Mòn Mỏi Chờ Tiền Cung Ứng Gạo

Năm nay, đến thời điểm này, hầu hết các DN cung ứng gạo cho chương trình dự trữ quốc gia 2014 đều đang dài cổ chờ được ngành dự trữ thanh toán tiền.
Tháng 3 năm nay, cùng với nhiều DN khác, DNTN Thanh Lịch (Đồng Tháp) đã tham gia đấu thầu cung ứng gạo cho chương trình mua gạo dự trữ quốc gia (kế hoạch 2014). Chương trình do các Cục Dự trữ Nhà nước trực thuộc Tổng cục Dự trữ Nhà nước thực hiện.
Kết quả, DN đã trúng thầu cung ứng tổng cộng khoảng 1.500 tấn gạo cho các Cục Dự trữ Nhà nước khu vực tỉnh, thành phố Hải Phòng, Bắc Thái và Tuyên Quang. Song tới nay, DN vẫn chưa được thanh toán tiền...
Cụ thể từ tháng 4/2014, DNTN Thanh Lịch đã bắt đầu tiến hành giao gạo cho các Cục Dự trữ nói trên. Lúc này, DN gặp khó khăn lớn do cước vận tải tăng bởi Bộ GT-VT tiến hành xiết tải trọng. Chẳng hạn, cước chở gạo từ Hải Phòng (nơi tập kết gạo từ ĐBSCL đưa ra miền Bắc theo đường biển) đi Hải Dương tăng 50 đ/kg, đi Hà Nội tăng 100 đ/kg, đi Điện Biên tăng 500 đ/kg …
Trong khi đó, do Bộ Tài chính tính giá sàn gạo chương trình dự trữ quốc gia 2014 rất sát với giá thị trường, nên ở thời điểm trúng thầu, các DN chỉ lời khoảng 50-100 đ/kg. Vì thế, từ ngày 1/4, khi giá cước tăng lên, hầu hết các DN không có lời, thậm chí còn bị lỗ, có DN bị lỗ nặng.
Tuy nhiên, cũng như các DN khác, DNTN Thanh Lịch đã cố gắng thực hiện giao đủ gạo cho các đơn vị của Tổng cục Dự trữ Nhà nước theo đúng như hợp đồng là từ ngày 1/4 đến hết 31/5. Mà chủ yếu là giao gạo trong tháng 4. Các DN đều hy vọng sớm được Tổng cục Dự trữ Nhà nước thanh toán đầy đủ và nhanh chóng tiền như những năm trước đây.
Ông Trần Bảo Toàn, GĐ DNTN Thanh Lịch, cho biết, DN của ông đã tham gia cung ứng gạo cho chương trình dự trữ quốc gia hàng năm, từ năm 1998 đến nay, năm cao nhất cung ứng tới 14.000 tấn. Nhìn chung, năm nào ngành dự trữ cũng tiến hành thanh toán tiền cho các DN khá nhanh chóng, chỉ khoảng 15 ngày sau khi giao đủ gạo là đã được thanh toán tiền, khi nào chậm thì cũng chỉ 20 ngày đến 1 tháng trở lại.
Hiện nay, các DN cung ứng gạo cho chương trình dự trữ quốc gia 2014 chỉ còn biết đề nghị Tổng cục Dự trữ Nhà nước và Bộ Tài chính có trách nhiệm trong việc thanh toán sớm và đầy đủ tiền cho các DN, khi mà họ đã hoàn thành trách nhiệm cung ứng gạo theo hợp đồng.
Nhưng năm nay, đến thời điểm này, hầu hết các DN cung ứng gạo cho chương trình dự trữ quốc gia 2014 đều đang dài cổ chờ được ngành dự trữ thanh toán tiền. Với những DN đến cuối tháng 5 mới thực hiện xong hợp đồng cung ứng gạo, thì cũng đã phải chờ trên 1 tháng. Còn những DN thực hiện hợp đồng ngay từ đầu tháng 4, thời gian chờ đợi đã là 3 tháng.
Ông Trần Bảo Toàn bức xúc: “Tiền mua gạo để cung ứng cho chương trình dự trữ quốc gia, chúng tôi đều phải thế chấp nhà xưởng để vay tiền ngân hàng với lãi suất 10-12%/năm. Tháng nào chúng tôi cũng phải trả lãi ngân hàng trên 100 triệu đồng.
Trong bối cảnh khó khăn vì giá cước tăng cao, DN bị lỗ nặng, nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm thực hiện đúng hợp đồng. Vậy mà đến nay, đã 2 tháng trôi qua, DN của tôi vẫn chưa được thanh toán một đồng nào từ Tổng cục Dự trữ Nhà nước”.
Phải gồng mình trả lãi ngân hàng do bị ngành dự trữ chậm trễ thanh toán tiền bạc, nhưng các DN chỉ biết kêu trời, bởi hợp đồng cung ứng gạo cho chương trình dự trữ quốc gia mang nặng tính áp đặt từ Tổng cục Dự trữ Nhà nước.
Ông Trần Bảo Toàn cho hay, trong các hợp đồng đều ghi: “Khi nào các cục dự trữ lấy được tiền của Nhà nước thì trả cho các DN bán gạo”. Với điều khoản này, nếu ngành dự trữ chậm trễ thanh toán 2 tháng, 3 tháng hay lâu hơn nữa thì có lẽ các DN cung ứng gạo chỉ còn biết tiếp tục cắn răng trả lãi ngân hàng mà thôi.
Ngoài ra, theo ông Trần Bảo Toàn, mỗi năm, Tổng cục Dự trữ tiến hành mua khoảng 200 ngàn tấn gạo cho chương trình dự trữ quốc gia, thì nên giao thẳng cho 2 Tổng công ty lương thực Nhà nước.
Theo đó, Nhà nước sẽ ứng vốn 100%, không tính lãi suất cho 2 Tổng công ty này để thực hiện cung ứng gạo dự trữ quốc gia. Ở những nơi xung yếu, chỉ cần dự trữ sẵn 10 ngàn tấn. Khi cần gạo, Nhà nước chỉ cần báo trước 5 ngày là sẽ có đủ gạo theo yêu cầu. Như vậy sẽ giảm được chi phí bảo quản, bù lỗ, hao hụt, tiêu cực (có thể có) trong đấu thầu mua gạo cho chương trình dự trữ quốc gia như hiện nay.
Có thể bạn quan tâm

