Mô Hình Trồng Chuối Sạch Thành Tỉ Phú

Từ 2 bàn tay trắng, anh Phạm Năng Thành (35 tuổi, H.Khoái Châu, Hưng Yên) đã trở thành tỉ phú nhờ trồng chuối sạch theo tiêu chuẩn VietGap.
Có nhà lầu, xe hơi chưa phải là tất cả, anh Thành đang hướng đến xây dựng thương hiệu chuối tiêu hồng đưa vào các siêu thị và xuất khẩu ra nước ngoài.
Cũng như nhiều thanh niên trong xã, sau khi tốt nghiệp phổ thông, Phạm Năng Thành rời quê vào Nam làm thuê kiếm sống. 3 năm lăn lộn nơi đất khách quê người dành dụm được chút vốn, năm 2003 Thành quay về quê khởi nghiệp. Thất bại với không ít loại cây, anh Thành chuyển sang trồng thử nghiệm chuối hồng - một giống chuối mới, quả vàng, có vị ngọt.
Anh Thành bộc bạch: “Trước đây ở các vùng nông thôn chuối thường được trồng trong vườn nhà. Khi có chính sách dồn điền đổi thửa, tôi đưa cây chuối ra ruộng trồng thử nghiệm 1 ha. Ban đầu cũng không dễ dàng, giống chuối mới mang đi tiếp thị ở các chợ Hà Nội bị chê, nhiều người không mua vì thấy quả vàng đẹp lại tưởng chuối bị thuốc. Để tồn tại, tôi chấp nhận lấy ngắn nuôi dài, bán từ hoa chuối, đến chuối xanh, chuối chín”.
Sau hơn 10 năm, giờ đây diện tích trồng chuối của anh Thành đã nhân lên thành 20 ha, sản lượng thu về 4.000 buồng/năm. Trung bình mỗi ngày, ruộng chuối của Thành bán từ 5 - 7 tấn, thu được 7 - 8 tỉ đồng/năm.
Khác với nhiều hộ trồng chuối để xuất sang Trung Quốc, 90% sản phẩm chuối của anh Thành phục vụ nội địa với các đại lý từ bắc đến nam khá ổn định. Anh Thành chia sẻ: “Bí quyết cũng chẳng có gì khó, ngoài đầu tư cho kỹ thuật chăm bón theo tiêu chuẩn VietGap, tuyệt đối không sử dụng đạm hóa học, thuốc bảo vệ thực vật. Thay vào đó, tôi chăm bón cây bằng sản phẩm phân vi sinh từ đỗ tương, ngô xay nhỏ, cây xanh lá, bền tàu. Để quả không bị đốm đen, đẹp mã, khi chuối kết buồng tôi bảo quản bằng cách bọc ni lông kín”.
Nhờ áp dụng kỹ thuật này, giá cao hơn hẳn so với chuối trồng đại trà. Bình thường giá chuối 6.000 đồng/kg, chuối sạch của anh Thành luôn bán được giá 8.000 đồng/kg. Thậm chí, chất lượng ngon và ngọt không thua kém chuối Philippines nhập khẩu đang bán ở VN, giá 20.000 - 40.000 đồng/kg.
Anh Thành cũng sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho anh em, bạn bè. Rất nhiều người ở Vĩnh Phúc, Thái Bình, Hà Nam áp dụng mô hình trồng chuối thành công. Anh nói: “Người nông dân đôi khi chỉ tính đến cái lợi trước mắt, trồng theo phong trào mà không tính đến đầu tư cho chiều sâu.
Do chưa áp dụng khoa học kỹ thuật, chăm sóc, bảo quản nên chuối VN đạt chất lượng thấp, vì thế thương lái ép giá. Trồng chuối sạch mất nhiều công chăm bón hơn, đầu tư tốn kém hơn, nhưng thành quả mình có được là nâng cao giá trị cho trái cây VN”.
Hiện anh Thành đang tiếp tục đầu tư máy móc, kho bảo quản, quyết tâm đưa chuối sạch vào siêu thị, tiến tới xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản.
Có thể bạn quan tâm

Theo một tổng kết mới đây của Bộ Công Thương, diện tích trồng bông nước ta đang bị suy giảm nghiêm trọng, nguyên liệu bông sản xuất trong nước hiện chỉ đáp ứng được 2% so với nhu cầu của toàn ngành dệt may.

Vĩnh Phúc là tỉnh có điều kiện tự nhiên khá thuận lợi cho cây bưởi phát triển, trong đó huyện Yên Lạc, Vĩnh Tường có lợi thế hơn cả, bởi nơi đây có quỹ đất lớn, chủ yếu là đất bãi, đất phù sa.

Theo Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Đồng Nai, hiện trên địa bàn tỉnh có hơn 1 ngàn hécta lúa hè - thu bị nhiễm ốc bươu vàng, tăng hơn 500 hécta so với giữa tháng 5-2012. Diện tích lúa hè - thu bị nhiễm ốc bươu vàng tăng nhanh, đa số đang trong thời kỳ mạ, đẻ nhánh, là do thường xuyên có mưa lớn, ốc theo nguồn nước mưa lây lan ra các ruộng. Các huyện có diện tích lúa bị nhiễm ốc bươu vàng nhiều là: Xuân Lộc, Tân Phú và Trảng Bom.

Ba năm trở lại đây, phong trào trồng cây đu đủ giống Đài Loan rất phát triển tại thôn Đồng Danh, xã Đức Ninh (Hàm Yên). Trong thôn hiện có 20 hộ trồng, hộ trồng ít nhất 100 cây, hộ nhiều nhất 350 cây. Đây là loại cây trồng có hiệu quả kinh tế cao so với các loại cây trồng khác như sắn, ngô… ở những chân đất cao, thoát nước tốt và có điều kiện bơm tưới

Ngân hàng Phát triển (VDB) ủng hộ các đề nghị của VASEP về gói hỗ trợ khẩn cấp cho DN cá tra Việt Nam. Trên cơ sở này, ngày 7/6/2012, VDB đã gửi Công văn hỏa tốc số 1812/NHPT-TDXK tới Thủ tướng Chính phủ đề xuất tháo gỡ khó khăn cho ngành cá tra theo Nghị quyết số 13/NQ-CP.