Mô Hình Trồng Mít Thái Siêu Sớm Và Ổi Không Hạt Mang Lại Hiệu Quả Kinh Tế Khá

Ông Đặng Văn Chín (Bé Chín), Chi hội phó Chi hội Người cao tuổi ấp Bà Lắm, xã Phú Thạnh, huyện Tân Phú Đông (Tiền Giang) luôn trăn trở tìm ra giải pháp để thoát nghèo ngay trên mảnh đất quê hương.
Nhà ông Chín có 7 nhân khẩu, trong đó có 4 lao động chính, canh tác 5.444m2 đất. Những năm trước, gia đình ông thuộc diện hộ nghèo, các con phải nghỉ học sớm theo cha mẹ đi làm thuê làm mướn khắp nơi để kiếm sống. Trong một chuyến đi làm thuê ở tỉnh Vĩnh Long, ông thấy vùng đất nơi đây gần giống như ở quê nhà, người ta trồng quít đường mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Ông đến vựa cây giống đặt mua 50 nhánh quýt, 50 gốc mít nghệ siêu sớm và mít lá bàng về trồng, nhưng khi đến kỳ giao hàng, người chủ vựa cho biết quýt đường đã hết hàng, ông đành mua 50 nhánh ổi không hạt.
Đầu tiên ông lên liếp toàn bộ diện tích vườn hiện có tiêu thoát nước vào những tháng mùa mưa và trữ nước ngọt vào mùa nắng, sau đó bón lót vôi và phân chuồng ủ hoai; ở những mép vườn sát mương ông trồng mít với khoảng cách giữa các cây là 6m, riêng ổi thì trồng cây cách cây 3,5m.
Sau khoảng 3 năm tích cực chăm sóc, vườn ổi và mít bắt đầu cho trái. Vụ đầu tiên, để đảm bảo cho cây phát triển mạnh các nhánh, ông Chín chỉ để lại một số ít trái để cây không mất sức. Bước sang năm thứ 4 này, vườn mít rất sai trái, bình quân mỗi cây cho khoảng 10 trái, 10kg/trái, bán tại vườn với giá 10.000 đồng/kg. Riêng số mít lá bàng qua theo dõi năng suất không cao, chất lượng thấp nên ông đã đốn bỏ để trồng lại mít Thái siêu sớm. Hiện vườn ổi ông Chín có trên 250 gốc, trong đó trên 100 gốc đang cho trái, với giá bán 10.000 đồng/kg. Tính chung mỗi tháng, ông thu nhập bình quân khoảng 3,5 triệu đồng.
Ngoài ra, để tận dụng những diện tích còn trống trong vườn, ông Chín trồng thêm bưởi da xanh, đua đủ, dưới ao thả cá. Đặc biệt là ông trồng xen canh cây sả. Vụ sả năm 2013, tuy mới thu hoạch chưa đầy diện tích, nhưng ông đã có gần 7 triệu đồng. Chưa kể ông còn chăn nuôi thêm các loại gia cầm để cải thiện bữa ăn gia đình.
Ông Chín cho biết: "Lẽ ra vườn cây của tôi có thể cho thu hoạch cao hơn, nhưng tôi không dám để nhiều trái cho cây phát triển, sang năm vườn ổi này đã có thể cho thêm thu nhập từ tiền chiết nhánh, nhiều người thấy giống ổi ngon đã đặt mua với giá 10.000 đồng/nhánh chiết nhưng tôi chưa bán. Sau thời gian trồng thử nghiệm, vườn cây phát triển khá tốt, cho thu nhập đều đặn, tuy nhiên nếu như có thể cải thiện được nguồn nước ngọt để tưới vào những tháng mùa khô chắc chắn hiệu quả kinh tế mang lại từ mô hình trồng mít Thái siêu sớm và ổi không hạt này sẽ rất cao."
Trồng mít và ổi không tốn nhiều chi phí và công chăm sóc; đối với mít, phải thăm vườn loại bỏ bớt các trái nhỏ, tỉa cành cho thông thoáng, riêng với ổi, ngoài việc tưới nước, bón phân để trái ổi đều và đẹp mắt, khi ổi vừa đậu trái bà con nên dùng bao ni lon trùm trái lại để hạn chế sự tấn công của rệp sáp làm cho ổi bị sần sùi, méo mó và độ giòn của ổi sẽ bị giảm đáng kể.
Chính nhờ sự tìm tòi ham học hỏi và sự quyết đoán dám nghĩ, dám làm mà đến nay gia đình ông Chín đã thoát nghèo bền vững, xây dựng được nhà cửa tương đối ổn định và có thêm điều kiện tham gia công tác xã hội tại địa phương. Thông qua mô hình này, ông Chín sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và hướng dẫn kỹ thuật cho bà con, để vùng đất cù lao huyện Tân Phú Đông nói chung và ấp Bà Lắm, xã Phú Thạnh nói riêng ngày càng phát triển.
Có thể bạn quan tâm