Ở Phú Yên, phân bò đang trở nên đắt hàng, được xuất bán ra nhiều tỉnh. Có những thời điểm mưa kéo dài, giá phân bò xuống thấp nhưng nhiều người vẫn đổ xô đem bán, trong khi đó các cánh đồng đang kiệt sức vì thiếu phân bò làm ”vốn” dinh dưỡng.

Thống kê sơ bộ của Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), mỗi địa phương vùng ĐBSCL canh tác khoảng 20-30 giống lúa khác nhau cho mỗi vụ lúa. Nhiều ý kiến cho rằng: Trong cùng một cánh đồng, sản xuất nhiều giống khác nhau khiến chất lượng lúa gạo không đồng đều và giá trị thương mại của sản xuất lúa gạo không cao.

Nhằm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng thêm thu nhập cho bà con nông dân, Hội Nông dân xã Thiện Nghiệp (TP. Phan Thiết - Bình Thuận) triển khai thí điểm mô hình trồng nấm rơm bước đầu đem lại hiệu quả.

Khi nói đến cây Thanh long ruột đỏ, ít ai có thể tin rằng nó lại có thể bén rễ trên những mảnh đất vườn tạp, đất đồi của xã Tân Quang (Bắc Quang - Hà Giang). Từ những mô hình đầu tiên của Trạm Khuyến nông huyện trồng khảo nghiệm cách đây vài năm, đến nay đã có nhiều hộ mạnh dạn trồng loại cây này theo quy mô lớn.

Vì vậy, những thành công từ Dự án "Sản xuất hạt giống lúa lai F1" giai đoạn 2011-2013 do Trung tâm Khuyến nông quốc gia thực hiện đã góp phần mở rộng diện tích lúa lai thương phẩm, tiến tới chủ động sản xuất hạt giống trong nước.