Mô hình trồng măng tây xanh trong vườn

Anh Nguyễn Văn Thanh ở phường Bình Tân - hộ dân tham gia mô hình cho biết, gia đình anh được Phòng Kinh tế thị xã hỗ trợ 100% giống đã được ủ nẩy mầm, với thêm 30% phân bón, hướng dẫn kỹ thuật trồng 1.000 m2 măng tây xanh trong vườn. Tổng chi phí và công chăm sóc gần 22,5 triệu đồng, khi cây bắt đầu cho hái chồi măng trung bình 6 kg/ngày, thu hoạch liên tục trong 4 tháng được sản lượng 720 kg. Với giá bán bình quân 50 ngàn đồng/kg cho giá trị thu nhập 36 triệu đồng, trừ chi phí đầu tư, có lợi nhuận gần 14 triệu đồng trong 4 tháng, mỗi tháng thu khoảng 3,5 triệu đồng. Hiện tại hộ anh Thanh đang mở rộng thêm diện tích trồng măng tây xanh…
Theo Phòng Kinh tế La Gi, măng tây xanh là giống cây trồng có giá trị dinh dưỡng cao; măng dùng làm rau sống xay sinh tố, chế biến các món canh bổ dưỡng; đồng thời giúp phòng tránh một số bệnh như: ung thư, chống lão hóa, béo phì… Đây là loại cây dễ trồng, chăm sóc, thích hợp với thời tiết nắng ấm ở vùng đất La Gi; tuy nhiên tránh trồng vào cuối năm dễ gặp không khí lạnh, cây sẽ không phát triển. Hạt măng tây xanh được gieo trong bầu ươm, sau khoảng 3 tháng mang ra ngoài ruộng trồng với khoảng cách cây cách cây 30cm.
Giống cây này phù hợp trên đất màu tơi xốp, thoát nước vùng gần sông Dinh, các khe, suối trong vùng. Trước khi trồng bà con nên bón lót phân chuồng, phân hữu cơ vi sinh, phân lân theo số lượng khuyến cáo. Mô hình trồng thử nghiệm ở thị xã đã có 3 hộ tham gia sản xuất 3 sào. Qua kết quả khả quan ban đầu, Phòng Kinh tế đã tiến hành tập huấn, nhân rộng mô hình cho 50 bà con nông dân sản xuất rau trong vùng và hội thảo giới thiệu mô hình.
Có thể bạn quan tâm

Hợp tác xã (HTX) Chăn nuôi – Thủy sản Gò Công (Thị xã Gò Công, Tiền Giang) đã được Công ty TNHH San Hà (Tp. Hồ Chí Minh) ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm gà ta “Gò Công” chăn nuôi theo quy trình an toàn với giá 60.000 đồng/kg đối với gà trống và 75.000 đồng/kg đối với gà mái. Với mức giá trên, hộ xã viên nuôi 1.000 con gà ta Gò Công sẽ thu lãi 30 triệu đồng sau chu kỳ 3 tháng nuôi.

Tác động của thời tiết nắng nóng kéo dài đã làm gần 190 ha cây trồng vụ Đông Xuân 2012-2013 trên địa bàn huyện Chư Pah (Gia Lai) bị hạn; trong đó 30 ha bị mất trắng, số còn lại đang dần phục hồi. Theo Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Pah - ông Phạm Minh Châu, diện tích cây trồng bị hạn vụ sản xuất năm nay giảm nhiều so với năm 2010 trở về trước.

Khi áp lực về việc làm tăng cao, cùng với các loại dịch bệnh trên gia súc, gia cầm phát sinh khó kiểm soát, các hộ dân của xã Thái Bảo, huyện Gia Bình đã đưa con dế vào nuôi thử nghiệm, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao, mở ra cơ hội mới trong phát triển kinh tế của nông dân.

Ông Trần Lâm Sinh, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Đồng Nai cho biết, tính đến thời điểm này, toàn tỉnh Đồng Nai đã phát hiện ra gần 800 héc ta bắp không hạt, tập trung chủ yếu ở các huyện: Cẩm Mỹ, Xuân Lộc, Long Thành và TX. Long Khánh với mức độ thiệt hại từ 30 - 60%.

Toàn tỉnh Cà Mau hiện có trên 1.200 hộ dân phát triển nghề đặt trúm truyền thống. Đây là nghề ra đời và tồn tại hàng trăm năm nay.