Mô hình đang được thực hiện với 50ha gieo cấy giống lúa Nàng Xuân và 1,5ha gieo cấy giống lúa nếp Lang Liêu tại 2 xã Tư Mại và Thắng Cương. Qua tham quan đầu bờ, các đại biểu đánh giá cao những ưu điểm vượt trội của 2 giống lúa này so với giống đối chứng Khang dân 18 như thời gian sinh trưởng tương đương với Khang dân, khả năng kháng bệnh khá, chống đổ tốt và hiệu quả kinh tế cao

Xóm Phủ, xã Toàn Sơn (Đà Bắc - Hòa Bình) cách thị trấn Đà Bắc gần 10 km nằm chênh vênh trên lòng hồ. Xóm có 76 hộ, chủ yếu là người Dao sinh sống dựa vào trồng ngô, sắn, trồng rừng và đánh bắt thủy sản. Ngoài những nghề trên, việc phát triển chăn nuôi được bà con chú trọng bởi lợi thế gần rừng có nhiều nguồn thức ăn. Hầu hết các hộ trong xóm đều chăn nuôi từ 1 - 2 con đến hàng chục con lợn. Giống chủ yếu là lợn lai, lợn địa phương với hình thức bán chăn thả. Nhận thấy lợi thế, thời gian qua, Dự án AFAP đã xây dựng mô hình chăn nuôi lợn rừng và lợn địa phương. Dự án đã đầu tư cho xóm 11 con lợn giống (9 con lợn địa phương và 2 con lợn rừng) cho 9 hộ chăn nuôi tiêu biểu của xóm.

Do nắng nóng kéo dài, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã có 12.000 ha lúa thiếu nước. Ngành NN- PTNT đang chỉ đạo các Cty thủy nông thực hiện việc bơm nước liên tục để cứu lúa.

Đi khắp vùng bãi dọc sông Lam huyện Hưng Nguyên, vùng đồi núi của Nam Đàn, hay những diện tích lạc vùng đất cát pha Nghi Lộc, tất cả là một màu vàng trắng do cháy của ngô, màu xanh héo rũ xơ xác của lạc. Đã lâu lắm, chưa bao giờ cây màu vụ xuân của tỉnh Nghệ An đối mặt với hạn hán khốc liệt và thiệt hại nặng nề đến thế.

Nghị định 42/2012/NĐ-CP về quản lý, sử dụng đất trồng lúa đã được Chính phủ ban hành, có hiệu lực từ ngày 1-7-2012. Theo đó, hàng năm, ngân sách nhà nước hỗ trợ 500.000 đồng/ha/năm cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sản xuất lúa trên đất chuyên trồng lúa nước; hỗ trợ 100.000 đồng/ha/năm cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sản xuất lúa trên đất lúa khác trừ đất lúa nương được mở rộng tự phát không theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trồng lúa.