Mở Rộng Đối Tượng Xét Nghiệm Tôm Giống Miễn Phí

Nhằm nâng cao ý thức cho người nuôi tôm trong việc sử dụng tôm giống qua xét nghiệm, góp phần hạn chế dịch bệnh, đề án xét nghiệm bệnh tôm miễn phí cho hộ nghèo và cận nghèo được triển khai hơn 1 năm qua.
Tuy nhiên, qua thời gian thực hiện (từ đầu năm 2012 đến nay) chỉ có 3 hộ mang tôm đến xét nghiệm. Bên cạnh việc người dân chưa ý thức cao đối với việc xét nghiệm con giống trước khi thả nuôi còn có những nguyên nhân khác. Do ít phòng xét nghiệm, lại nằm tập trung ở TP Cà Mau, người dân các huyện khó khăn trong việc mang con giống đi xét nghiệm. Đề án chỉ hỗ trợ đối tượng hộ nghèo và cận nghèo, các đối tượng này không nhiều diện tích đất để nuôi tôm, nhu cầu con giống thả nuôi phải xét nghiệm không cao. Mặc dù đã được hỗ trợ tiền xét nghiệm nhưng chi phí đi lại gửi, lấy mẫu là một khoảng không nhỏ, điều kiện kinh tế hộ nghèo và cận nghèo khó thực hiện, nhất là những hộ ở vùng nông thôn.
Mặt khác, hiện nay nghề nuôi tôm công nghiệp và quảng canh cải tiến chưa phát triển mạnh, chủ yếu nuôi theo kiểu truyền thống thả con giống xen vụ, thu hoạch liên tục, nếu đợt này xét nghiệm, đợt sau không xét nghiệm thì sẽ có sự lây truyền mầm bệnh từ đợt trước tới đợt sau.
Trong khi đó, đề án quy định mỗi hộ dân được hỗ trợ xét nghiệm miễn phí 1 mẫu/năm, nhưng trong thực tế, người dân thả rất nhiều đợt trong năm. Đây cũng chính là nguyên nhân người dân chưa thật sự quan tâm đến đề án.
Theo ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, để đề án có tính khả thi cao, Sở NN&PTNT vừa trình UBND tỉnh cho điều chỉnh mở rộng đối tượng hỗ trợ cho tất cả các đối tượng nuôi tôm trên địa bàn tỉnh, cho tất cả các loại hình như quảng canh, quảng canh cải tiến, bán thâm canh và thâm canh được hỗ trợ 100% phí xét nghiệm bằng phương pháp PCR đối với bệnh còi, đốm trắng và đầu vàng. Mỗi hộ được hỗ trợ xét nghiệm 1 mẫu/năm, thời gian điều chỉnh đề án kéo dài đến tháng 6/2014.
Theo ngành chuyên môn, một trong những nguyên nhân khiến tôm nuôi ở Cà Mau liên tục bị dịch bệnh chết thời gian qua là chất lượng con giống kém. Phần lớn người dân không xét nghiệm con giống trước khi thả nuôi. Chính vì vậy, đề án xét nghiệm tôm giống miễn phí góp phần cùng bà con kiểm soát đầu vào, hạn chế dịch bệnh trên tôm.
Anh Dương Minh Chương, ấp Công Nghiệp, xã Lợi An, huyện Trần Văn Thời, bày tỏ, hiện nay dịch bệnh trên tôm nuôi xảy ra thường xuyên, do nguồn con giống kém chất lượng bày bán tràn lan trên thị trường.
Trước đây, chọn mua tôm giống thả nuôi theo cảm quan, mang tính hên xui, nay đề án xét nghiệm tôm giống miễn phí được mở rộng cho tất cả các hộ nuôi tôm, thật là điều đáng mừng. Đề án làm giảm đáng kể chi phí xét nghiệm, góp phần nâng cao chất lượng con giống khi người dân thả nuôi.
Theo ông Nguyễn Trường Giang, người nuôi tôm công nghiệp ở ấp Lung Lá, xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước, chi phí đi lại, xét nghiệm cho mẫu tôm nuôi là 500.000 đồng. Nay được Nhà nước hỗ trợ xét nghiệm tôm giống miễn phí thật đỡ cho người dân. Để thuận tiện việc đi lại cho bà con, ngành chức năng nên đặt các trạm xét nghiệm gần với khu dân cư, vùng nuôi tôm.
Anh Trần Hoàng Vũ, xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước, bộc bạch, từ trước tới giờ anh mua tôm giống theo kiểu “chà mù” nên thả nuôi thường gặp rủi ro. Nếu được xét nghiệm miễn phí, nhất định anh sẽ mang con giống đi xét nghiệm.
Mục tiêu của đề án là từng bước nâng cao ý thức của người nuôi tôm trong việc sử dụng tôm giống sạch bệnh, góp phần hạn chế dịch bệnh trong nuôi tôm, nâng cao chất lượng tôm giống và tăng cường công tác quản lý chất lượng con giống.
Đây là đòn bẩy nhằm giúp cho người nuôi tôm Cà Mau xây dựng mô hình nuôi bền vững. Theo đó, khoảng 200.000 hộ nuôi tôm trên địa bàn sẽ được hỗ trợ phí xét nghiệm con giống trước khi thả nuôi.
Có thể bạn quan tâm

Bộ Tài chính cho biết, sau 1 năm triển khai thí điểm bảo hiểm nông nghiệp giai đoạn 2011-2013, đến nay việc thí điểm bảo hiểm nông nghiệp đã triển khai ở tất cả các tỉnh, thành phố với 160.787 hộ dân đã tham gia ký hợp đồng bảo hiểm, trong đó có 85% hộ nghèo.

Ngoài phát triển cây cà phê, huyện Mường Ảng còn chú trọng hướng tới một nền sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao bằng việc áp dụng những giống lúa mới thích hợp với điều kiện khí hậu của vùng, đặc biệt là lựa chọn những giống lúa có thời gian sinh trưởng ngắn, hiệu quả cao.

Ông Trần Bá Đề, Phó Chủ tịch Hội nông dân xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên cho biết: Chỉ cách đây vài năm, Noong Hẹt là xã thuần nông. Xác định mục tiêu để phát triển kinh tế là chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn theo hướng tăng dần tỷ lệ lao động phi nông nghiệp để xây dựng nông thôn mới nên việc học nghề và đào tạo nghề phụ cho lao động nông thôn đã được xã Noong Hẹt quan tâm và phát triển.

Với lợi thế về đất đai, đồi rừng, ao hồ, sông suối và nhất là nguồn lao động trong nông thôn dồi dào, tỉnh Điện Biên xác định tập trung phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, thuỷ cầm... góp phần xoá đói giảm nghèo cho dân.

Cùng với một số huyện trên địa bàn tỉnh, dự án Danida do Chính phủ Đan Mạch viện trợ ở Tủa Chùa đang được triển khai, thực hiện có hiệu quả, góp phần giúp địa phương hoàn thiện về cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.