mẻ lưới, thương lái chỉ chọn những con đạt chuẩn nên càng để lâu giá thành càng cao. Việc bán cá kéo dài làm chi phí nhân công, thức ăn bị đội lên trong khi con cá bị chựng lại, không tăng trưởng thêm do bị “động” ao.
Ông Nguyễn Hoàng Vĩnh, Chủ nhiệm Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản Vĩnh Hưng (TP.Biên Hòa), lo lắng: “Hiện các xã viên còn khoảng 600 tấn cá lóc và rô phi đang chờ thương lái. Giá bán cá lóc đang ở mức 29 ngàn đồng/kg, cá rô 25 ngàn đồng/kg, nông dân lỗ khoảng 5 ngàn đồng/kg. Nhiều hộ nông dân đang đối mặt với một vụ thu hoạch thua lỗ hàng trăm triệu đồng”.
Anh Hoàng Viết Toàn, Trưởng ấp Sông Mây, xã Bắc Sơn (huyện Trảng Bom), cho biết: “Toàn ấp có gần 300 hộ nuôi cá với diện tích mặt nước khoảng 150 hécta. Đa số các ao đều đến thời điểm bán cá, nhưng nhiều hộ vẫn chưa kêu thương lái vì giá bán hiện quá thấp. Cá rớt giá ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân, vì đây là nguồn thu nhập chính của nhiều hộ gia đình”.
* Ám ảnh đầu ra
Ông Đỗ Đức Để, người có hơn 20 năm kinh nghiệm nuôi cá tại thị trấn Vĩnh An (huyện Vĩnh Cửu), chia sẻ: “Nông dân luôn thấp thỏm, bất an vì đầu ra quá bấp bênh. Năm nay lại càng khổ vì thời tiết bất ổn, chi cho đầu vào tốn kém hơn trong khi giá bán ra giảm mạnh. Hiện tôi không dám cho cá ăn nhiều vì càng đầu tư càng lỗ nặng”.
Anh Nguyễn Văn Phụng, người nuôi cá bè tại hồ Trị An, lo lắng: “Trước nay, giá cá nuôi bè trên sông Đồng Nai thường cao hơn so với cá ao. Trong đó, cá lăng bán tại bè được cả trăm ngàn đồng/kg. Vài năm trở lại đây, loại đặc sản này cũng liên tục rớt giá và hiện chỉ còn 60 ngàn đồng/kg, giảm 15 ngàn đồng/kg so với tháng trước”.
Theo đó, cá lóc nuôi bè cũng không cạnh tranh được về giá so với hàng từ miền Tây lên. Trước đây, làng cá bè ở khúc sông này có cả trăm hộ, nay chỉ đếm trên đầu ngón tay vì nhiều hộ bỏ nghề do thua lỗ.
Ông Thái Minh Chí, thương lái chuyên mua cá tại chợ Sông Mây (huyện Trảng Bom), nhận xét: “Trung bình mỗi ngày, tôi vẫn cung cấp khoảng 30 tấn cá về chợ đầu mối Bình Điền
(TP.Hồ Chí Minh), sản lượng không giảm so với những tháng trước, nhưng các tiểu thương ở chợ vẫn lấy lý do nguồn hàng dồi dào để giảm giá mua”.
Theo Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, toàn tỉnh hiện có 9.928 cơ sở, hộ nuôi trồng thủy sản. Tổng diện tích nuôi cá nước ngọt đạt khoảng 6.152 hécta, gồm nhiều loại cá, như: rô phi, lóc, trắm, chép, trôi… Ngoài ra, Đồng Nai cũng có 1.750 lồng/bè nuôi thủy sản. Giá trị sản xuất thủy sản quý I-2014 của tỉnh đạt khoảng 222 tỷ đồng, tăng trên 4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Có thể bạn quan tâm

Khoảng 6 năm trở lại đây, bí đỏ hồ lô đã trở thành nông sản mang lại thu nhập khá cho người dân xã Vạn Bình (huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa). Tuy nhiên hiện nay, thị trường tiêu thụ không ổn định, tư thương ép giá đã khiến người trồng bí gặp khó khăn...

Vụ lúa hè - thu năm 2014, toàn tỉnh đã xây dựng và duy trì mô hình cánh đồng lớn (CĐL) ở 25 địa phương trong tỉnh Trà Vinh, với diện tích 4.243,98ha/3.762 hộ tại các huyện Càng Long, Châu Thành, Tiểu Cần, Trà Cú, Cầu Ngang và Cầu Kè, hiện nông dân xuống giống đạt 100% diện tích, chủ yếu sử dụng các giống lúa chất lượng cao được ngành Nông nghiệp khuyến cáo như, OM 4900, OM6976, OM5451... lúa đang phát triển tốt.

Nông dân Tây Nguyên khi chọn giống cây trồng thường nghĩ và chọn ngay đến cây giống Eakmat, thuộc Viện Khoa học và Kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên.

Hiện nay, trong số 11.000ha đất nông nghiệp huyện, diện tích thanh long chuyển đổi từ đất lúa hơn 5.000ha, trong đó, từ năm 2010 đến nay tăng thêm 4.000ha, với sản lượng 50.000 - 70.000 tấn/năm. Long An trở thành một trong những tỉnh có diện tích thanh long nhiều nhất sau tỉnh Bình Thuận.

Việc một số doanh nghiệp (DN) xuất khẩu từ chối không tham gia thực hiện hợp đồng tập trung 800.000 tấn gạo sang Philippines có thể là điều chưa từng có từ năm 2008 trở lại đây.