Mở Hướng Liên Kết Cho Nông Dân

Sau 4 ngày diễn ra (từ ngày 25 đến 28-10), Hội chợ chăn nuôi - thú y - thủy sản thành phố Hà Nội lần thứ nhất đã khép lại và các sản phẩm chăn nuôi - thú y - thủy sản được trưng bày tại hội chợ đã khẳng định được thương hiệu, nhãn hiệu an toàn, phục vụ nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng Thủ đô. Thông qua hội chợ đã mở ra cơ hội bao tiêu sản phẩm cho người dân và xây dựng chuỗi liên kết trong chăn nuôi.
Đã có 937 hợp đồng được ký kết
Thành phố Hà Nội có đàn gia súc, gia cầm lớn của cả nước với đàn trâu, bò lên tới gần 170 nghìn con, trong đó bò sữa 12.500 con; 1,43 triệu con lợn; 19 triệu gia cầm. Về nuôi trồng thủy sản, có 14.890ha, sản lượng đạt 32.475 tấn. Giá trị sản lượng chăn nuôi, thủy sản chiếm 52,1% tỷ trọng nông nghiệp và là một trong những tỉnh, thành phố có tỷ lệ chăn nuôi cao nhất cả nước. Để ngành chăn nuôi, thủy sản phát triển bền vững, việc xây dựng thương hiệu, quảng bá, giới thiệu sản phẩm an toàn tới tay người tiêu dùng là rất quan trọng.
Sau 4 ngày diễn ra hội chợ, đã có hơn 1 vạn lượt người đến tham quan, giao dịch và mua bán. Nhằm kiểm tra chất lượng hàng hóa, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản đã lấy 53 mẫu của 23 gian hàng với 171 lượt chỉ tiêu phân tích theo các nhóm gồm: Tồn dư chất kháng sinh, hoóc môn, phụ gia tẩy trắng phẩm màu và đều ở ngưỡng cho phép. Do chất lượng hàng hóa tốt, bảo đảm, nhiều gian hàng bán được số lượng lớn như: Công ty cổ phần Chế biến thực phẩm sạch 3F, Công ty cổ phần Sữa quốc tế, Chi hội Chăn nuôi vịt Liên Châu (Thanh Oai)… Tổng số mặt hàng tham gia hội chợ là 1.333 sản phẩm, thì có 937 hợp đồng đã được ký kết và thỏa thuận, với doanh số hơn 3 tỷ đồng.
Bà Lưu Thị Sinh, cơ sở chăn nuôi gà Đông Tảo (Hưng Yên) cho rằng, hội chợ đã giúp các hộ và doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu các sản phẩm từ chăn nuôi an toàn tới người tiêu dùng Thủ đô một cách nhanh nhất. Theo Chi hội Chăn nuôi vịt Liên Châu (Thanh Oai), trước đây người tiêu dùng chưa biết nhiều đến sản phẩm trứng vịt Liên Châu, qua trưng bày và bán sản phẩm tại hội chợ, nhiều người mua sản phẩm, rồi sử dụng trực tiếp tại quầy đều có nhận xét là trứng vịt Liên Châu ngon hơn so với các loại trứng khác. Do đó, chỉ trong một thời gian ngắn diễn ra hội chợ, cơ sở đã bán được hàng nghìn quả trứng và có nhiều cửa hàng ăn uống đến ký kết hợp đồng mua với số lượng lớn. Đây là một tín hiệu đáng mừng cho người chăn nuôi vịt ở Liên Châu...
Tiếp tục xây dựng thương hiệu sản phẩm
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho biết, hội chợ đã đạt được những kết quả tốt, thu hút được nhiều người tham gia và tạo ra cơ hội cho việc ký kết, giao thương giữa các đơn vị quản lý nhà nước với doanh nghiệp, nhằm xây dựng chuỗi liên kết chăn nuôi - tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, đây là lần đầu tổ chức hội chợ nên vẫn còn phải rút kinh nghiệm nhiều; hội chợ chỉ tổ chức chuyên ngành về chăn nuôi, thú y, thủy sản, phạm vi còn hẹp, chưa giới thiệu được hết những sản phẩm nông nghiệp an toàn của Thủ đô tới người tiêu dùng. Kinh phí đầu tư cho hội chợ còn ít, chưa hỗ trợ được nhiều cho các tổ chức, cá nhân tham gia hội chợ, nhất là hỗ trợ cho bà con nông dân tại các huyện, thị xã đến tham quan…
Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Hoàng Thanh Vân khẳng định, việc tổ chức hội chợ lần này đã cho thấy vai trò quan trọng, ý nghĩa chiến lược lâu dài của ngành nông nghiệp đối với sự ổn định chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của Thủ đô. Việc ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm chính là cơ hội để người dân và doanh nghiệp cùng hợp tác, có lợi, nhằm phát triển bền vững.
Để từng bước tháo gỡ những khó khăn trong việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp an toàn của Hà Nội tới người tiêu dùng, trong thời gian tới, thành phố Hà Nội sẽ tập trung vào chuỗi liên kết từ trang trại tới bàn ăn; tập trung vào xây dựng 8 chuỗi liên kết chăn nuôi, tiêu thụ sản phẩm: Gà đồi Ba Vì, gà đồi Sóc Sơn, vịt cỏ Vân Đình (Ứng Hòa), trứng vịt Liên Châu (Thanh Oai), vịt Đại Xuyên (Phú Xuyên), gà mía Sơn Tây, thịt bò Hà Nội và thịt lợn hữu cơ Bảo Châu; tiếp tục xây dựng thương hiệu sản phẩm; thúc đẩy hợp tác tiêu thụ nông sản, thực phẩm giữa các tỉnh với Hà Nội, nhằm đa dạng hóa các mặt hàng nông nghiệp cung cấp cho người tiêu dùng Thủ đô…
Có thể bạn quan tâm

Anh Trần Văn Chánh ở ấp Bà Đen, xã An Cư, huyện Tịnh Biên thực hiện mô hình nuôi dông đầu tiên ở vùng Bảy Núi, thả nuôi 1.500 con giống với diện tích chuồng trại rộng 500 m2.

Khoảng ba năm trở lại đây, một số gia đình trên địa bàn xã Quang Bình (Kiến Xương - Thái Bình) đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, lựa chọn mô hình nuôi chim trĩ đỏ để thoát nghèo và làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương.

Dự án Chương trình khí sinh học cho ngành Chăn nuôi Việt Nam được triển khai ở Phú Yên từ giữa năm 2013, đã góp phần cải thiện, thay đổi thói quen chăn nuôi của nông dân nhiều địa phương. Qua đó người dân quan tâm hơn đến việc xử lý chất thải chăn nuôi, góp phần bảo vệ môi trường, phát triển chăn nuôi một cách bền vững.

Vụ đông xuân vừa kết thúc, vụ hè thu đã bắt đầu. Dù biết đây là cách giảm thiểu tối đa thiệt hại do hạn hán khi lúa trổ và mưa bão lúc thu hoạch, nhưng việc sản xuất gối đầu như thế khiến nông dân không khỏi âu lo…

Anh Nguyễn Em 56 tuổi là nông dân đầu tiên ở thôn Nha Húi (xã Mỹ Sơn, huyện Ninh Sơn, Ninh Thuận) thực hiện hiệu quả mô hình đào ao chứa nước chủ động chống hạn. Hệ thống ao chứa và mương dẫn nước được anh đầu tư xây dựng căn cơ đáp ứng nhu cầu sản xuất, chăn nuôi gia súc và sinh hoạt của gia đình trong những tháng mùa khô.