Mô Hình Trồng Dưa Leo Trên Đất Ruộng

Những ngày này, từ Tỉnh lộ 941 nhìn sang bờ bên kia kênh Mặc Cần Dưng, thuộc địa phận xã Vĩnh An (Châu Thành - An Giang), người ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh nông dân đang tất bật thu hoạch dưa leo để kịp cân cho thương lái. Phong trào trồng dưa leo trên đất ruộng được bà con áp dụng phổ biến khoảng 2 năm nay đã giúp nhiều gia đình có thu nhập khá cao.
Đây là năm thứ hai ông Út Toán trồng dưa leo trên đất ruộng. Trước đây, ông trồng lúa 2 vụ bấp bênh, trong khi đó, gia đình lại đông con nên thiếu ăn quanh năm. Thấy bà con chòm xóm canh tác dưa leo hiệu quả, ông mạnh dạn chuyển diện tích trồng lúa sang trồng dưa leo và từ đó đến nay, gia đình ông có thu nhập hơn trước gấp nhiều lần. Vụ đông xuân này, mỗi công dưa leo (1 công = 1.000m2), ông thu hoạch khoảng 6-7 tấn, bán với giá 4.500-5.000 đồng/kg, trừ chi phí, lãi 15-20 triệu đồng/công.
Ông Út Toán cho biết: "Đất đai ở đây thích hợp với dưa leo nên trồng dễ trúng. Vụ này tôi gieo giống 636, 640 siêu năng suất, từ khi gieo đến lúc thu hoạch chỉ 2 tháng, mỗi ngày bẻ khoảng 300kg, kéo dài đến ngày 20 thì nghỉ. Hôm vừa rồi, thương lái ở Châu Đốc mua với giá 4.500-5.500 đồng/kg, có lúc giá dưa còn lên tới đỉnh điểm 9.000 đồng/kg (dịp Tết Nguyên đán) nên những người trồng dưa leo ở đây hốt bạc, gia đình tôi cũng có thu nhập quanh năm. Bình quân, một năm, tôi canh tác 3 vụ dưa, trừ chi phí, lãi trên 100 triệu đồng, sống khoẻ re".
Vụ dưa leo này, gia đình bà Huỳnh Thị Được trồng tới 11 công. Trong khi những người trồng lúa ở Vĩnh An đang rảnh rỗi vì lúa đã thu hoạch xong thì bà vẫn tất bật với việc hái dưa bán cho thương lái. Gia đình bà vừa thu hoạch hàng chục tấn dưa, lợi nhuận hàng trăm triệu đồng.
Cạnh bên ruộng nhà bà Được là đám dưa 15 công tầm cắt (khoảng 1.300m2) của gia đình ông Nguyễn Văn Dện cũng đang cho trái lúc lỉu. Ông Dện hồ hởi nói: "Dàn dưa leo của tôi đã cho thu hoạch hơn một tuần nay, giá dưa năm nay tương đối ổn định, năng suất không thua gì vụ đông xuân nên thu nhập khá. Trồng dưa leo bây giờ cải tiến hơn trước rất nhiều. Liếp đất được trải bằng màng phủ nylon, khi dưa lớn làm dàn để dưa bò, giảm được công tưới tiêu, giúp trái suôn, đẹp, bán được giá".
Ông Nguyễn Anh Kiệt, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh An cho biết, dưa leo được bà con trồng phổ biến từ hơn 2 năm nay. Ban đầu, chỉ có vài hộ chuyển đổi từ trồng lúa sang dưa leo, nhưng do có thu nhập cao nên đến nay xã đã có 40 hộ trồng theo hình thức này, góp phần tạo thêm việc làm cho hàng trăm lao động từ việc dắt đọt dưa lên dàn, bẻ dưa với mức thu nhập gần 100.000 đồng/người/ngày. Tuy nhiên, hiện nay thị trường tiêu thụ và giá dưa chưa ổn định, nông dân không nên mở rộng diện tích.
Ông Đào Ngọc Thưởng, Phó bí thư Đảng uỷ xã cũng cho rằng, trồng dưa leo trên ruộng là mô hình mới, bước đầu thành công. Thời gian tới, xã lên kế hoạch bao đê khép kín vụ 3 khoảng 1.400ha để bà con tăng vòng quay của đất, chuyển đổi từ lúa sang màu, hoặc 2 vụ lúa + 1 vụ màu… để hướng tới sản xuất bền vững
Có thể bạn quan tâm

Gà Đông Tảo là thương hiệu đặc sản nổi tiếng của tỉnh Hưng Yên, có đặc điểm nổi bật là cặp chân to, xấu xí, thô ráp nhưng thịt giòn và thơm ngon. Chân gà càng to thì càng hiếm, giá càng cao. Giống gà Đông Tảo rất khó nuôi nên giá luôn ở mức cao, nhất là trong dịp tết.

Ông Năm Nhãn thiết kế nền chuồng bằng xi măng, chung quanh được xây tường cao 1,5 m, trong chuồng được chia thành nhiều ô, mỗi ô có diện tích 1,5 m2, vách ngăn các ô được làm bằng lưới sắt. Nhím là loại ăn tạp nên không kén thức ăn, chủ yếu ăn rau, củ, quả và các sản phẩm nông nghiệp như: cám, gạo, bắp, khoai lang...

Ngày 16/1, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Văn Yên đã chủ trì cuộc họp với UBND huyện Đơn Dương, đại diện Cty sữa Đà Lạt Milk (nay là TH true Milk) nhằm kiểm tra, đánh giá và tìm biện pháp tháo gỡ những khó khăn mà ngành chăn nuôi bò sữa Lâm Đồng đang gặp phải trong thời gian gần đây.

Trước đây, kinh tế của gia đình chị Nguyễn Thị Hà (SN 1980) ở buôn Tung 1, xã Buôn Triết (huyện Lak, tỉnh Dak Lak) chỉ trông chờ vào mấy sào lúa nước, nhưng hằng năm thường bị hạn hán, lũ lụt nên năng suất bấp bênh, khiến cuộc sống gặp nhiều khó khăn.

Ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo, để chủ động phòng, chống đói rét, bảo vệ an toàn cho đàn vật nuôi, người chăn nuôi cần che chắn chuồng gia súc, tránh gió lùa, không chăn thả gia súc khi nhiệt độ ngoài trời xuống quá thấp; đồng thời chăm sóc, nuôi dưỡng tốt đàn vật nuôi để nâng cao sức đề kháng. Nguồn thức ăn cần bảo đảm cân đối giữa tinh bột, chất đạm, chất khoáng để có đủ năng lượng chống rét. Ngoài ra, cần tiêm phòng vắc xin đầy đủ để tăng khả năng miễn dịch cho đàn vật nuôi.