Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Mô Hình Trồng Bí Xanh Lai Cho Hiệu Quả Kinh Tế Cao

Mô Hình Trồng Bí Xanh Lai Cho Hiệu Quả Kinh Tế Cao
Ngày đăng: 09/06/2014

Thời gian gần đây, nhiều mô hình cây trồng mới đã góp phần giúp nông dân xã Đông Sơn, thị xã Tam Điệp (Ninh Bình) chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả, có thu nhập cao.

Nhận thấy điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu ở xã Đông Sơn phù hợp với đặc điểm sinh trưởng, phát triển của cây bí xanh, vụ xuân 2014, Trạm Khuyến nông thị xã Tam Điệp đã xây dựng mô hình trồng thí điểm bí xanh lai F1 Fuji 868 trên diện tích 3 sào, tại thôn 3, xã Đông Sơn.

Đây là giống do Công ty cổ phần giống cây trồng Trung ương lai tạo. Giống này có ưu điểm nổi bật là thời gian sinh trưởng ngắn (từ 70-75 ngày). Cây sinh trưởng phát triển khỏe, nhánh gọn, lá dày, ra hoa tập trung sau trồng 40-44 ngày. Quả có màu xanh bóng, thon dài đều, kích thước quả trung bình, hợp thị hiếu người tiêu dùng.

Đến thăm gia đình anh Phạm Bá Tuần ở thôn 3, đúng vào lúc anh cùng vợ đang tiến hành buộc ngọn bí lên giàn. Anh Tuần cho biết: “Diện tích 1,5 sào này trước đây chúng tôi chủ yếu trồng ngô, lạc, nếu tính toán chi li thì thu nhập rất thấp.

Nay trồng bí xanh theo hướng VietGAP đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, một sào bí cho thu nhập cao hơn gấp 5-6 lần so với các cây trồng truyền thống. Lúc đầu vợ chồng tôi cũng băn khoăn, sợ sẽ khó khăn nhưng qua thực tế trồng, chăm sóc trong thời gian qua thì thấy giống bí này rất dễ làm.

Ngoài việc chịu rét tốt, giống bí xanh Fuji 868 còn ít sâu bệnh. Đặc biệt, cây ra hoa tập trung và tỷ lệ đậu quả rất cao. Như vụ xuân năm 2013, là năm đầu tiên trồng cây bí xanh, kinh nghiệm chưa có nhưng gia đình tôi cũng thu về 3 tấn quả/sào.

Năm nay chúng tôi áp dụng đúng quy trình kỹ thuật nên chắc chắn quả sai và to hơn. Dự tính với 1,5 sào, gia đình sẽ thu được khoảng 5 tấn quả, với giá bán trung bình 5.000 đồng/kg tại ruộng, sau khi trừ chi phí cho thu nhập khoảng 10 triệu đồng/sào/vụ. Phấn khởi hơn nữa là giống bí xanh này ruột đặc, thịt quả chắc, ăn ngon, không bị chua, dễ bảo quản và phù hợp với vận chuyển xa nên rất dễ tiêu thụ, xe của lái buôn đến tận ruộng thu mua.

Cũng là một trong những hộ tham gia trồng thử nghiệm giống bí xanh Fuji 868, bà Lương Thị Nơi phấn khởi nói với chúng tôi: Thời điểm này giá bí xanh lên cao, thương lái vào mua tận ruộng với giá 7.000 đồng/kg mà không đủ để bán. Vụ này gia đình lãi lớn, trừ chi phí gần 2 triệu đồng; gia đình tôi thu lãi 10 triệu đồng/sào. Vụ sau chắc chắn gia đình tôi tiếp tục trồng giống bí này.

Cán bộ Trạm Khuyến nông thị xã Tam Điệp cho biết: Mặc dù khi triển khai mô hình trồng bí xanh Fuji 868 gặp đúng điều kiện thời tiết bất lợi, mưa rét kéo dài khiến cây sinh trưởng, phát triển chậm nhưng đến nay có thể khẳng định năng suất và hiệu quả kinh tế của cây bí xanh vẫn vượt trội. Bình quân 1 ha đạt 70 tấn, với giá bán tại ruộng từ 4.000-7.000 đồng/kg, mỗi ha thu được 280 triệu đồng. Sau khi trừ các khoản chi phí còn lãi 180 triệu đồng/ha, cao hơn nhiều so với các cây màu khác. Dự kiến trong thời gian tới, Trạm sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này.

