Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Mô Hình Trồng Dưa Leo Trên Đất Ruộng

Mô Hình Trồng Dưa Leo Trên Đất Ruộng
Ngày đăng: 25/08/2011

Những ngày này, từ Tỉnh lộ 941 nhìn sang bờ bên kia kênh Mặc Cần Dưng, thuộc địa phận xã Vĩnh An (Châu Thành - An Giang), người ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh nông dân đang tất bật thu hoạch dưa leo để kịp cân cho thương lái. Phong trào trồng dưa leo trên đất ruộng được bà con áp dụng phổ biến khoảng 2 năm nay đã giúp nhiều gia đình có thu nhập khá cao.

Đây là năm thứ hai ông Út Toán trồng dưa leo trên đất ruộng. Trước đây, ông trồng lúa 2 vụ bấp bênh, trong khi đó, gia đình lại đông con nên thiếu ăn quanh năm. Thấy bà con chòm xóm canh tác dưa leo hiệu quả, ông mạnh dạn chuyển diện tích trồng lúa sang trồng dưa leo và từ đó đến nay, gia đình ông có thu nhập hơn trước gấp nhiều lần. Vụ đông xuân này, mỗi công dưa leo (1 công = 1.000m2), ông thu hoạch khoảng 6-7 tấn, bán với giá 4.500-5.000 đồng/kg, trừ chi phí, lãi 15-20 triệu đồng/công.

Ông Út Toán cho biết: "Đất đai ở đây thích hợp với dưa leo nên trồng dễ trúng. Vụ này tôi gieo giống 636, 640 siêu năng suất, từ khi gieo đến lúc thu hoạch chỉ 2 tháng, mỗi ngày bẻ khoảng 300kg, kéo dài đến ngày 20 thì nghỉ. Hôm vừa rồi, thương lái ở Châu Đốc mua với giá 4.500-5.500 đồng/kg, có lúc giá dưa còn lên tới đỉnh điểm 9.000 đồng/kg (dịp Tết Nguyên đán) nên những người trồng dưa leo ở đây hốt bạc, gia đình tôi cũng có thu nhập quanh năm. Bình quân, một năm, tôi canh tác 3 vụ dưa, trừ chi phí, lãi trên 100 triệu đồng, sống khoẻ re".

Vụ dưa leo này, gia đình bà Huỳnh Thị Được trồng tới 11 công. Trong khi những người trồng lúa ở Vĩnh An đang rảnh rỗi vì lúa đã thu hoạch xong thì bà vẫn tất bật với việc hái dưa bán cho thương lái. Gia đình bà vừa thu hoạch hàng chục tấn dưa, lợi nhuận hàng trăm triệu đồng.

Cạnh bên ruộng nhà bà Được là đám dưa 15 công tầm cắt (khoảng 1.300m2) của gia đình ông Nguyễn Văn Dện cũng đang cho trái lúc lỉu. Ông Dện hồ hởi nói: "Dàn dưa leo của tôi đã cho thu hoạch hơn một tuần nay, giá dưa năm nay tương đối ổn định, năng suất không thua gì vụ đông xuân nên thu nhập khá. Trồng dưa leo bây giờ cải tiến hơn trước rất nhiều. Liếp đất được trải bằng màng phủ nylon, khi dưa lớn làm dàn để dưa bò, giảm được công tưới tiêu, giúp trái suôn, đẹp, bán được giá".

Ông Nguyễn Anh Kiệt, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh An cho biết, dưa leo được bà con trồng phổ biến từ hơn 2 năm nay. Ban đầu, chỉ có vài hộ chuyển đổi từ trồng lúa sang dưa leo, nhưng do có thu nhập cao nên đến nay xã đã có 40 hộ trồng theo hình thức này, góp phần tạo thêm việc làm cho hàng trăm lao động từ việc dắt đọt dưa lên dàn, bẻ dưa với mức thu nhập gần 100.000 đồng/người/ngày. Tuy nhiên, hiện nay thị trường tiêu thụ và giá dưa chưa ổn định, nông dân không nên mở rộng diện tích.

Ông Đào Ngọc Thưởng, Phó bí thư Đảng uỷ xã cũng cho rằng, trồng dưa leo trên ruộng là mô hình mới, bước đầu thành công. Thời gian tới, xã lên kế hoạch bao đê khép kín vụ 3 khoảng 1.400ha để bà con tăng vòng quay của đất, chuyển đổi từ lúa sang màu, hoặc 2 vụ lúa + 1 vụ màu… để hướng tới sản xuất bền vững


Có thể bạn quan tâm

Nâng cao chất lượng chế biến cà phê Nâng cao chất lượng chế biến cà phê

Đó là mục tiêu của hội thảo "Phát triển chế biến cà phê” vừa được Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối, Viện chính sách và chiến lược phát triển NN-NT (Bộ NN-PTNT) vừa tổ chức tại Đăk Lăk.

23/09/2015
Phân lũ vào đồng Phân lũ vào đồng

Lũ đã về ĐBSCL. Mùa lũ được dân đồng bằng gọi bằng cái tên hiền hòa là mùa nước nổi, đã bao đời đem lại cho miền sông nước các nguồn lợi. Trước đây, thời điểm tháng 8, tháng 9 là lũ đã tràn đồng, nhưng giờ đây cảnh đã khác xưa!

23/09/2015
Canh tác lúa giảm phát thải Canh tác lúa giảm phát thải

Theo công bố gần nhất thì Việt Nam bị xếp là quốc gia có tổng lượng phát thải nhà kính đứng thứ 31 trên thế giới.

23/09/2015
LH12 năng suất, chất lượng LH12 năng suất, chất lượng

Tại các điểm trình diễn gieo cấy giống lúa chất lượng LH12 trong vụ mùa 2015 ở Hà Nội và Hà Nam, nông dân chỉ cần phun thuốc phòng trừ sâu bệnh 1 lần (hoặc không phun) là có thể yên tâm chờ ngày thu hoạch.

23/09/2015
Nông dân điêu đứng do mất mùa ngô Nông dân điêu đứng do mất mùa ngô

Nắng nóng kéo dài khiến các diện tích ngô của người dân ở các xã Tân Long, Kỳ Tân, Nghĩa Dũng huyện Tân Kỳ (Nghệ An) bị mất mùa nghiêm trọng, người dân buộc lòng phải bán tháo ngô cây để giảm bớt thiệt hại về kinh tế.

07/07/2015