Mô Hình Trồng Xen Canh Tỏi - Ớt Ở Vĩnh Hải Cho Hiệu Quả Kinh Tế Cao

Xen canh là một trong những phương thức canh tác được nhiều người áp dụng trong sản xuất nông nghiệp. Nếu như ở huyện Ninh Sơn, Ninh Phước có những mô hình trồng xen canh như táo-trôm, đu đủ-ớt-dừa xiêm, xoài-mận… thu nhập kinh tế cao thì ở xã Vĩnh Hải (Ninh Hải - Ninh Thuận) mô hình trồng xen canh tỏi-ớt cũng mang lại lợi nhuận đáng kể cho người dân.
Xã Vĩnh Hải hiện có 58 ha trồng xen canh tỏi-ớt, tập trung chủ yếu ở các thôn Mỹ Hòa và Thái An. Là mô hình trồng xen canh nên quá trình xuống giống tỏi và ớt không cùng một đợt. Đối với cây tỏi, người dân bắt đầu xuống giống từ tháng 10, sau khi tỏi phát triển được 2 tháng lại tiếp tục trồng xen cây ớt.
Sau 4 tháng, tỏi bắt đầu thu hoạch, đó là lúc cây ớt cũng có những quả bói đầu mùa. Ở hình thức xen canh này, người dân không bỏ hoang đất, tiết kiệm được rất nhiều chi phí trong quá trình chăm sóc như phân bón, nước tưới...mà không ảnh hưởng đến quá trình phát triển của cây tỏi hay ớt.
Theo tính toán, 1 sào tỏi-ớt trồng xen canh, nông dân thu hoạch bình quân 1,5 tấn tỏi và 3,5 tấn ớt. Với giá bình quân 50.000 đồng/kg tỏi và 8.000 đồng/ kg ớt, sau khi trừ chi phí, mỗi năm bà con thu lãi trên 60 triệu đồng/1 sào. Năng suất ớt trồng ở xã Vĩnh Hải cao là nhờ phù hợp điều kiện thổ nhưỡng và chủ động được nguồn nước tưới, thời gian cho thu hoạch có thể kéo dài từ 5-6 tháng. Chưa kể những lúc tỏi, ớt được giá, nông dân thường lãi cao.
Là một trong những nông dân đi đầu trong chuyển đổi cây trồng, anh Phạm Thanh Văn, ở thôn Thái An chia sẻ: “Gia đình có 4 sào đất, trước kia đầu tư sản xuất hành-tỏi, năng suất không cao. 3 năm nay, tôi cùng với một số nông dân thôn Thái An mạnh dạn đưa cây ớt vào trồng xen canh với tỏi. Ban đầu do chưa có kinh nghiệm nên năng suất tỏi và ớt còn thấp, 2 năm trở lại đây, nhờ vừa làm, vừa rút kinh nghiệm nên năng suất tỏi, ớt ngày càng nâng lên. Hiện nay mỗi năm, 4 sào tỏi - ớt đã mang lại thu nhập cho gia đình không dưới 300 triệu đồng”.
Cùng với việc đầu tư phân bón, thuốc trừ sâu, chăm sóc, để bảo đảm duy trì nguồn nước trong mùa khô hạn và tiết kiệm chi phí, nhất là công lao động, nhiều hộ dân xã Vĩnh Hải đã đầu tư mô hình tưới nước tiết kiệm bằng hệ thống tưới phun và nhỏ giọt, thay cho chạy nước tràn như trước đây. Với mô hình tưới tiết kiệm này, tỏi – ớt phát triển đều, ít sâu bệnh và cho năng suất cao. Đến nay, có trên 15 ha trồng tỏi-ớt xen canh thực hiện mô hình tưới nước tiết kiệm.
Anh Võ Phước, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Hải nhận xét: “Hiện nay, mô hình trồng xen canh tỏi-ớt là một trong những mô hình sản xuất thế mạnh của địa phương, đem lại thu nhập cao hơn nhiều so với cây lúa”.
Với chủ trương chuyển đổi một số cây trồng năng suất kém sang trồng những cây có giá trị kinh tế cao, xã đang khuyến khích nông dân thực hiện các mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, trong đó có mô hình trồng xen canh tỏi - ớt.
Bên cạnh đó, cần trồng theo quy hoạch, không chạy theo phong trào, chú trọng thị trường tiêu thụ nhằm tránh tình trạng “ được mùa mất giá, được giá mất mùa”, ảnh hưởng đến thu nhập của nông dân.
Có thể bạn quan tâm

UBND tỉnh Phú Yên vừa cấp giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh lần 1 cho dự án Trồng rừng nguyên liệu cây dó do Công ty TNHH Cây Xanh (KCN An Phú, TP Tuy Hòa) làm chủ đầu tư.

Nông dân Bắc Cạn trồng dong riềng tràn lan, sản lượng tăng đột biến, tiêu thụ không hết, tư thương khống chế giá giảm gần một nửa so với năm trước. Tiền bán dong riềng không đủ trả công thu hoạch và vận chuyển làm cho nông dân lao đao.

Toàn tỉnh Bình Phước hiện có khoảng hơn 10.000 ha hồ tiêu (chiếm gần 20% diện tích cả nước), tập trung nhiều nhất ở 3 huyện: Lộc Ninh (3.552 ha), Bù Đốp (2.007 ha) và Hớn Quản (1.420 ha) với năng suất bình quân đạt 2,9 tấn/ha.

Trồng thành công giống chanh Bắc trên vùng rừng núi chỉ quen với những loại cây công nghiệp như điều, cà phê, cao su, anh Đinh Văn Anh ở thôn 9, xã Đức Liễu (Bù Đăng - Bình Phước) khiến nhiều người khâm phục.

Hàng năm, Việt Nam sản xuất hơn 40 triệu tấn lúa hàng hóa các loại, đóng góp cho xuất khẩu hơn 7,7 triệu tấn gạo (năm 2012), tuy nhiên, sản lượng lúa được nông dân bán trực tiếp cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo chỉ chiếm 5,1% con số trên.