Mô Hình Trồng Xen Canh Tỏi - Ớt Ở Vĩnh Hải Cho Hiệu Quả Kinh Tế Cao

Xen canh là một trong những phương thức canh tác được nhiều người áp dụng trong sản xuất nông nghiệp. Nếu như ở huyện Ninh Sơn, Ninh Phước có những mô hình trồng xen canh như táo-trôm, đu đủ-ớt-dừa xiêm, xoài-mận… thu nhập kinh tế cao thì ở xã Vĩnh Hải (Ninh Hải - Ninh Thuận) mô hình trồng xen canh tỏi-ớt cũng mang lại lợi nhuận đáng kể cho người dân.
Xã Vĩnh Hải hiện có 58 ha trồng xen canh tỏi-ớt, tập trung chủ yếu ở các thôn Mỹ Hòa và Thái An. Là mô hình trồng xen canh nên quá trình xuống giống tỏi và ớt không cùng một đợt. Đối với cây tỏi, người dân bắt đầu xuống giống từ tháng 10, sau khi tỏi phát triển được 2 tháng lại tiếp tục trồng xen cây ớt.
Sau 4 tháng, tỏi bắt đầu thu hoạch, đó là lúc cây ớt cũng có những quả bói đầu mùa. Ở hình thức xen canh này, người dân không bỏ hoang đất, tiết kiệm được rất nhiều chi phí trong quá trình chăm sóc như phân bón, nước tưới...mà không ảnh hưởng đến quá trình phát triển của cây tỏi hay ớt.
Theo tính toán, 1 sào tỏi-ớt trồng xen canh, nông dân thu hoạch bình quân 1,5 tấn tỏi và 3,5 tấn ớt. Với giá bình quân 50.000 đồng/kg tỏi và 8.000 đồng/ kg ớt, sau khi trừ chi phí, mỗi năm bà con thu lãi trên 60 triệu đồng/1 sào. Năng suất ớt trồng ở xã Vĩnh Hải cao là nhờ phù hợp điều kiện thổ nhưỡng và chủ động được nguồn nước tưới, thời gian cho thu hoạch có thể kéo dài từ 5-6 tháng. Chưa kể những lúc tỏi, ớt được giá, nông dân thường lãi cao.
Là một trong những nông dân đi đầu trong chuyển đổi cây trồng, anh Phạm Thanh Văn, ở thôn Thái An chia sẻ: “Gia đình có 4 sào đất, trước kia đầu tư sản xuất hành-tỏi, năng suất không cao. 3 năm nay, tôi cùng với một số nông dân thôn Thái An mạnh dạn đưa cây ớt vào trồng xen canh với tỏi. Ban đầu do chưa có kinh nghiệm nên năng suất tỏi và ớt còn thấp, 2 năm trở lại đây, nhờ vừa làm, vừa rút kinh nghiệm nên năng suất tỏi, ớt ngày càng nâng lên. Hiện nay mỗi năm, 4 sào tỏi - ớt đã mang lại thu nhập cho gia đình không dưới 300 triệu đồng”.
Cùng với việc đầu tư phân bón, thuốc trừ sâu, chăm sóc, để bảo đảm duy trì nguồn nước trong mùa khô hạn và tiết kiệm chi phí, nhất là công lao động, nhiều hộ dân xã Vĩnh Hải đã đầu tư mô hình tưới nước tiết kiệm bằng hệ thống tưới phun và nhỏ giọt, thay cho chạy nước tràn như trước đây. Với mô hình tưới tiết kiệm này, tỏi – ớt phát triển đều, ít sâu bệnh và cho năng suất cao. Đến nay, có trên 15 ha trồng tỏi-ớt xen canh thực hiện mô hình tưới nước tiết kiệm.
Anh Võ Phước, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Hải nhận xét: “Hiện nay, mô hình trồng xen canh tỏi-ớt là một trong những mô hình sản xuất thế mạnh của địa phương, đem lại thu nhập cao hơn nhiều so với cây lúa”.
Với chủ trương chuyển đổi một số cây trồng năng suất kém sang trồng những cây có giá trị kinh tế cao, xã đang khuyến khích nông dân thực hiện các mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, trong đó có mô hình trồng xen canh tỏi - ớt.
Bên cạnh đó, cần trồng theo quy hoạch, không chạy theo phong trào, chú trọng thị trường tiêu thụ nhằm tránh tình trạng “ được mùa mất giá, được giá mất mùa”, ảnh hưởng đến thu nhập của nông dân.
Có thể bạn quan tâm

Tân Lập, một thôn của xã Lạc Lâm, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng xưa nay có truyền thống trồng rau thương phẩm. Không chỉ dừng lại ở những cây rau truyền thống ven sông Đa Nhim như cà chua, ớt sừng hay cải thảo, bà con Tân Lập còn cung cấp cho thị trường các loại rau thơm. Và Tổ hợp tác Chính Nghĩa, nơi tập trung những người trồng rau thơm đã đồng hành cùng bà con, giúp diện tích rau thơm ở đây ngày càng mở rộng.

Ngành nông nghiệp đã khảo nghiệm thành công nhiều giống lúa mới đầy triển vọng, song việc nhân rộng diện tích còn rất chậm.

Vụ atisô năm 2015 nông dân các xã trên địa bàn huyện Bắc Hà (Lào Cai) đã thu 250,8 tấn lá atisô tươi.

Trồng màu trên đất bờ bao nuôi tôm được nhiều nông dân huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) thực hiện hiệu quả, góp phần tăng nâng cao đời sống; Tuy nhiên bà con đang gặp khó về đầu ra vì hiện nay ở các xã vùng Tôm - Lúa của huyện, vẫn chưa có cơ sở thu mua màu cho nông dân.

Từ đầu năm 2015 đến nay, Lâm Đồng có 3.620 tấn chè đen bị tồn kho, không xuất khẩu được do dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức theo quy định của Đài Loan. Trong đó, đặc biệt lưu ý có 36 tấn chè đen bị nhiễm dư lượng hoạt chất Fipronil, một loại thuốc bảo vệ thực vật thuộc nhóm độc II, không được đăng ký sử dụng trên cây chè Việt Nam. Đây có thể xem là bài toán cấp thiết nâng cao chất lượng tất cả các sản phẩm chè hiện nay ở Lâm Đồng.