Đông Sơn là một trong những đơn vị có truyền thống sản xuất thâm canh. Bên cạnh cây trồng truyền thống là đào, các cây lương thực như lúa, ngô, những năm gần đây, người dân đã bắt đầu có những thay đổi lớn trong tư duy sản xuất, mạnh dạn đưa nhiều giống cây trồng, con nuôi mới vào sản xuất.

Đáng chú ý nhất trong quá trình chuyển đổi là việc trồng thành công mô hình mướp đắng năm 2008, dưa lê những năm 2010, mô hình dưa chuột bao tử năm 2013 và cây bí xanh vụ xuân năm nay.

Có thể khẳng định, việc trồng thành công mô hình bí xanh trên đất Đông Sơn theo hướng VietGAP đã mở ra triển vọng mới trong việc tăng cường chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thực hiện đề án nâng cao thu nhập xây dựng nông thôn mới của xã. Tuy nhiên, nếu mô hình được nhân rộngngười dân vẫn cần liên kết "4 nhà" để cây bí xanh được phát triển bền vững, tránh tình trạng khi có nhiều người trồng thì giá lại xuống thấp.


Có thể bạn quan tâm

Nhiều Biện Pháp Chỉ Đạo Cho Vụ Mùa Nhiều Biện Pháp Chỉ Đạo Cho Vụ Mùa

Để đạt được những mục tiêu gieo cấy 5.100 ha lúa, năng suất 55 tạ/ha, huyện Yên Phong chỉ đạo các xã, thị trấn bám sát định hướng của ngành Nông nghiệp, điều kiện thực tế của địa phương để xây dựng kế hoạch.

19/07/2013
Nuôi Cá Lồng Bè Tại Lòng Hồ Thủy Điện Sông Tranh 2 Ở Quảng Nam Nuôi Cá Lồng Bè Tại Lòng Hồ Thủy Điện Sông Tranh 2 Ở Quảng Nam

Năm 2012, lần đầu tiên huyện Bắc Trà My (Quảng Nam) đưa mô hình nuôi cá lồng bè vào nuôi thí điểm tại khu vực lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2 (thuộc xã Trà Tân). Mô hình này đã thành công và đang được nhân rộng, đem lại hướng sinh kế mới cho người dân bị mất đất vùng thủy điện.

12/05/2013
Vải Sớm Thanh Hà Được Giá, Vải Thiều Thu Hoạch Muộn Ở Hải Dương Vải Sớm Thanh Hà Được Giá, Vải Thiều Thu Hoạch Muộn Ở Hải Dương

Theo Phòng NN&PTNT thôn huyện Thanh Hà (Hải Dương), năm nay vải thiều sẽ bắt đầu cho thu hoạch từ ngày 15-6 đến 15-7, muộn hơn năm ngoái 10 ngày.

13/05/2013
Triển Khai Chính Sách Hỗ Trợ Cho Cơ Sở Sản Xuất Giống Cây Trồng Triển Khai Chính Sách Hỗ Trợ Cho Cơ Sở Sản Xuất Giống Cây Trồng

Sáng 19/7, Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội tổ chức Hội nghị Triển khai chính sách về hỗ trợ lãi suất vay vốn ưu đãi thuộc lĩnh vực trồng trọt, theo Quyết định 16/QĐ-UBND ngày 6/7/2012.

20/07/2013
8 Ha Tôm Nước Lợ Bị Nhiễm Bệnh Đốm Trắng 8 Ha Tôm Nước Lợ Bị Nhiễm Bệnh Đốm Trắng

Hiện nay một số địa phương trên địa huyện Quảng Điền (Thừa Thiên Huế) xảy ra tình trạng tôm bệnh, tập trung tại thị trấn Sịa (4 ha), xã Quảng Phước (3 ha) và xã Quảng Công (1 ha) với số lượng tôm bị bệnh trên 120 vạn con. Trước tình hình trên phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện đã cử cán bộ kỹ thuật tiến hành lấy mẫu giáp xác tại các hồ nuôi để kiểm tra các chỉ tiêu môi trường. Kết quả kiểm tra mầm bệnh bằng phương pháp PCR cho thấy các hồ nuôi tôm trên bị nhiễm bệnh vi rút đốm trắng. Để khống chế dịch bệnh, không để lây lan sang các hồ khác, Phòng NN&PTNT huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn tiến hành lập biên bản đóng cống các hồ nuôi xen ghép tôm cá, tiến hành thả cá ở những hồ này. Đối với những hồ nuôi chuyên tôm, tiến hành xử lý rãi hóa chất Chlorin để tiêu diệt mầm bệnh theo đúng quy trình kỹ thuật mới tiếp tục thả nuôi.

14/05/2013