Mô hình trồng thanh long ruột đỏ tại huyện đảo Phú Quốc cho thu nhập cao
Thanh long ruột đỏ đang phát huy lợi thế và hiệu quả kinh tế tại các tỉnh thành trong cả nước như: Bình Thuận, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long… và giờ đây đang phát huy lợi thế tại huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.
Ông Lê Minh Phong là người tiên phong đưa cây thanh long ruột đỏ về trồng tại đất đảo Phú Quốc.
Hiện ông là chủ nhân của mô hình trồng thanh long ruột đỏ tại xã Cửa Dương, huyện Phú Quốc.
Ông cho biết, so với thanh long ruột trắng, thanh long ruột đỏ có trái tuy nhỏ hơn nhưng chất lượng tốt hơn, vị ngọt đậm, ngon hơn thanh long ruột trắng nên được nhiều người ưa dùng.
Hiện tại, trồng thanh long ruột đỏ không lo về đầu ra vì sản lượng chưa đủ nhu cầu cho người tiêu dùng tại địa phương và khách du lịch đến huyện đảo.
Chia sẻ về kinh nghiệm trồng và chăm sóc cây thanh long ruột đỏ, ông Phong cho biết, thanh long ruột đỏ là một trong những loại cây dễ trồng, ít bị sâu bệnh.
Mật độ trồng 1.600 trụ/ha (hàng cách hàng x cây cách cây là 2,5m x 2,5m), Từ khi trồng đến khi thu hoạch lứa đầu là 15 tháng; thanh long ruột đỏ trồng tại Phú Quốc cho trái tự nhiên từ tháng 3 đến tháng 8 (âm lịch), nếu không chong đèn thanh long cho 6 - 7 đợt trái/năm.
Trồng thanh long ruột đỏ tuy chi phí ban đầu nhiều hơn so với các loại cây trồng khác nhưng cho khai thác nhiều năm, lại không tốn nhiều công chăm sóc.
Ông Phong chăm sóc vườn thanh long ruột đỏ của gia đình
Hiện tại vườn thanh long ruột đỏ của ông Phong có được 900 trụ đang cho thu hoạch.
Theo ông Phong, thanh long ruột đỏ trồng tại Phú Quốc có năng suất bình quân 24 tấn/ha/năm, với giá bán 20.000 đồng/kg, trừ chi phí đầu tư chăm sóc, 1 ha thanh long ruột đỏ sẽ thu được lợi nhuận khoảng 320.000.000 đồng/năm.
Qua mô hình của ông Phong, bước đầu cho thấy thanh long ruột đỏ có khả năng thích nghi, sinh trưởng, phát triển tốt, chất lượng quả ngon khi trồng ở điều kiện thổ nhưỡng của Phú Quốc.
Thanh long ruột đỏ góp phần bổ sung giống cây trồng mới vào cơ cấu cây ăn quả của huyện.
Với hiệu quả kinh tế mang lại, thanh long ruột đỏ chứng tỏ là loại cây ăn quả phù hợp với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng của huyện, góp phần tích cực vào việc xây dựng khu du lịch sinh thái huyện đảo.
Vì thế, các ngành chức năng cần nghiên cứu, hoàn thiện quy trình thâm canh cây TLRĐ ở thời kỳ kiến thiết cơ bản và thời kỳ kinh doanh phù hợp với điều kiện của huyện, làm cơ sở để áp dụng mở rộng mô hình trong thời gian tới.
Có thể bạn quan tâm

Trong khi ngành mía đường nhiều nước phát triển vượt bậc, nhất là các nước ASEAN thì ở Việt Nam, ngành này lại yếu về mọi mặt, đặt ra đòi hỏi Chính phủ phải đóng vai trò chính trong vận hành, quản lý…

Chỉ vỏn vẹn 26 quả và nặng gần 0,7kg nhưng một chùm nho Ruby Roman mới đây đã được bán với mức giá gần 200 triệu đồng khiến nhiều người choáng váng.

Từ những cây nho dại trồng chơi xung quanh vườn nhà, anh Nguyễn Thường Lang (Khu phố 2, phường Mỹ Hải, TP.Phan Rang – Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận) đã nhân giống và cung cấp cây giống cho nông dân cả nước, thu về hơn tỷ đồng/năm.

Giá thuê một cây măng cụt trong 3 tháng là 300.000 đồng. Thuê từ một năm trở lên và tự chăm sóc, các thương lái chỉ phải trả chủ vườn 100.000-200.000 đồng.

Theo số liệu thống kê sơ bộ Trung tâm Nông nghiệp TP.Đà Lạt, hiện nay tại TP.Đà Lạt (Lâm Đồng) có hơn 1.100ha cà phê chè catimor bị sâu đục thân tấn công gây hại.