Mô Hình Trồng Xen Canh Tỏi - Ớt Ở Vĩnh Hải Cho Hiệu Quả Kinh Tế Cao

Xen canh là một trong những phương thức canh tác được nhiều người áp dụng trong sản xuất nông nghiệp. Nếu như ở huyện Ninh Sơn, Ninh Phước có những mô hình trồng xen canh như táo-trôm, đu đủ-ớt-dừa xiêm, xoài-mận… thu nhập kinh tế cao thì ở xã Vĩnh Hải (Ninh Hải - Ninh Thuận) mô hình trồng xen canh tỏi-ớt cũng mang lại lợi nhuận đáng kể cho người dân.
Xã Vĩnh Hải hiện có 58 ha trồng xen canh tỏi-ớt, tập trung chủ yếu ở các thôn Mỹ Hòa và Thái An. Là mô hình trồng xen canh nên quá trình xuống giống tỏi và ớt không cùng một đợt. Đối với cây tỏi, người dân bắt đầu xuống giống từ tháng 10, sau khi tỏi phát triển được 2 tháng lại tiếp tục trồng xen cây ớt.
Sau 4 tháng, tỏi bắt đầu thu hoạch, đó là lúc cây ớt cũng có những quả bói đầu mùa. Ở hình thức xen canh này, người dân không bỏ hoang đất, tiết kiệm được rất nhiều chi phí trong quá trình chăm sóc như phân bón, nước tưới...mà không ảnh hưởng đến quá trình phát triển của cây tỏi hay ớt.
Theo tính toán, 1 sào tỏi-ớt trồng xen canh, nông dân thu hoạch bình quân 1,5 tấn tỏi và 3,5 tấn ớt. Với giá bình quân 50.000 đồng/kg tỏi và 8.000 đồng/ kg ớt, sau khi trừ chi phí, mỗi năm bà con thu lãi trên 60 triệu đồng/1 sào. Năng suất ớt trồng ở xã Vĩnh Hải cao là nhờ phù hợp điều kiện thổ nhưỡng và chủ động được nguồn nước tưới, thời gian cho thu hoạch có thể kéo dài từ 5-6 tháng. Chưa kể những lúc tỏi, ớt được giá, nông dân thường lãi cao.
Là một trong những nông dân đi đầu trong chuyển đổi cây trồng, anh Phạm Thanh Văn, ở thôn Thái An chia sẻ: “Gia đình có 4 sào đất, trước kia đầu tư sản xuất hành-tỏi, năng suất không cao. 3 năm nay, tôi cùng với một số nông dân thôn Thái An mạnh dạn đưa cây ớt vào trồng xen canh với tỏi. Ban đầu do chưa có kinh nghiệm nên năng suất tỏi và ớt còn thấp, 2 năm trở lại đây, nhờ vừa làm, vừa rút kinh nghiệm nên năng suất tỏi, ớt ngày càng nâng lên. Hiện nay mỗi năm, 4 sào tỏi - ớt đã mang lại thu nhập cho gia đình không dưới 300 triệu đồng”.
Cùng với việc đầu tư phân bón, thuốc trừ sâu, chăm sóc, để bảo đảm duy trì nguồn nước trong mùa khô hạn và tiết kiệm chi phí, nhất là công lao động, nhiều hộ dân xã Vĩnh Hải đã đầu tư mô hình tưới nước tiết kiệm bằng hệ thống tưới phun và nhỏ giọt, thay cho chạy nước tràn như trước đây. Với mô hình tưới tiết kiệm này, tỏi – ớt phát triển đều, ít sâu bệnh và cho năng suất cao. Đến nay, có trên 15 ha trồng tỏi-ớt xen canh thực hiện mô hình tưới nước tiết kiệm.
Anh Võ Phước, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Hải nhận xét: “Hiện nay, mô hình trồng xen canh tỏi-ớt là một trong những mô hình sản xuất thế mạnh của địa phương, đem lại thu nhập cao hơn nhiều so với cây lúa”.
Với chủ trương chuyển đổi một số cây trồng năng suất kém sang trồng những cây có giá trị kinh tế cao, xã đang khuyến khích nông dân thực hiện các mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, trong đó có mô hình trồng xen canh tỏi - ớt.
Bên cạnh đó, cần trồng theo quy hoạch, không chạy theo phong trào, chú trọng thị trường tiêu thụ nhằm tránh tình trạng “ được mùa mất giá, được giá mất mùa”, ảnh hưởng đến thu nhập của nông dân.
Có thể bạn quan tâm

9 tháng của năm 2013, các doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu ở An Giang xuất khẩu 128 ngàn tấn, kim ngạch đạt 311 triệu USD, tăng 23,1% về lượng và 6,5% về giá trị so cùng kỳ. Dù xuất khẩu tăng, nguyên liệu thiếu nhưng giá mua cá tra của các nhà máy vẫn tăng không đáng kể.

Bão số 8 chưa khắc phục xong hậu quả, bão số 10 lại ập đến, bao mất mát, nước mắt, nghẹn đắng. Cả nước đang hướng về miền Trung ruột thịt sẻ chia từng ngày lương, gói mỳ thì bão số 11 tiếp tục hoành hành cướp đi sản nghiệp của hàng ngàn gia đình miền Trung. Bão lũ liên miên, miền Trung chìm trong biển nước…

Đối với các vùng nông thôn, người có đất nhiều thì sống nhờ ruộng rẫy và chăn nuôi thêm, còn gia đình ít đất hoặc không đất chỉ mong mùa nước lên. Tháng chín âm lịch, khi con nước ngập đồng thì mọi người tranh thủ khai thác thủy sản cho bữa ăn cả nhà, vừa bán đi để tạo nguồn thu nhập. Đây cũng là thời điểm cá đồng sinh sôi, kéo dài đến Tết âm lịch.

Quả thật, khi lên hồ Suối Hai (thuộc xã Cẩm Lĩnh, huyện Ba Vì, Hà Nội) hỏi thăm mọi người ai cũng biết đến ông Lã Đức Quảng, với bản chất tần tảo, cần cù chịu khó bám hồ suốt nhiều năm nay để phát triển nghề nuôi thuỷ sản lồng bè.

Đối với các vùng nông thôn, người có đất nhiều thì sống nhờ ruộng rẫy và chăn nuôi thêm, còn gia đình ít đất hoặc không đất chỉ mong mùa nước lên. Tháng chín âm lịch, khi con nước ngập đồng thì mọi người tranh thủ khai thác thủy sản cho bữa ăn cả nhà, vừa bán đi để tạo nguồn thu nhập. Đây cũng là thời điểm cá đồng sinh sôi, kéo dài đến Tết âm lịch.