Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Mô Hình Trồng Thâm Canh Cây Rau Má Ở Quảng Ninh Hướng Phát Triển Bền Vững Cần Nhân Rộng

Mô Hình Trồng Thâm Canh Cây Rau Má Ở Quảng Ninh Hướng Phát Triển Bền Vững Cần Nhân Rộng
Ngày đăng: 26/06/2014

Mặc dù trong thời gian qua, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Quảng Ninh đã có những bước đột phá tích cực, năng suất cây trồng được nâng cao, qua đó cải thiện từng bước cuộc sống của người nông dân, nhưng cây lúa vẫn là cây trồng chủ lực, sản phẩm mang tính hàng hóa còn chưa nhiều.

Trước thực tế đó, huyện Quảng Ninh đã mạnh dạn thử nghiệm mô hình thâm canh cây rau má để phát huy tiềm năng thế mạnh của từng vùng, từng loại đất, góp phần tăng hiệu quả kinh tế trên diện tích canh tác.

Cây rau má là loại rau quen thuộc với người tiêu dùng, lại có tính thích nghi cao, theo công dụng dân gian có thể chữa được nhiều bệnh. Trước đây, do nhu cầu về loại rau này không nhiều cho nên bà con chủ yếu chỉ tận dụng cây rau má mọc hoang dã trong tự nhiên. Nay, cây rau má thực sự trở thành một “đặc sản”, được người dân rất yêu thích và sử dụng thường xuyên.

Vì vậy, để đáp ứng nhu cầu ngày một tăng cao, cây rau má bắt đầu được gieo trồng như các loại rau khác. Đầu năm 2013, UBND huyện và các ngành đã có khảo sát, thăm mô hình trồng cây rau má tại xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên-Huế.

Tiếp đó, mô hình trồng thâm canh cây rau má tại các xã Võ Ninh, Duy Ninh và Xuân Ninh với diện tích 2 ha ra đời. Ngoài nguồn kinh phí hỗ trợ gần 29 triệu đồng từ nguồn ngân sách sự nghiệp khoa học - công nghệ và hơn 62 triệu đồng từ sự đóng góp của người dân, mô hình còn nhận được sự “trợ sức” từ UBND các xã với kinh phí 300.000-400.000 đồng/sào.

Trong giai đoạn đầu của mô hình, nhiều hoạt động đã được triển khai đồng bộ, như: khảo sát, chọn địa điểm, chọn hộ gia đình thực hiện; tập huấn chuyển giao kỹ thuật thâm canh cây rau má; tổ chức các đoàn thăm quan mô hình thực tế... Điểm ghi nhận từ mô hình này chính là sự phối kết hợp hiệu quả, chặt chẽ từ người dân, chính quyền, tổ chức, đoàn thể cấp cơ sở cho đến các phòng, ban cấp huyện, cấp sở.

Chị Nguyễn Thị Nhàn, thôn Thượng, Võ Ninh, Quảng Ninh cho biết, gia đình chị hiện có hơn 1 sào diện tích trồng cây rau má. Bên cạnh diện tích trồng theo dự án, chị cũng mạnh dạn đầu tư mở rộng thêm diện tích để tăng năng suất và quy mô của cây trồng.

Chị chia sẻ, so với những loại rau khác, cây rau má có ưu điểm lớn là mang lại năng suất cao, giá cả và đầu ra ổn định, nhu cầu thị trường ở mức cao.

Từ khi bắt đầu gieo trồng vào đầu năm 2014, mỗi ngày, chị thu hoạch trung bình hơn 3 kg cây rau má, và bán ra thị trường với giá 20.000 đồng/kg. Cây rau má chỉ trồng 1 lần, khi cắt thu hoạch 1 lứa, khoảng 10 ngày sau là có thể cắt lứa thứ 2 và tiếp tục như vậy trong vòng 4-5 năm.

Cái khó của trồng loại rau này là đòi hỏi cần có những hiểu biết nhất định về kỹ thuật chăm sóc, theo dõi sâu bệnh và phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Nếu trời lạnh hoặc nắng nóng dài ngày, cây rau má dễ bị cháy, hư hại nhiều.

