Mở Hướng Liên Kết Cho Nông Dân

Sau 4 ngày diễn ra (từ ngày 25 đến 28-10), Hội chợ chăn nuôi - thú y - thủy sản thành phố Hà Nội lần thứ nhất đã khép lại và các sản phẩm chăn nuôi - thú y - thủy sản được trưng bày tại hội chợ đã khẳng định được thương hiệu, nhãn hiệu an toàn, phục vụ nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng Thủ đô. Thông qua hội chợ đã mở ra cơ hội bao tiêu sản phẩm cho người dân và xây dựng chuỗi liên kết trong chăn nuôi.
Đã có 937 hợp đồng được ký kết
Thành phố Hà Nội có đàn gia súc, gia cầm lớn của cả nước với đàn trâu, bò lên tới gần 170 nghìn con, trong đó bò sữa 12.500 con; 1,43 triệu con lợn; 19 triệu gia cầm. Về nuôi trồng thủy sản, có 14.890ha, sản lượng đạt 32.475 tấn. Giá trị sản lượng chăn nuôi, thủy sản chiếm 52,1% tỷ trọng nông nghiệp và là một trong những tỉnh, thành phố có tỷ lệ chăn nuôi cao nhất cả nước. Để ngành chăn nuôi, thủy sản phát triển bền vững, việc xây dựng thương hiệu, quảng bá, giới thiệu sản phẩm an toàn tới tay người tiêu dùng là rất quan trọng.
Sau 4 ngày diễn ra hội chợ, đã có hơn 1 vạn lượt người đến tham quan, giao dịch và mua bán. Nhằm kiểm tra chất lượng hàng hóa, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản đã lấy 53 mẫu của 23 gian hàng với 171 lượt chỉ tiêu phân tích theo các nhóm gồm: Tồn dư chất kháng sinh, hoóc môn, phụ gia tẩy trắng phẩm màu và đều ở ngưỡng cho phép. Do chất lượng hàng hóa tốt, bảo đảm, nhiều gian hàng bán được số lượng lớn như: Công ty cổ phần Chế biến thực phẩm sạch 3F, Công ty cổ phần Sữa quốc tế, Chi hội Chăn nuôi vịt Liên Châu (Thanh Oai)… Tổng số mặt hàng tham gia hội chợ là 1.333 sản phẩm, thì có 937 hợp đồng đã được ký kết và thỏa thuận, với doanh số hơn 3 tỷ đồng.
Bà Lưu Thị Sinh, cơ sở chăn nuôi gà Đông Tảo (Hưng Yên) cho rằng, hội chợ đã giúp các hộ và doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu các sản phẩm từ chăn nuôi an toàn tới người tiêu dùng Thủ đô một cách nhanh nhất. Theo Chi hội Chăn nuôi vịt Liên Châu (Thanh Oai), trước đây người tiêu dùng chưa biết nhiều đến sản phẩm trứng vịt Liên Châu, qua trưng bày và bán sản phẩm tại hội chợ, nhiều người mua sản phẩm, rồi sử dụng trực tiếp tại quầy đều có nhận xét là trứng vịt Liên Châu ngon hơn so với các loại trứng khác. Do đó, chỉ trong một thời gian ngắn diễn ra hội chợ, cơ sở đã bán được hàng nghìn quả trứng và có nhiều cửa hàng ăn uống đến ký kết hợp đồng mua với số lượng lớn. Đây là một tín hiệu đáng mừng cho người chăn nuôi vịt ở Liên Châu...
Tiếp tục xây dựng thương hiệu sản phẩm
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho biết, hội chợ đã đạt được những kết quả tốt, thu hút được nhiều người tham gia và tạo ra cơ hội cho việc ký kết, giao thương giữa các đơn vị quản lý nhà nước với doanh nghiệp, nhằm xây dựng chuỗi liên kết chăn nuôi - tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, đây là lần đầu tổ chức hội chợ nên vẫn còn phải rút kinh nghiệm nhiều; hội chợ chỉ tổ chức chuyên ngành về chăn nuôi, thú y, thủy sản, phạm vi còn hẹp, chưa giới thiệu được hết những sản phẩm nông nghiệp an toàn của Thủ đô tới người tiêu dùng. Kinh phí đầu tư cho hội chợ còn ít, chưa hỗ trợ được nhiều cho các tổ chức, cá nhân tham gia hội chợ, nhất là hỗ trợ cho bà con nông dân tại các huyện, thị xã đến tham quan…
Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Hoàng Thanh Vân khẳng định, việc tổ chức hội chợ lần này đã cho thấy vai trò quan trọng, ý nghĩa chiến lược lâu dài của ngành nông nghiệp đối với sự ổn định chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của Thủ đô. Việc ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm chính là cơ hội để người dân và doanh nghiệp cùng hợp tác, có lợi, nhằm phát triển bền vững.
Để từng bước tháo gỡ những khó khăn trong việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp an toàn của Hà Nội tới người tiêu dùng, trong thời gian tới, thành phố Hà Nội sẽ tập trung vào chuỗi liên kết từ trang trại tới bàn ăn; tập trung vào xây dựng 8 chuỗi liên kết chăn nuôi, tiêu thụ sản phẩm: Gà đồi Ba Vì, gà đồi Sóc Sơn, vịt cỏ Vân Đình (Ứng Hòa), trứng vịt Liên Châu (Thanh Oai), vịt Đại Xuyên (Phú Xuyên), gà mía Sơn Tây, thịt bò Hà Nội và thịt lợn hữu cơ Bảo Châu; tiếp tục xây dựng thương hiệu sản phẩm; thúc đẩy hợp tác tiêu thụ nông sản, thực phẩm giữa các tỉnh với Hà Nội, nhằm đa dạng hóa các mặt hàng nông nghiệp cung cấp cho người tiêu dùng Thủ đô…
Có thể bạn quan tâm

Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa, nhằm nâng cao giá trị thu hoạch trên một đơn vị diện tích, những năm qua, chính quyền các địa phương ở huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp) tích cực vận động bà con nông dân đưa cây màu xuống ruộng thay thế cho vụ lúa hè thu đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực.

Nhờ nuôi ngựa bạch, gia đình ông Nguyễn Văn Hoàn thôn 3, xã Việt Tiến, huyện Việt Yên (Bắc Giang) có thu nhập ổn định từ 70 đến 90 triệu đồng/năm.

Ngày 18-3-2014, tại xã Thạnh Thắng, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ đã diễn ra lễ bàn giao 3 máy làm đất sử dụng công nghệ laser và trình diễn san phẳng mặt ruộng bằng công nghệ laser do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ tổ chức.

Bà con nông dân các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) hiện đang bước vào thu hoạch sầu riêng trái vụ năm 2014. Năm nay, sầu riêng trái vụ giảm về sản lượng nhưng giá bán cao hơn so với năm 2013.

Sau Tết Nguyên đán Giáp Ngọ, nhất là những ngày gần đây, giá cà phê liên tục tăng, nhưng nông dân trồng cà phê ở Tây Nguyên bán ra rất ít. Không những vậy, những hộ dân có tiền nhàn rỗi còn đến các đại lý, doanh nghiệp (DN) mua cà phê đem về nhà tạm trữ ngóng giá lên!