Một Mô Hình Xen Canh Hiệu Quả

Sau 3 năm chọn cây ổi Đài Loan làm cây trồng xen canh trong vườn sầu riêng, chị Từ Thị Hạnh ở ấp Tân An, xã Tân Phong (huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) đã có nguồn thu nhập ổn định.
Trước đây, 10 công vườn của gia đình chị Hạnh trồng nhãn tiêu Huế, mận An Phước nhưng thu nhập khá bấp bênh, vì cây già cỗi cho năng suất kém, giá bán không ổn định. Năm 2011, chị cải tạo lại vườn chuyên canh sầu riêng. Được người quen giới thiệu giống ổi Đài Loan, chị chọn cây trồng này xen canh để lấy ngắn nuôi dài khi sầu riêng chưa cho thu hoạch. Bố trí mật độ cây trồng hợp lý trên cùng đơn vị diện tích đất canh tác, kinh tế gia đình chị ngày một ổn định với mô hình trồng xen.
Theo chị Hạnh, ổi Đài Loan là loại cây dễ trồng, ít tốn phân bón nên chi phí đầu tư thấp, chủ yếu định kỳ phun thuốc phòng trừ các loại rệp sáp và cung cấp đủ lượng nước cho cây. Ưu điểm của trái ổi Đài Loan là vỏ láng, nhiều nước, ít hạt, giòn ngọt và thơm ngon nên được thị trường ưa chuộng, đầu ra ổn định.
Đặc biệt, ổi Đài Loan rất thích hợp với những hộ muốn có thu nhập nhanh hoặc lấy ngắn nuôi dài khi chuyển đổi diện tích vườn tạp, vườn kém hiệu quả sang chuyên canh các loại cây trồng khác, bởi từ khi trồng đến thu hoạch chỉ mất khoảng 6 tháng.
Trên 10 công đất vườn với khoảng cách trồng sầu riêng cây cách cây 10m, chị Hạnh xen 400 gốc ổi Đài Loan. Ổi ra hoa nhiều và liên tục, tỷ lệ đậu trái và năng suất cao, thu hoạch quanh năm.
Để ổi cho trái to, bán được giá cao, chị Hạnh chăm bón kỹ từ lúc cây mới ra hoa, thường xuyên vun gốc, xới tơi đất để rễ cây ổi phát triển, đồng thời thường xuyên tỉa đọt và cho cây mang lượng trái vừa đủ. Khi trái ổi to bằng đầu ngón chân cái, chị dùng túi xốp thưa bọc bên trong và túi nylon bọc bên ngoài để hạn chế sâu bệnh gây hại cho ổi.
Nhờ cần mẫn chăm sóc nên vườn ổi của gia đình chị Hạnh lúc nào cũng xanh tốt, không bị sâu bệnh và cho trái quanh năm. Với giá bán dao động 7.000 đồng/kg - 15.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí chăm sóc, mỗi năm gia đình chị Hạnh thu lợi nhuận khoảng 400 triệu đồng.
Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ cây ổi Đài Loan, nông dân trong khu vực đã học hỏi kinh nghiệm và chọn ổi Đài Loan thay thế những cây trồng kém hiệu quả. Đáp ứng nhu cầu của bà con, chị Hạnh còn chiết nhánh bán cây giống và tận tình hướng dẫn kỹ thuật, để trồng đạt hiệu quả.
Những năm gần đây khi bệnh chổi rồng gây hại phần lớn diện tích vườn nhãn tiêu Huế - từng là loại cây trồng chủ lực ở xã Tân Phong, nhiều nông dân đã cải tạo vườn già cỗi, bị thiệt hại vì dịch bệnh chuyển sang cây trồng khác cho hiệu quả kinh tế cao. Cùng với sầu riêng, chôm chôm, nhãn Ido... ổi Đài Loan đang là cây trồng triển vọng được nông dân lựa chọn, góp phần đa dạng hóa cây trồng, nâng cao hiệu quả kinh tế vườn trên vùng đất cù lao.
Có thể bạn quan tâm

Năm 2014, nhờ thực hiện tốt công tác phòng chống dịch trên đàn vật nuôi, nhất là các bệnh nguy hiểm như cúm gia cầm, lở mồm long móng, tai xanh trên gia súc nên tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt.

Nhơn Hải là một trong ba xã thuộc vùng Dự án Hỗ trợ Tam nông của huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận. Xác định việc được hưởng lợi từ dự án là điều kiện tốt để thúc đẩy phát triển kinh tế hộ gia đình, nên địa phương đã tập trung triển khai hợp phần hỗ trợ sản xuất có hiệu quả.

Mô hình vịt bầu cổ xanh sinh sản được triển khai tại 4 xã: Bảo Linh, Bảo Cường, Kim Sơn và Linh Thông, quy mô 1.600 con với 18 hộ tham gia (trung bình từ 50 con/ hộ trở lên). Thời gian thực hiện mô hình được duy trì thực hiện trong 2 năm (2014 - 2015).

Bà Nguyễn Thị Phương, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quỳnh Phụ cho biết: Hiện nay, trên địa bàn huyện có 1.151 gia trại và 206 trang trại đã được UBND huyện cấp giấy chứng nhận theo Thông tư số 27 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; trong đó có 7 trang trại tổng hợp quy mô từ 2ha trở lên, chủ yếu chăn nuôi lợn, gà, tập trung nhiều nhất ở hai xã Quỳnh Hội và An Vinh. Một trang trại đầu tư bình quân từ 1 - 5 tỷ đồng, đạt doanh thu trên 1 tỷ đồng/năm.

Đây là thông tin của Tổ chức Động vật Châu Á phối hợp với Chi cục Kiểm lâm Tỉnh Quảng Ninh công bố sau khi thực hiện kiểm tra, đánh giá sức khỏe sơ bộ gấu nuôi nhốt tại ba trang trại tại thành phố Hạ Long. Theo kết quả đánh giá, thực trạng tại các trại nuôi gấu tư nhân ở Quảng Ninh là đáng báo động với nhiều cá thể gấu còn lại có nhiều vết thương trên cơ thể, bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng và đang bị bỏ đói.