Chị Nguyễn Thị Nhàn bày tỏ mong muốn được tạo điều kiện để mở rộng thêm diện tích trồng cây rau má của gia đình. Với quy mô lớn hơn, gia đình chị sẽ mạnh dạn đầu tư thiết bị tưới nước chuyên dụng và trang bị hệ thống che chắn cho cây rau má trong thời tiết khắc nghiệt.

Theo chị Trương Thị Huyên, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Võ Ninh, chị em đã xác định cây rau má là cây chủ lực song song với cây lúa, do đó, rất tích cực trao đổi, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm trồng, chăm sóc loại cây mới mẻ này. Hiện tại, xã Võ Ninh có hơn 550 m2 diện tích và 4 hộ gia đình trồng cây rau má theo mô hình của huyện, bên cạnh đó là một diện tích không nhỏ khác của chị em mạnh dạn trồng thử nghiệm thêm.

Tuy nhiên, vấn đề thiếu giống đang trở nên khá nan giải ngay từ khi mới bắt đầu gieo trồng. Giống được mua chủ yếu từ Thừa Thiên-Huế, nhưng nguồn giống cũng không ổn định và rất thiếu, khan hiếm. Nhiều hộ trong xã rất muốn trồng cây rau má và đã đăng ký mua giống, nhưng không thể đáp ứng được nhu cầu.

Mới bắt tay vào thử nghiệm hơn 1 năm nay, nhưng cây rau má đã cho thấy thế mạnh vượt trội về sức tiêu thụ trên thị trường, nâng cao giá trị nông sản và góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập.

Chính vì vậy, trong thời gian tới, huyện Quảng Ninh cần một kế hoạch phát triển dài hơi hơn đối với cây rau má, đồng thời, có sự hỗ trợ tích cực, hiệu quả hơn nữa về nhiều mặt cho bà con nông dân để mở rộng quy mô, tăng năng suất của loại cây trồng tiềm năng này.


Có thể bạn quan tâm

Vì sao nông dân quay lưng với nuôi lợn bằng đệm lót sinh học Vì sao nông dân quay lưng với nuôi lợn bằng đệm lót sinh học

Mô hình nuôi lợn trên đệm lót sinh học đã xuất hiện từ lâu, với nhiều lợi ích thiết thực, nhất là giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, sau một thời gian thực hiện nhiều nông dân ở một số địa phương đã quay lưng với đệm lót sinh học và trở về với cách nuôi truyền thống.

09/11/2015
Công ty Phúc Lộc giả nhãn hiệu phân bón Thiên Phú Nông Công ty Phúc Lộc giả nhãn hiệu phân bón Thiên Phú Nông

Ngày 5/11, UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết thời gian gần đây, Công ty TNHH Kinh doanh cà phê và phân bón Phúc Lộc trong hoạt động kinh doanh, mua bán đã có hành vi giả mạo nhãn hiệu phân bón và vừa bị lực lượng chức năng phát hiện.

09/11/2015
Thương mại nông sản trong nội khối TPP Việt Nam đang bị thâm hụt Thương mại nông sản trong nội khối TPP Việt Nam đang bị thâm hụt

Theo một nghiên cứu gần đây của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), Việt Nam được cho là quốc gia hưởng lợi nhất từ TPP nhưng những gì mà nó mang lại cho ngành nông nghiệp lại rất hạn chế.

09/11/2015
Nhân rộng các mô hình sản xuất lúa hiệu quả Nhân rộng các mô hình sản xuất lúa hiệu quả

Năm 2015, diện tích cánh đồng lớn của tỉnh Long An đạt hơn 28.500ha, tăng hơn 11.100ha so với năm 2014 và tăng 8.500ha so với kế hoạch của toàn tỉnh.

09/11/2015
Phấn đấu tăng diện tích vườn cây ăn trái lên 27.700 ha Phấn đấu tăng diện tích vườn cây ăn trái lên 27.700 ha

Toàn tỉnh Bến Tre hiện có 27.500 ha diện tích vườn cây ăn trái. Trong đó, có các loại cây chủ lực như bưởi 5.500ha; nhãn 4.000ha, chôm chôm 5.560ha, sầu riêng 1.860ha, măng cụt 1.665ha...

09/11/2015