Mô Hình Trồng Bắp Non Kết Hợp Chăn Nuôi Bò Đạt Hiệu Quả

Ngoài việc phát triển các cây trồng thế mạnh của địa phương, những năm gần đây, nhiều nông dân trong Câu lạc bộ (CLB) chăn nuôi bò ở xã Hội An Đông, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp phát triển thêm mô hình trồng bắp non kết hợp chăn nuôi bò vỗ béo. Mô hình này bước đầu mang lại giá trị kinh tế cao cho người nông dân, giải quyết hiệu quả vấn đề tìm nguồn thức ăn cho đàn vật nuôi.
Ra đời từ năm 2009, ban đầu có 25 thành viên, sau 5 năm hoạt động, CLB chăn nuôi bò xã Hội An Đông dần lớn mạnh. Hiện tại, số lượng thành viên của CLB tăng lên 97 thành viên. Song song đó, số lượng tổng đàn bò cũng tăng dần theo từng năm, đến nay đã có trên 1.200 con, tập trung nhiều ở ấp An Thạnh và An Quới.
CLB chăn nuôi bò của xã ra đời với tiêu chí tập hợp một số hộ nông dân chăn nuôi bò có nhu cầu học tập kinh nghiệm, giao lưu, trao đổi về những cách làm mới, mô hình sản xuất hay nhằm giúp tăng cao giá trị kinh tế sản xuất và chăn nuôi. Bên cạnh đó, khi tham gia CLB, bà con nông dân còn được cán bộ khuyến nông hướng dẫn phương pháp chăm sóc, vỗ béo bò thịt; chế biến một số loại thức ăn bổ sung và các biện pháp phòng bệnh cho đàn bò, một số hộ nuôi đã mạnh dạn áp dụng các biện pháp tiến bộ kỹ thuật vào chăm sóc, quản lý đàn bò qua các lớp tập huấn kỹ thuật. Do đó, những năm qua, bên cạnh việc tăng nhanh về tổng đàn thì chất lượng đàn bò thịt cũng được nâng lên rõ rệt.
Ông Huỳnh Văn Sáu ở ấp An Quới, xã Hội An Đông chia sẻ: “Ngoài việc được học tập các kinh nghiệm, kỹ thuật sản xuất mới trong chăn nuôi từ anh em ở CLB, chúng tôi còn được tương trợ, giúp đỡ vốn để chăn nuôi. Thời gian qua có nhiều hộ gia đình thoát nghèo, cuộc sống khá giả hơn”.
Ông Nguyễn Văn Kỳ ngụ ấp An Quới, xã Hội An Đông cho biết: “Nhận thấy trồng kiệu và khoai môn nhiều năm qua giá cả không ổn định nên tôi quyết định chuyển 1ha đất trồng rẫy sang trồng bắp non kết hợp nuôi 12 con bò vỗ béo. Để có được nguồn thức ăn ổn định cho đàn bò, tôi thực hiện trồng bắp luân phiên trên 1ha, cứ 1 tuần tôi lại xuống giống trên 500m2, cách làm này đảm bảo được nguồn thức ăn cho đàn bò quanh năm. Bên cạnh đó, để đàn bò có nguồn thức ăn đa dạng, tôi trồng thêm cỏ vôi. Hiệu quả từ mô hình chăn nuôi kết hợp này rất khả quan”.
Bên cạnh những thuận lợi thì hiện tại mô hình còn gặp một số khó khăn cần được sự hỗ trợ từ các cấp, các ngành. Song song với việc tăng nhanh tổng đàn, vấn đề con giống tăng giá và đầu ra cho đàn bò là 2 yếu tố cốt lõi mà bà con nông dân đang quan tâm.
Anh Nguyễn Hữu Lễ - chủ nhiệm CLB chăn nuôi bò xã Hội An Đông cho biết: “Hiện tại, do bò thịt ở địa phương chủ yếu được tiêu thụ qua hệ thống thương lái, nên người chăn nuôi thường xuyên bị ép giá cũng như không chủ động được khâu tiêu thụ. Bên cạnh đó, do nhu cầu chăn nuôi tăng, con giống khan hiếm nên giá bò giống tăng mạnh, vì vậy người chăn nuôi giảm lợi nhuận rất nhiều”.
Mô hình trồng bắp non kết hợp với chăn nuôi bò vỗ béo là mô hình hiệu quả, giúp nhiều nông dân ổn định thu nhập. Tuy nhiên, nếu mô hình được thực hiện một cách toàn diện hơn và sản phẩm bắp non, bò thịt được liên kết bao tiêu thì đây sẽ là một mô hình phát triển kinh tế ổn định và hiệu quả.
Có thể bạn quan tâm

Thế nhưng, cuộc sống ngày càng phát triển, người ta không còn chọn xích lô để làm phương tiện đi lại nên công việc của ông ngày càng khó khăn. Ông nói: “Lúc đó tôi muốn về quê, nhưng nghĩ lại, phải kiếm cái nghề gì đã. Rồi tôi theo mấy người bạn của mình đi học cách chăn nuôi bò, vì nghĩ về quê thì chăn nuôi là hợp lý nhất”. Sau những tháng ngày học hỏi và tích góp kiến thức cũng như kỹ thuật nuôi bò, ông Nông khăn gói về quê.

Dự án “Ứng dụng kết quả nghiên cứu lai tạo giống bò BBB trên nền bò cái lai Sind thành đàn bò lai F1 hướng thịt trên địa bàn TP Hà Nội” được UBND thành phố phê duyệt tháng 2 - 2012 và giao Công ty TNHH MTV Giống gia súc Hà Nội (công ty) làm chủ đầu tư. Sau hơn hai năm thực hiện bước đầu đã đạt kết quả khả quan.

Chị Chuẩn lý giải rất hợp lý: Chăn nuôi trâu bò, đòi hỏi phải có nhiều vốn và điều kiện chăn thả cũng cần được tính toán kỹ lưỡng. Trong khi đó, chỉ cần tầm 7 triệu đồng là đã có một cặp dê giống. Hơn nữa, dê còn có khả năng kháng bệnh cao và không chiếm quá nhiều diện tích đất làm chuồng trại, nên mô hình này rất phù hợp với những ai ít vốn hoặc những người mới bắt đầu khởi nghiệp.

Vừa dẫn chúng tôi tham quan một vòng quanh trang trại, anh Võ Văn Lựu vừa hồ hởi cho biết: Lớn lên trên vùng đất Tú Loan (xã Quảng Hưng, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình), chứng kiến cảnh người dân quanh năm vất vả với độc canh cây lúa, đất cằn nên cuộc sống cứ mãi chật vật. Trăn trở để tìm hướng đi mới, cuối cùng anh nhận thấy điều kiện đất đai ở đây với diện tích đất hoang hóa còn lại khá nhiều, cộng với nhiều trảng cát rộng, rất phù hợp cho chăn nuôi đà điểu.

Hiện nhiều hộ nông dân trên địa bàn tỉnh Bình Phước đang nuôi hươu lấy nhung để phát triển kinh tế. Nhiều hộ thu nhập vài trăm triệu đồng mỗi năm từ mô hình này. Thu gần 200 triệu đồng/năm chỉ từ 12 con hươu của gia đình ông Nguyễn Viết Long ở ấp 54, xã Lộc An (Lộc Ninh) là minh chứng.