Mở Trại Nuôi Chim Trĩ

Tốt nghiệp đại học ngành Việt Nam học nhưng anh Trần Minh Thiệp ở thôn Cẩm Lãnh (Tiên Cẩm - Tiên Phước - Quảng Nam) lại đam mê nuôi chim trĩ. Đây là trại nuôi chim trĩ đầu tiên ở Quảng Nam và đang gặt hái được nhiều thành công.
Cuộc sống của người dân Cẩm Lãnh trong những năm gần đây có phần khởi sắc hơn là nhờ vào cây keo. Thiệp cũng trồng được hơn 20.000 cây keo 2 năm tuổi, ước tính trong vòng 4 - 5 năm nữa, anh có thể thu nhập vài trăm triệu đồng từ cây keo. Tuy nhiên, không dừng lại ở đó, với niềm đam mê động vật hoang dã từ nhỏ, cộng với việc nghiên cứu tìm tòi qua sách báo, anh đã quyết định đầu tư nuôi chim trĩ. Để có tiền mua con giống, anh không ngần ngại bán chiếc xe máy được 30 triệu đồng, sau đó vay mượn thêm của người thân mua 50 con giống gần 1 tháng tuổi.
Sau gần 8 tháng kiên trì chăm sóc, theo dõi đến nay 30 con chim trĩ mái của anh bắt đầu sinh sản và cho thu nhập. Anh tiếp tục đầu tư 6 triệu đồng để mua máy ấp trứng nhằm nhân rộng số lượng chim trĩ, cung cấp nhu cầu con giống và thịt cho thị trường. Trung bình 1 con chim trĩ mái có thể đẻ từ 80 - 120 trứng/năm, tỷ lệ nở và sống khỏe mạnh đạt khoảng 100 con. Hiện nay, mỗi con chim 10 ngày tuổi anh bán ra thị trường với giá 90 nghìn đồng. Thị trường cung cấp con giống của anh chủ yếu ở các huyện trong tỉnh và TP.Đà Nẵng.
Thiệp cho biết anh bắt đầu nuôi chim trĩ từ tháng 6/2012, đến nay đã gần hoàn lại vốn. Chim trĩ dễ nuôi, không khác nuôi gà là mấy nhưng con giống này có sức đề kháng tốt, ít dịch bệnh và ăn ít. Trung bình một ngày 39 con cả trống lẫn mái chỉ ăn hết gần 2kg lúa, ngoài ra anh còn cho ăn thêm rau xanh hoặc chuối cây băm nhỏ. Hiện trại nuôi chim của anh chỉ đủ cung cấp con giống cho thị trường, còn thịt thương phẩm thì chưa có. Trong khi đó, giá thịt thương phẩm hiện nay trên thị trường từ 300 - 400 nghìn đồng/kg, vì thế anh dự định sẽ nhân rộng mô hình bằng cách giữ lại 1.000 con giống để nuôi lấy thịt nhằm đáp ứng những đơn đặt hàng từ trước. Chim trĩ chỉ cần nuôi từ 3 - 4 tháng là có thể cho trọng lượng từ 1,5 - 2kg thịt.
Thấy anh Thiệp nuôi chim trĩ thành công, nhiều nông dân trong và ngoài tỉnh đã tìm tới muốn được học hỏi kinh nghiệm. Anh sẵn lòng chia sẻ, tư vấn kỹ thuật mà mình đã tìm tòi trong sách vở và tích lũy kinh nghiêm từ thực tế, đồng thời còn hỗ trợ về nguồn giống cho thanh niên bằng việc chỉ lấy 70% tiền mua giống, phần còn lại thu sau khi con giống đã phát triển. Ngoài việc làm kinh tế giỏi, anh Thiệp còn là một đoàn viên năng nổ trong các phong trào hoạt động của thanh niên địa phương.
Chị Nguyễn Thị Thắm - Bí thư Đoàn xã Tiên Cẩm nhận xét: “Thiệp là một đoàn viên rất nhiệt tình trong các hoạt động của Đoàn, mô hình trại nuôi chim trĩ của Thiệp là một mô hình mới lạ tại địa phương và có hiệu quả cao. Sắp tới chúng tôi có kế hoạch tổ chức cho thanh niên trong xã tới tham quan, đồng thời mở lớp tập huấn mời Thiệp tư vấn kỹ thuật cho anh em”.
Có thể bạn quan tâm

Năm 2014, huyện Yên Định (Thanh Hóa) có 874 trang trại, gia trại (TT, GT) trong đó có 97 TT đạt tiêu chí theo Thông tư 27 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Các TT, GT của huyện chủ yếu phát triển chăn nuôi lợn nái ngoại (86 TT, GT); 13 TT, GT nuôi gia cầm; 40 TT, GT nuôi trồng thủy sản; 4 TT, GT trồng cây hàng năm và cây lâu năm, còn lại là các TT, GT tổng hợp.

Gần một tháng qua, giá thịt heo hơi trên địa bàn Hoài Ân (Bình Định) lao dốc. Hiện giá bán tại chuồng chỉ 33.000 - 34.000 đồng/kg, trong khi năm 2014 giá luôn dao động trên 43.000 đồng/kg, có thời điểm lên 46.000 đồng/kg. Do vậy, bình quân mỗi con heo trọng lượng 70kg, người chăn nuôi lỗ hàng triệu đồng. Theo các hộ chăn nuôi, giá heo hơi khoảng 40.000 đồng/kg thì chăn nuôi mới có lãi.

Anh Phạm Văn Túy ở thôn Văn Hanh, xã Lê Lợi (Kiến Xương - Thái Bình) là người say mê với việc chăn nuôi. Năm 2012, qua tìm hiểu, thấy thỏ dễ nuôi, ít dịch bệnh, chi phí đầu tư thấp, đầu ra ổn định, anh quyết định mua 20 con thỏ giống về nuôi thử nghiệm và tự nhân giống. Từ 20 con ban đầu, chỉ sau 2 năm anh đã có 300 ô chuồng nuôi 120 con thỏ đẻ, 600 - 700 thỏ con, có thời điểm lên tới hơn 1.000 thỏ con.

Trong những ngày gần đây, không khí lạnh trực tiếp ảnh hưởng đến các tỉnh Bắc bộ gây rét đậm, rét hại. Vùng núi có nơi nhiệt độ xuống dưới 1 độ C, xuất hiện mưa tuyết. Các tỉnh miền núi phía Bắc đang tập trung hướng dẫn người chăn nuôi giữ ấm, dự trữ thức ăn cho đàn gia súc, gia cầm, hạn chế thiệt hại do thời tiết bất lợi gây ra.

Một số xã vùng đất bãi thuộc khu vực đồng bằng sông Hồng, người dân đang tận dụng đất bỏ hoang và chuyển một phần đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng cỏ nuôi bò sữa. Đây là mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao và giúp người dân ổn định cuộc sống, từng bước làm giàu.