Mô Hình Trồng Khoai Mỡ Ở Quảng Thái

Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng là hướng đi phù hợp trong phát triển nền nông nghiệp ở nhiều địa phương. Tại xã Quảng Thái (Thừa Thiên Huế), hướng đi này đã có những tín hiệu vui, bởi nhiều cây trồng khi đưa vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhất là mô hình trồng khoai mỡ.
Tại xã Quảng Thái, mô hình trồng khoai mỡ được đánh giá cao bởi hiệu quả mang lại rất lớn tạo ra nguồn thu nhập cao và ổn định cho người dân trong xã. Do khoai mỡ dễ trồng và thích hợp với những chân ruộng khô nên chỉ cần làm đất tơi xốp, làm luống, xuống ngọn, bón đủ phân và làm cỏ, khoai sẽ phát triển tốt cho năng suất cao.
Chạy dọc trên những con đường nội đồng những ngày này, hai bên đường, người dân đang nô nức thu hoạch khoai, nhìn những đống khoai nằm ngổn ngang trên mặt ruộng và nụ cười luôn hiện hữu trên môi những người nông dân, chúng tôi đoán chắc vụ khoai năm nay người nông dân vừa được mùa, vừa được giá.
Chúng tôi tìm đến hộ anh Hoàng Đình Phong, HTX Tam Giang. Anh cho biết: Gia đình tôi làm 1,5 sào khoai mỡ, trung bình mỗi sào cho thu nhập 7 tạ tương đương 2,8 triệu đồng. Do chi phí bỏ ra không cao nên với 1,5 sào khoai mỗi năm gia đình anh thu nhập trên 3 triệu đồng/vụ. So với trồng lúa, nguồn thu này cao hơn gấp 2, 3 lần”.
Anh Phong còn cho biết, do phần lớn đất trên địa bàn là đất cát pha nên chỉ trồng 1 vụ lúa, nếu không trồng khoai, đậu chỉ có nước bỏ hoang. Nhìn anh Phong đang cuốc lật từng khóm khoai, những củ khoai nằm lăn lóc trên mặt đất trông rất thích mắt.
Trồng khoai vốn đầu tư ban đầu không lớn, nguồn giống lại sẵn có tại địa phương, công chăm sóc ít, chỉ tốn chi phí phân bón. Sau 5 tháng, khoai cho thu hoạch với năng suất bình quân đạt 65 tạ/ha, với giá bán 4.000 đồng/kg, mỗi ha khoai mỡ người dân thu nhập gần 40 triệu đồng. So với các loại cây trồng khác như lạc, sắn, lúa thì khoai mỡ cho hiệu quả cao hơn.
Một lý do khiến mô hình trồng khoai mỡ phát triển mạnh và cho hiệu quả kinh tế cao là bởi có đầu ra tương đối ổn định. Ông Hoàng Thanh Tuyền, Chủ nhiệm HTX Tam Giang, cho biết: Vụ này, chúng tôi hợp đồng với Công ty TNHH MTV Thực phẩm Huế 84 tấn khoai.
Mọi năm, chúng tôi hợp đồng khoảng 70 tấn, nhưng năm nay sản lượng tăng nên chúng tôi yêu cầu đơn vị thu mua tăng số lượng. Nhờ có đơn vị bao tiêu sản phẩm nên người dân không lo lắng về đầu ra sau khi thu hoạch. Việc hợp đồng trước vụ thu hoạch tạo điều kiện để HTX điều tiết diện tích trồng nên không xảy ra tình trạng sản xuất không theo quy hoạch dẫn đến tình trạng khó về đầu ra.
Đến nay, toàn xã Quảng Thái có 30 ha khoai mỡ. Đánh giá về hiệu quả của mô hình trồng khoai mỡ trên những chân ruộng khô, ông Phan Nông, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Thái, cho biết: “Hiệu quả của mô hình trồng khoai mỡ mang lại góp phần quan trọng xóa đói giảm nghèo tại địa phương. Nhờ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nên thu nhập người dân ngày một nâng lên, hiện nay thu nhập bình quân đạt 15 triệu đồng/người/năm.
Thuận lợi lớn nhất khi người dân thực hiện mô hình này là nhờ Công ty TNHH MTV thực phẩm Huế bao tiêu sản phẩm. Thời gian tới, xã sẽ tạo mọi điều kiện để người dân có thể mở rộng mô hình này. Quan trong nhất là tạo mọi điều kiện thuận lợi để công ty thu mua sản phẩm của bà con. Đầu ra là một yếu tố quan trọng quyết định thành công của một mô hình.
Có thể bạn quan tâm

Nâng cao năng lực sản xuất tôm giống và tăng hiệu quả quản lý Nhà nước về chất lượng tôm giống là một trong những vấn đề được thảo luận tại hội nghị triển khai đề án nâng cao chất lượng tôm giống, do Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh Cà Mau phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức vào sáng 29/4.

Theo kế hoạch, năm 2014 huyện Cái Nước (tỉnh Cà Mau) sẽ phát triển vùng nuôi tôm công nghiệp 1.100 héc-ta. Tuy nhiên, chỉ mới đến cuối tháng 3, diện tích nuôi tôm công nghiệp của huyện lên đến hơn 1.500 héc-ta, tăng gấp 3 lần so với năm 2013. Hiện nay, nuôi tôm công nghiệp đã trở thành phong trào, lan rộng ở 11/11 xã, thị trấn trong huyện.

VASEP cũng cho biết, các nhà nhập khẩu Nhật đang cân nhắc chuyển qua mua tôm từ Ấn Độ và Indonesia. Điển hình là nhiều nhà nhập khẩu từ Nhật Bản đang tiến hành hướng dẫn nhà máy bên Ấn Độ làm hàng tôm duỗi thay thế cho các đơn hàng đang mua từ Việt Nam.

Gà Đông Tảo có nguồn gốc từ xã Đông Tảo, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, nằm trong danh sách các giống gia cầm quý hiếm của Việt Nam hiện đang được bảo tồn nguồn gen. Trước đây, gà Đông Tảo thường được dùng để cúng tế hay tiến vua vì thịt gà rất ngon.

Nắng hạn là nguyên nhân chính làm vụ đậu đen đông-xuân ở huyện Thuận Nam (Ninh Thuận) mất mùa. Năm ngoái năng suất đạt 5 tấn/ha, nay giảm gần một nửa.