Mô Hình Trồng Chuối Sạch Thành Tỉ Phú

Từ 2 bàn tay trắng, anh Phạm Năng Thành (35 tuổi, H.Khoái Châu, Hưng Yên) đã trở thành tỉ phú nhờ trồng chuối sạch theo tiêu chuẩn VietGap.
Có nhà lầu, xe hơi chưa phải là tất cả, anh Thành đang hướng đến xây dựng thương hiệu chuối tiêu hồng đưa vào các siêu thị và xuất khẩu ra nước ngoài.
Cũng như nhiều thanh niên trong xã, sau khi tốt nghiệp phổ thông, Phạm Năng Thành rời quê vào Nam làm thuê kiếm sống. 3 năm lăn lộn nơi đất khách quê người dành dụm được chút vốn, năm 2003 Thành quay về quê khởi nghiệp. Thất bại với không ít loại cây, anh Thành chuyển sang trồng thử nghiệm chuối hồng - một giống chuối mới, quả vàng, có vị ngọt.
Anh Thành bộc bạch: “Trước đây ở các vùng nông thôn chuối thường được trồng trong vườn nhà. Khi có chính sách dồn điền đổi thửa, tôi đưa cây chuối ra ruộng trồng thử nghiệm 1 ha. Ban đầu cũng không dễ dàng, giống chuối mới mang đi tiếp thị ở các chợ Hà Nội bị chê, nhiều người không mua vì thấy quả vàng đẹp lại tưởng chuối bị thuốc. Để tồn tại, tôi chấp nhận lấy ngắn nuôi dài, bán từ hoa chuối, đến chuối xanh, chuối chín”.
Sau hơn 10 năm, giờ đây diện tích trồng chuối của anh Thành đã nhân lên thành 20 ha, sản lượng thu về 4.000 buồng/năm. Trung bình mỗi ngày, ruộng chuối của Thành bán từ 5 - 7 tấn, thu được 7 - 8 tỉ đồng/năm.
Khác với nhiều hộ trồng chuối để xuất sang Trung Quốc, 90% sản phẩm chuối của anh Thành phục vụ nội địa với các đại lý từ bắc đến nam khá ổn định. Anh Thành chia sẻ: “Bí quyết cũng chẳng có gì khó, ngoài đầu tư cho kỹ thuật chăm bón theo tiêu chuẩn VietGap, tuyệt đối không sử dụng đạm hóa học, thuốc bảo vệ thực vật. Thay vào đó, tôi chăm bón cây bằng sản phẩm phân vi sinh từ đỗ tương, ngô xay nhỏ, cây xanh lá, bền tàu. Để quả không bị đốm đen, đẹp mã, khi chuối kết buồng tôi bảo quản bằng cách bọc ni lông kín”.
Nhờ áp dụng kỹ thuật này, giá cao hơn hẳn so với chuối trồng đại trà. Bình thường giá chuối 6.000 đồng/kg, chuối sạch của anh Thành luôn bán được giá 8.000 đồng/kg. Thậm chí, chất lượng ngon và ngọt không thua kém chuối Philippines nhập khẩu đang bán ở VN, giá 20.000 - 40.000 đồng/kg.
Anh Thành cũng sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho anh em, bạn bè. Rất nhiều người ở Vĩnh Phúc, Thái Bình, Hà Nam áp dụng mô hình trồng chuối thành công. Anh nói: “Người nông dân đôi khi chỉ tính đến cái lợi trước mắt, trồng theo phong trào mà không tính đến đầu tư cho chiều sâu.
Do chưa áp dụng khoa học kỹ thuật, chăm sóc, bảo quản nên chuối VN đạt chất lượng thấp, vì thế thương lái ép giá. Trồng chuối sạch mất nhiều công chăm bón hơn, đầu tư tốn kém hơn, nhưng thành quả mình có được là nâng cao giá trị cho trái cây VN”.
Hiện anh Thành đang tiếp tục đầu tư máy móc, kho bảo quản, quyết tâm đưa chuối sạch vào siêu thị, tiến tới xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản.
Có thể bạn quan tâm

Liên tục những ngày qua, người dân trồng chuối ở khu vực ĐBSCL lại phấn khởi vì giá chuối bất ngờ tăng gấp đôi so với trước đó, từ 3.000 đồng/kg tăng lên 6.000-7.000 đồng/kg.

Theo một báo cáo mới của công ty Transparency Market Research về xu hướng và dự báo thị trường thức ăn thủy sản, nhu cầu thức ăn thủy sản toàn cầu dự kiến sẽ tăng 11,4%/năm trong thời kỳ từ 2013-2019.

Trong bối cảnh lúa gạo tồn đọng lớn, giá cả sụt giảm mạnh, cuộc sống hàng triệu nông dân trồng lúa ở ĐBSCL đang gặp khó khăn, có lẽ những người thường có ý kiến “phải bảo vệ diện tích đất trồng lúa” cũng phải đắn đo. Đã đến lúc cần có cái nhìn toàn diện về chiến lược phát triển cây lúa, có giải pháp đồng bộ thay vì chỉ tập trung vào mũi xuất khẩu gạo để vừa đảm bảo an ninh lương thực, vừa nâng cao thu nhập nông dân.

Về chất lượng nguồn lao động biển cũng là một vấn đề rất đáng suy nghĩ. Lao động biển hiện nay có trình độ văn hóa thấp hơn so với lao động ở các ngành nghề khác.

Một lượng lớn cá ngừ đại dương của ngư dân không xuất khẩu được, trong khi đó các doanh nghiệp lại phải nhập khẩu cá ngừ đại dương từ các nước khác để tái xuất.