Mở Rộng Kênh Phân Phối Gà Đồi Yên Thế

Theo thống kê của UBND huyện Yên Thế, tổng đàn gà trên địa bàn hiện đạt 3,9 triệu con với khoảng 12 nghìn hộ chăn nuôi. 11 tháng qua, Yên Thế đã cung cấp hơn 7,6 triệu con gà (tương đương 13 nghìn tấn thịt) ra thị trường Hà Nội, Bắc Giang, Hải Dương, Nam Định...
Tuy nhiên, giá gà không ổn định, có lúc 75 nghìn đồng/kg nhưng có thời điểm chỉ còn 40 nghìn đồng/kg khiến nhiều gia đình không dám tái đàn. Phần lớn gà lông được tiêu thụ ở chợ truyền thống, còn gà chế biến bán tại trung tâm thương mại, siêu thị chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Thực tế này đặt ra vấn đề cần phải khai thác các kênh phân phối, cải tiến, đa dạng sản phẩm đã qua chế biến làm tiền đề cho đầu ra thuận lợi.
Bà Nguyễn Thị Tâm, Giám đốc Công ty cổ phần Giang Sơn (Yên Thế) cho biết, sản phẩm gà chế biến khó tiêu thụ một phần là do tâm lý, thói quen của người tiêu dùng. Ngay tại cửa hàng của Công ty ở TP Hà Nội, dù giá không chênh lệch nhiều nhưng khách hàng thường chọn mua gà lông mà ít khi mua gà đã qua chế biến. Song đại diện một số siêu thị, trung tâm thương mại lớn lại cho rằng sản phẩm gà đồi Yên Thế khó tiêu thụ còn do có những hạn chế nhất định.
Ví như khi vào siêu thị, người tiêu dùng chỉ cần mua một phần của con gà như: Cánh, đùi hay lườn, nhưng đối với sản phẩm gà đồi Yên Thế thì phải mua cả con. Để gà đồi Yên Thế tiêu thụ mạnh tại các siêu thị, trung tâm thương mại lớn thì doanh nghiệp cần linh hoạt hơn trong chế biến, có thể chia nhỏ từng phần con gà bán riêng. Bên cạnh đó, chất lượng gà thịt cũng cần được nâng cao hơn.
Theo nhận định của ông Trương Minh Thanh, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty cổ phần Thương mại Hà Nội thì hệ thống khách sạn 4 sao, 5 sao hay các resort ở Hà Nội và một số tỉnh khu vực phía Bắc là thị trường tiềm năng đối với doanh nghiệp chế biến gà đồi Yên Thế. Tổng Công ty sẵn sàng đứng ra làm cầu nối giúp doanh nghiệp chế biến gà đồi Yên Thế tiếp cận các đơn vị này.
Để nâng cao chất lượng gà thương phẩm, huyện Yên Thế đã triển khai thực hiện Đề án hỗ trợ phát triển chăn nuôi gà đồi theo hướng VietGAP giai đoạn 2013-2015. Mới đây, Công ty cổ phần Giang Sơn đã được Trung tâm Chất lượng nông lâm thủy sản vùng 1 (Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản) trao giấy chứng nhận VietGAP. 80 hộ chăn nuôi (tại xã Đồng Tâm) của Công ty có sản lượng 480 nghìn con/năm (khoảng 1.000 tấn) được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Đây là tiền đề thuận lợi cho sản phẩm gà đồi Yên Thế xâm nhập các thị trường “khó tính”.
Nguồn bài viết: http://baobacgiang.com.vn/bg/kinh-te/134993/mo-rong-kenh--phan-phoi--ga-doi-yen-the.html
Có thể bạn quan tâm

Trong các ngày 22 và 23.10, Phòng NN&PTNT huyện Tiên Phước mời chuyên gia đầu ngành về mở lớp tập huấn kỹ thuật trồng, phòng ngừa sâu bệnh trên cây tiêu cho hàng chục nông dân trên địa bàn.

Vào cuối thu, huyện vùng cao Nam Trà My bước vào mùa mưa. Đây cũng là lúc cây sâm Ngọc Linh - cây sâm Việt Nam, thay lá rụng cành, tàn thân, chỉ còn lại rễ củ nằm giấu mình trong lớp mùn tơi xốp, trốn tránh mùa đông lạnh giá.

Giá tôm thẻ chân trắng hiện nay tại Bình Định dao động từ 100.000đ- 110.000đ/kg, so với các năm trước thì giá tôm giảm gần 30%.

Từng bước tự chủ nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi để giảm bớt phụ thuộc NK là một trong những giải pháp quan trọng giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành chăn nuôi trong hội nhập.

Thời gian tới Hội Doanh nhân VN tại Mỹ sẽ tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp VN trong việc mở rộng, thâm nhập thị trường Mỹ...